Giáo xứ Vinh Hương

Tật Xấu Của Vợ - Chồng

Chủ nhật - 05/01/2014 16:32

Nếu được hỏi rằng lý do nào khiến anh chị kết hôn với nhau. Tất cả đều nhận được câu trả lời là: “vì chúng con yêu nhau”. “Đối với chúng con yêu nhau là điều quan trọng nhất”. Yêu nhau và đi đến kết hôn đó là quy luật, thế nhưng tại sao khi đã thành hôn nhiều người lại thất vọng. Nhiều người lại cảm thấy hôn nhân là bước vào đau khổ. Tại sao những ngày đầu yêu nhau và dám thề sống chết có nhau, nhưng rồi với thời gian lại có thể thay lòng đổi dạ. 
Thực vậy, có những gia đình rất hạnh phúc ,nhưng cũng có gia đình quá đau khổ vì tính tình của vợ hoặc của chồng. Với thời gian sống chung với nhau họ đã không chịu nổi những tính tình của nhau.
 
Vậy đàn ông rất ghét vợ ở điểm nào? Và các cô ghét các anh ở điềm nào?
 
Quan sát những va chạm trong đời sống gia đình, chúng ta thường thấy, đàn ông hay than phiền các bà về tật “nói nhiều và cố chấp” còn các bà hay than phiền các ông về vấn đề say sỉn và quậy phá vợ con.
 
Thứ nhất đó là nói nhiều, mà nói nôm na là bệnh càm ràm của các bà.
 
Thật không ngoa khi người ta nói rằng:
 
  Tìm được một người vợ vừa niềm nở tươi tắn lại vừa kín miệng trong lời nói qủa là một sự khó, khó bởi vì nói dài, nói dẻo, nói dai, nói day, nói dứt, nói gian, nói dối…vốn là sở trường của các nàng, hay có thể nói: đó là cố tật mà các bà các cô thường mắc phải. Vì thế mà có một ông chồng đã ước như thế này:
 
Em luôn miệng cằn nhằn
 
Kêu mưa rồi trách nắng
 
Ước gì em đi vắng
 
Được một ngày yên thân
 
Các bà không chỉ nói nhiều mà đôi khi còn nói xóc họng. Nói móc, nói mỉa rất văn chương.
 
  Có một lần một bà vợ nói với tôi là anh chồng hay uống rượu quậy phá vợ con xin cha lên nhà để khuyên anh chồng. Tôi cũng lên nhà họ. Đang nói chuyện khuyên bảo anh chồng thì chị vợ nhảy vào nói: Cha xem đấy. Con đi đâu về con chó nó còn vẫy đuôi mừng, còn chồng con thì nó cứ uống rượu rồi chửi con. Thế là anh chồng điên tiết lên chửi: Thế mày bảo tao là thua con chó à! .. . . Một cuộc chiến lại bắt đầu
 
Ở đời dễ có mấy cô vợ nào mà không hay càu nhàu, đánh con chửi chồng. Khủng bố chống con bằng chửi mắng đay nghiến dường như là căn bệnh mãn tính của các bà, nhưng trời còn báo hiệu lúc mưa lúc nắng, còn các bà thì mưa chẳng biết khi nào. Thế nên, người ta mới định nghĩa vợ rằng:
 
   Vợ là quả ớt trên cây,
 
Đỏ tươi ngoài vỏ nhưng cay trong lòng
 
Vợ là một đóa hoa hồng,
 
Vợ là “sư tử Hà Đông” trong nhà.
 
Khi vui, nàng đẹp như hoa
 
Đến khi tức giận cả nhà thất kinh.
 
Đó cũng là nguyên nhân các ông thích ở nhà hàng xóm, ở ngoài quán xá hơn là ở nhà là vậy. Đó cũng là nguyên nhân cơm chẳng lành canh chẳng ngọt khiến tình cảm vợ chồng ngày một tiêu tan.
 
Còn bệnh nhậu của đàn ông thì sao?
 
        Công bằng mà nói :
 
- Các bà các cô không uống rượu, nhưng lại rất khổ vì rượu.
 
