Giáo xứ Vinh Hương

Chúa chữa người câm điếc

Thứ sáu - 07/09/2012 08:39

Chúa chữa người câm điếc

- Suy niệm Chúa nhật 23 Thường niên

Mc 7,31-37

Các sách Tin Mừng đã nhiều lần nhắc tới đoạn văn trích từ sách Isaia 35, 5 : “Mắt người mù được thấy, kẻ điếc được nghe, người câm nói được, người chết sống lại, người nghèo khó được nghe tin mừng” như một dấu chỉ của thời đại của Đấng thiên sai”. Chúng ta có thể nhắc tới lần Chúa trả lời cho các môn đệ ông Gioan đến để hỏi xem Chúa có phải là Đấng Messia hay không hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác, thì Chúa nói với các ông hãy về kể lại những điều mắt thấy tai nghe, vì hôm ấy Chúa chữa nhiều người lành bệnh (Lc7,22. Mt 11,5); còn những lần khác thì đám đông dân chúng đã liên tưởng đến đoạn văn nầy khi chứng kiến những phép lạ Chúa làm, như những dấu chỉ của thời đại  Đấng thiên sai đã đến (Mc 7,37).
 
Ai trong chúng ta cũng cảm thấy tiếc nuối khi nhớ lại hình ảnh vườn Địa Đàng với tình trạng thánh thiện nguyên thủy bị đánh mất. Câu chuyện ‘cây trái cấm’ muốn nói lên một ranh giới không thể vượt qua, diễn tả sự tuân phục và lệ thuộc của con người với Đấng Tạo Thành. Vì tội tổ tông, sự thánh thiện nguyên thủy đã bị đánh mất, sự hài hòa đã bị đảo lộn: quyền điều khiển tinh thần trên thân xác, sự liên hệ giữa người với người bị đánh dấu bằng sự thống trị, thế giới hữu hình trở nên thù nghịch với con người (SGLHTCG 400). Hậu quả của tội tổ tông là bản tính nhân loại bị suy yếu trong các sức lực tự nhiên của mình, u mê dốt nát, phải đau khổ, bị sự chết thống trị và hướng chiều về tội lỗi (sự hướng chiều nầy gọi là dục vọng) (SGLHTCG 418). Đó là sự câm điếc thiêng liêng: bất tuân Thiên Chúa và thiếu tin tưởng vào lòng nhân hậu của Ngài.
 
Thánh Giacôbê đưa ra một khía cạnh của sự lệch lạc trong tương quan với tha nhân: đánh giá nhau qua vẻ bề ngoài. Trong Tin Mừng, Chúa luôn dạy ta khi mời tiệc thì mời những người đui mù què quặt để họ không có cơ hội trả ơn, phải xót thương những người nghèo vì họ là hiện thân của Chúa, phải tha thứ và làm hòa với anh em khi còn đi dọc đường. Nhưng thực tế, nhiều người lại có quan niệm muốn xây dựng một xã hội phồn vinh thì phải mạnh tay với hạng dân đen nghèo hèn, điển hình là thuyết ưu sinh của Hitler: muốn có một dân tộc khỏe mạnh và thuần chủng Arian thì phải tiêu diệt những kẻ tàn tật và nòi giống mà họ xét thấy không đáng sống. Đạo Kitô dạy ta phải thương yêu anh em vì Chúa Kitô hiện diện trong đó, yêu họ vì tình yêu Đức Kitô – Đấng đã hiến thân mình để cho mọi người được hạnh phúc, và đặc biệt yêu nhất là những người nghèo, hèn, tật bệnh (Mt 25, 31). Thật đáng thương cho phận người, vì ngày nay con người chúng ta vẫn như thế! Chúng ta vẫn kính trọng người giàu và khinh chê người nghèo, vẫn thích những kẻ biết điều và biết nịnh nọt hơn những kẻ lợi dụng và nói những lời khó nghe.
 
Có một thực trạng là ngày nay người giáo dân không còn muốn tìm hiểu về tu đức và Kinh Thánh, vì có nhiều sở thích khác hấp dẫn hơn trong lúc thời giờ thì có hạn. Dù cho Giáo hội và các linh mục có kêu gọi ‘mỗi gia đình một cuốn sách Thánh Kinh, đọc Lời Chúa theo phương pháp Lectio, học thuộc lòng và ghi nhớ những đoạn Kinh Thánh ngắn gọn’, dù cho các bài chia sẻ Lời Chúa dày đặc trên các trang mạng... thì việc đọc, tìm hiểu và sống Lời Chúa cũng rất hạn chế, đặc biệt nơi những người trẻ. Có người còn suy nghĩ : «  biết nhiều tội nhiều, thà biết ít còn hơn ». Trong dịp tang lễ của Đức Hồng Y Martini, người ta nhắc lại lời kêu gọi của Ngài, ngày 06-12-1995, nhân ngày lễ thánh Ambrôsiô: “Chớ gì Lời Kitô phải khác với bao lời thông thường khác, bởi vì chúng ta biết rằng khi ấy lời này có thể bảo vệ và củng cố chính nền đạo đức chung một cách hữu hiệu”, và câu Thánh vịnh 119 được dùng để khắc trên mộ Ngài: “Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”; câu ấy giải thích toàn bộ cuộc sống và sứ vụ của ngài.
 
Nếu không tiếp xúc thường xuyên với Lời dạy của Thiên Chúa thì ta sẽ học sự khôn ngoan theo kiểu người đời: hưởng thụ vật chất, các lạc thú giác quan và đề cao chính mình (SGLHTCG số 377).Thực ra, Kinh Thánh là những lời mạc khải về tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người, là lời Thiên Chúa trực tiếp nói với từng người, rất khác xa những sách văn học hay những tin tức hằng ngày ta đọc trên báo. Đức Benêdictô XVI, khi được hỏi: “Nếu phải đi thật xa mà chỉ mang được hai cuốn sách, thì Ngài sẽ mang gì?” – Sách Kinh Thánh và cuốn Tự Thú của Thánh Augustinô. Thế đó, các linh mục hãy chú tâm vào nhiệm vụ giảng dạy hơn bất cứ nhiệm vụ nào khác, còn người giáo dân cũng đừng nghĩ việc nói về Lời Chúa là việc của các Đấng, vì thực ra mỗi người khi rửa tội là đã nhận sứ vụ tiên tri, tư tế và lãnh đạo. Bất cứ ai cũng có nhiệm vụ trả lời về niềm tin của mình cho những kẻ muốn biết (1Pr 3,15).
 
Lạy Chúa Giêsu, Xin cho con biết đến với Chúa,  ham mê học hỏi Lời Chúa và tìm cách giữ Chúa lại trong đời mình để được Chúa chữa lành những tật câm điếc thiêng liêng, biết nhìn thấy tình yêu kỳ diệu của Chúa trong vũ trụ và trong đời mình, biết tôn trọng nhân phẩm từng người - dù họ yếu hèn về thể lý, luân lý hay tâm lý, vì con nhìn thấy hình ảnh Chúa nơi họ.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây