Phúc Âm: Mt 5, 38-42
“Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe bảo: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Đoạn Tin Mừng hôm nay dễ bị đem ra nhạo cười, vì có vẻ nó dung túng sự ác và biểu lộ một tinh thần yếu hèn bạc nhược. Người ta hay nghĩ rằng nếu cứ sống theo tinh thần của Chúa Kitô thì hẳn kẻ ác sẽ tha hồ tác oai tác quái trong thế giới này. Tuy nhiên, chính vì con người muốn sống theo khuynh hướng tự nhiên, nên thế giới hôm nay mới không ngớt chiến tranh và đau khổ. Đánh phủ đầu là đánh trước khi người kia kịp đánh mình. Trên thế giới mỗi ngày có biết bao vụ sát nhân chỉ vì một chút hờn oán. “Mắt đền mắt, răng đền răng” câu này thường được dùng để cho thấy sự tàn nhẫn của Cựu Ước. Thật ra, Cựu Ước chẳng bắt người ta phải móc mắt, nhổ răng kẻ thù. Câu này chỉ nhằm giới hạn việc báo thù trong mức độ cân xứng. Trong xã hội mang tính bộ tộc của Ítraen thuở ban đầu, “mắt đền mắt” đã là một tiến bộ đáng kể. Đức Giêsu đi xa hơn khi đòi hỏi đừng chống cự lại người ác, nghĩa là đừng lấy ác báo ác, đừng sống theo luật báo phục (lex talionis). “Nếu bị ai vả má bên phải, hãy đưa cả má kia ra nữa” (c. 39). Bị vả má bên phải nghĩa là bị tát bằng mu bàn tay phải. Không phải là đau hơn, nhưng là nhục nhã hơn nhiều. Đức Giêsu đã từng có kinh nghiệm này trong cuộc Khổ Nạn (Mt 26, 67). “Đưa má kia” đơn giản chỉ có nghĩa là tránh trả thù, chịu mình ở thế yếu, vì báo oán là chuyện của Thiên Chúa (Rm 12, 19-20). “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,21). “Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong, hãy để cho hắn lấy cả áo ngoài nữa” (c. 40).
Ở Đông phương, áo ngoài là quan trọng để chống cái lạnh ban đêm, nên nếu bị cầm cố, thì cũng phải trả lại cho người ta có cái mà đắp (Đnl 24, 13). Đưa cả áo trong lẫn áo ngoài cho kẻ kiện cáo mình là chấp nhận bị trần trụi và xấu hổ, nếu ai đó chỉ có một bộ thôi. Trong xã hội Paléttin bị đô hộ bởi đế quốc Rôma, chuyện bị ép vác đồ dùm cho lính tráng vẫn hay xảy ra (x. Mt 27, 32). “Người bắt anh đi một dặm, hãy đi với người ấy hai dặm” (c. 41). Môn đệ Đức Giêsu, trước những ép buộc không mấy chính đáng, chẳng những được mời ưng thuận, mà còn làm hơn cả điều bị ép buộc. Câu cuối của bài Tin mừng cho thấy thái độ bác ái của kitô hữu trước những yêu cầu của có thật của tha nhân (c. 42). Mở lòng ra trước người xin, người muốn vay mượn, dù kẻ ấy là kẻ thù hay người không có khả năng hoàn trả. Lời của Đức Giêsu hôm nay làm chúng ta choáng váng. Lời này không đòi dẹp bỏ hệ thống pháp luật, cảnh sát hay nhà tù. Nhưng nếu các kitô hữu cứ để cho Lời này thấm vào lòng từ từ, đời sống của họ sẽ được thay đổi một cách kỳ diệu, và bộ mặt thế giới sẽ đổi khác.
Hiền hậu, bao dung, quảng đại, đó là điều thế giới hôm nay thiếu trầm trọng. Gandhi, người say mê những câu Lời Chúa hôm nay, đã than phiền: “Tôi thích Đức Kitô của các anh, nhưng tôi không thích các kitô hữu. Vì các kitô hữu thì chẳng giống Đức Kitô mấy.” Chỉ mong chúng ta có trái tim hiền hậu giống Đức Kitô hơn.
Lời nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con quả tim của Chúa. Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ. Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện. Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn, không một đam mê nào khuấy động hồn con. Xin cho con đừng quá vui khi thành công, cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích. Xin cho quả tim con đủ lớn để yêu người con không ưa. Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để có thể ôm cả những người thù ghét con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