Không cần nói ra thì ai cũng biết những hậu quả nghiêm trọng rượu đã gây nên. Nếu nhậu ở nhà thì càng mệt cho bà xã, vừa phải lo nấu nướng, lại vừa phải lo thu dọn. Chiến trường thật ngổn ngang và nồng nặc khi cuộc vui vừa tàn. May phúc nếu các chiến hữu chịu xếp hàng ra về sớm để vợ con dọn dẹp còn không thì cứ ngồi cứ ngồi cù cưa, hát hỏng hay tâm sự còm với nhau từ chiều tối tới sáng thì quả thật là một bất hạnh cho vợ cho con và cho cả hàng xóm khi phải nghe mấy anh rượu tâm sự.
 
Một tác giả thuộc phe các bà, sau khi quan sát những biến động trong khu xóm, đã ghi nhận như sau :
 
“Có hai gia đình ly dị thì cả hai ông chồng đều là những hũ hèm, dù họ đều là những người có học, một ông kỹ sư  và một ông phó giám đốc. Có ba phụ nữ góa bụa còn khá trẻ, thì ba người chồng của họ đều chết vì rượu. Một người chồng vì say, gây ra tai nạn giao thông bị chấn thương sọ não. Một người khác không say nhưng lại do một kẻ say tông vào anh, gây thương tích nghiêm trọng và anh đã mất ở bệnh viện. Một người chồng khác qua đời vì đã “tự tử dần” trong rượu, bởi vì rượu đã hủy hoại lá gan lẫn nhân cách của anh ta…Và cho dù không gây ra điều gì nghiêm trọng chăng nữa, thì chẳng người vợ nào hứng thú khi ông chồng mỗi tối về nhà với bộ mặt đỏ gay, mồm sặc mùi rượu và “ấn tượng” hơn là còn nôn thốc nôn tháo. Đúng là:
 
        Chồng là can rượu nếp đầy
        Nhậu về quên đậy mùi bay khắp nhà
 
Hôm nay nhân ngày thành hôn . . . tôi muốn nêu lên hai tật xấu tượng trưng cho hai giới. Không phải là nói xấu mà là nêu lên những mặt xấu của vấn đề để chúng ta biết kiềm chế bản thân để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Cha ông ta đã nói: “chồng giận thì vợ bớt lời” mà cái tật của các ông chỉ uống rượu say sỉn mới dám nạt nộ vợ con, bằng không thì rất hiền. Vì thế nếu vợ chồng biết nhường nhịn nhau, biết kiềm chế tật xấu của mình thì gia đình sẽ rất hạnh phúc. Trên hết, để gia đình hạnh phúc vợ chồng cần phải có sự hy sinh cho nhau và vì nhau. Yêu nhau mà không chấp nhận  hy sinh, gian khổ vì nhau và cho nhau, thì chưa phải là tình yêu thực sự. Tình yêu hy sinh ấy chúng ta cũng từng thấy trong bài thơ “Thương vợ” của Tú Xương đã diễn tả:
 
“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
 
Nuôi đủ năm con với một chồng.
 
Lặn lội thân cò khi quãng vẵng,
 
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
 
Hy sinh không chỉ là đón nhận nhau mà còn là chấp nhận tan biến đời mình để sống cho người mình yêu. Khi xảy ra những mâu thuẫn do bất đồng ý kiến , hy sinh có nghĩa là một điều nhịn chín điều lành. Sự hy sinh còn biểu lộ qua việc quan tâm đến nhau, chăm sóc, lo lắng cho nhau, không quản ngại vất vả, gian khổ vì nhau, nhất là khi người bạn gặp thử thách, bệnh tật, khó khăn. Đây chính là lúc vợ chồng sống lời cam kết dâng hiến trọn vẹn cho nhau trong ngày thành hôn rõ nét nhất.
 
Cầu chúc anh chị luôn vẹn nghĩa lời thề : Yêu nhau khi thịnh vượng – lúc gian nan. Ốm đau mạnh khoẻ để yêu thương và đón nhận nhau suốt cuộc đời. Amen
 

Tác giả bài viết: Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Nguồn tin: www.gpcantho

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây