Giáo xứ Vinh Hương

Những chọn lựa

Thứ tư - 22/08/2012 19:52

Những chọn lựa

- “chỉ có Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời, Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.

Yn 6,54a.60-69  
        
Ba bài đọc Chúa nhật 21 TN nói lên những sự chọn lựa căn bản cho cuộc đời. Trong bài Cựu Ước, ông Gio-suê đã tổ chức đại hội Si-khem để tôn vinh danh Chúa. Ông đưa ra cho dân Do Thái hai thái độ, hoặc tôn thờ Thiên Chúa hoặc thờ các thần như các dân tộc khác. Trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô, Thánh Phao-lô đưa ra một sự chọn lựa: “Vì lòng kính sợ Chúa, anh em hãy tùng phục lẫn nhau như Đức Ki-tô đã yêu thương hiến mình vì Hội Thánh”, điều nầy trái với bản tính tự nhiên của con người là luôn tìm cách lấn lướt và thống trị người khác. Còn bài Tin Mừng là phần kết thúc của diễn từ về ‘Chúa Giê-su là Bánh Hằng Sống từ trời xuống’, nhiều môn đệ đã rút lui, và Thánh Phê-rô đã đưa ra một chọn lựa theo Chúa, vì  “chỉ có Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời, Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.

Đọc lại lịch sử dân Chúa chọn, có những thời điểm dân chúng tôn vinh Chúa là Chúa của họ một cách cuồng nhiệt, nhưng cũng có những lúc niềm tin xuống rất thấp, họ nghi ngờ quyền năng, sự hiện diện và tình thương của Đấng đã từng dẫn dắt cha ông họ qua biển đỏ, vị Thiên Chúa đó bây giờ ở đâu rồi… và họ bị cám dỗ tôn thờ các thần dân ngoại như các dân sống quanh họ. Trước sự lầm lạc của dân Is-ra-el, ông Gio-suê đã tổ chức đại hội Si-khem và sau nầy, tiên tri Ê-li-a đã làm một ‘cuộc so tài’ với các tư tế của thần Ba-al, với mục đích xác định lại ai mới là Chúa đích thực của họ. Sự minh định không phải một lần là được, vì bản tính con người rất dễ lầm lạc và lưỡng diện: lúc ngả bên nầy lúc nghiêng phía nọ. Lịch sử dân Do Thái đầy dẫy những bất trung, mỗi lần họ đi quá xa giáo huấn của Chúa thì sự trừng phạt đã ập đến, nhưng khi họ ăn năn sám hối trở về thì Thiên Chúa lại cho họ được phồn vinh: thảm kịch và sự hưng thịnh tùy thuộc nơi lòng tin và sự trung thành với lề luật Chúa. Sau nầy Thánh Phao-lô cũng diễn tả sự lưỡng diện đó xảy ra ngay nơi bản thân mình: “Điều tôi muốn làm thì tôi lại không làm, điều tôi không muốn làm thì tôi lại làm” (Rm 7,15).

Cuộc đời chúng ta đã có những lần phải chọn lựa Thiên Chúa là Chúa của mình. Lần đầu tiên và mãnh liệt nhất là ngày lãnh phép rửa tội để thuộc về Chúa và Hội Thánh. Trong ngày đó, ta tuyên xưng cách công khai rằng mình tin kính Thiên Chúa là Đấng dựng nên trời đất, tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Chuộc, tin Hội Thánh Công giáo; và ta tuyên bố từ bỏ ma quỷ cùng những việc làm của chúng. Hình thức thứ hai tuyên xưng đức tin là mỗi lần tham dự phụng vụ, ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa là Chúa của vũ trụ và ơn cứu độ Đức Ki-tô mang lại, và cụ thể nhất là mỗi lần đọc kinh Tin Kính. Hình thức tuyên xưng thứ ba là bằng cuộc sống, nhất là sự phục vụ cộng đoàn: niềm tin được thể hiện trong sự hiến thân phục vụ. Nói đến phục vụ là ta nói đến sự cho đi bản thân mình, không vì tiền bạc hay danh vọng, mà vì tình yêu Chúa Ki-tô thúc đẩy, không đòi phần thưởng nào ngoài việc làm đẹp ý Chúa.

Đọc kinh Tin Kính chung với cộng đoàn là điều rất dễ dàng, ta không hề nghi ngờ một tín điều nào cả, nhưng khi phải đưa ra chọn lựa cho chính mình trong những hoàn cảnh cụ thể thì nhiều khi ta không xác tín được Thiên Chúa là chủ vũ trụ và của đời mình. Sự phục vụ lâu năm làm ta thấy mệt mỏi và muốn ‘rút lui’ để trở thành một ‘phó thường dân’ cho khỏe đầu khỏe xác. Mỗi lần lòng cảm thấy nặng nề và so đo tính toán với Chúa, ta hãy nhìn lên Thập Giá Đức Ki-tô để thấy rằng Người đã ở yên trên Thánh Giá và đã đổ hết giọt máu cuối cùng. Rất gần gũi với chúng ta là một Thánh Ma-xi-mi-li-en Kol-be (chết 14/8/1941), một mẹ Tê-rê-xa Cal-cut-ta và các Thánh Tử Đạo Việt Nam… các Ngài đã phải đưa ra nhiều chọn lựa trong cuộc đời để thuộc trọn về Chúa, chọn Chúa chứ không phải chọn những lợi lộc trần gian.

Trong bài Tin Mừng của Thánh Gio-an hôm nay (6,60-69), sự phân rẽ đã xảy ra trong đám cử tọa của Chúa Giê-su đã trở nên gay gắt, một số lớn những môn đệ theo Chúa bấy lâu nay đã rút lui, chắc chắn với những lời bình phẩm không tốt và những lời đó đã tác động đến nhiều người khác. Số người ở lại không nhiều, phần nào đó họ cũng không mấy bình tâm, nhưng chắc chắn là sau lời tuyên tín của Thánh Phê-rô thì bầu khí đã trở nên rất khác, ai nấy đều lên tinh thần. Cũng vậy, sau lời tuyên bố của ông Gio-suê ‘phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Thiên Chúa’ thì lòng dân Do Thái cũng đổi khác, họ nói: “Chúng tôi không hề có ý định lìa bỏ Chúa để phụng thờ các thần khác”. Lời nói và gương sống của ta đều để lại những âm hưởng tốt hay xấu nơi người chung quanh, trước hết là con cái và những người thân cận, gần gũi với ta. Hãy thận trọng về những phát biểu của mình: trung tính, tốt hay xấu, vì có những lời nói mà ‘di chứng’ của chúng tồn tại rất lâu trên cuộc đời.

Khi xã hội dân sự có những điểm quy chiếu phù hợp với Tin Mừng, khi đám đông quanh ta có những suy nghĩ tương đối giống niềm tin của đạo, thì việc sống niềm tin của ta tương đối dễ dàng, nhưng rất thường ta phải lội ngược giòng khi đưa ra những chọn lựa cho mình và gia đình mình: việc tôn thờ Thiên Chúa và sống theo giới luật của Ngài đã dẫn đến những bắt bớ từ 2000 năm nay là một bằng chứng. Có một nghiên cứu về ‘lý do đạo Ki-tô thường bị bắt bớ và trù dập’ đã chỉ ra rằng ‘vì tranh chấp quyền lực: các vua quan thường bắt dân chúng vâng lời mình tuyệt đối, vì mình là ‘con trời’, thay trời hành đạo… nhưng đạo Ki-tô lại dạy rằng phải tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự, vì Ngài là Chúa của muôn loài, họ chỉ nghe theo vua quan trong những điều phù hợp với lề luật, quyền lực các vua quan có được là do Chúa ban.

Trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô, Thánh Phao-lô đưa ra một lời khuyên không bao giờ lỗi thời: “Vì lòng kính sợ Chúa, anh em hãy tùng phục lẫn nhau”. Tình yêu vợ chồng trong hôn nhân là hình ảnh sống động của tình yêu giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh. Sự tùng phục lẫn nhau là một thứ ngôn ngữ không lời nhưng mang lại hiệu quả vô cùng phong phú. Hiệu quả thứ nhất là qua sự tùng phục lẫn nhau, mỗi người được lớn lên trong tình yêu Đức Kitô, vì họ ‘tôn trọng, nhường nhịn và hiến mình’ trong tình yêu Đức Kitô. Hiệu quả thứ hai là chính lúc trao ban là lúc họ nhận lãnh, đây là lời dạy của Thánh Phan-xi-cô As-si-di và cảm nghiệm của những người phục vụ những người bất hạnh, chính tình yêu sẽ làm nên những điều kỳ diệu và sự tùng phục của ta sẽ trổ sinh những hoa trái ‘hạnh phúc’ ta không ngờ. Hiệu quả thứ ba, qua sự tùng phục của ta, người bạn đời sẽ cảm nghiệm được sự hiến thân của Chúa Kitô vì Hội Thánh, con cái sẽ cảm nghiệm được hình ảnh của Cha trên trời.   

Tuyên xưng niềm tin với cộng đoàn dễ hơn nhiều so với những chọn lựa hằng ngày của ta, nhất là trong những hoàn cảnh gian nan thử thách, nhưng Thiên Chúa không bao giờ cho phép sự dữ xảy ra nếu Ngài không dùng quyền năng để rút ra được nhiều sự thiện còn lớn lao hơn nhiều. Sự lựa chọn Thiên Chúa luôn được cụ thể hóa trong đời sống phục vụ cộng đoàn cũng như tùng phục trong gia đình.Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi lên đường làm những việc Ngài muốn, tôi phải đưa ra những quyết định và xác tín cho riêng mình – dù phải đi ngược dòng đời, và Chúa luôn đồng hành với tôi trên mọi nẻo đường.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây