Giáo xứ Vinh Hương

Thập giá và phận người

Thứ bảy - 16/04/2011 19:25

Thập giá và phận người

- Thập giá là tất cả những gì Chúa Kitô đang nói với nhân loại.

Sau sự kiện 11-9-2001, người ta tìm thấy một thanh sắt hình cây thập giá trong đống đổ nát của tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới. Sau đó, cây thập giá này được sử dụng trong các thánh lễ và các buổi cầu nguyện cho những người xấu số và cả những người làm việc ở đó[1]. Phải chăng giữa cảnh chết chóc và hận thù, người ta dùng cây thập giá để mời gọi yêu thương và tha thứ? để hy vọng khi tuyệt vọng? Và, phải chăng sự hiện diện âm thầm của cây thập giá là lời nhắc nhở thâm thúy về những giới hạn tất nhiên của con người cũng như chính cuộc đời?

Có thể nói, nỗi khát vọng sâu thẳm nhất của con người là tìm kiếm hạnh phúc. Tất cả các triết gia, nghệ sĩ, đến phu làm đường đều có chung một mục đích là làm thỏa mãn hạnh phúc cho mình và cho cộng đoàn mình. Tuy nhiên, để tìm kiếm được niềm hạnh phúc không phải là điều dễ dàng, lắm khi thất bại.

Nhân loại đang hối hả đi vào tương lai nhờ thủ đắc những công cụ kỹ thuật tiên tiến nhất mà các thế kỷ trước đó tạo ra. Những thành tựu khoa học, công nghệ thực sự đã có nhiều bước tiến phi thường, đặc biệt về tin học, đến nỗi nó tác động vào hầu hết mọi lãnh vực trong đời sống xã hội, thậm chí được mệnh danh là “thời đại tin học”. Khoa học thế kỷ XX đã vén mở cho lý trí những hiểu biết về vũ trụ, về nhân sinh, và thậm chí cả tình trạng tương lai của nhân loại. Bên cạnh đó, nó mong muốn đáp ứng cho con người cuộc sống tiện nghi, sung túc, giải đáp được những thắc mắc mà triết học đặt ra và thay thế cho vai trò của tôn giáo trong đời sống con người. Thế nhưng chúng ta đã thực sự hạnh phúc?

Bước sang thế kỷ XXI, tiên vàn người ta nghĩ đến những giới hạn của thân phận làm người qua những tai ương do thiên nhiên mang lại cũng như do chính con người gây nên. Chiến tranh, khủng bố, thiên tai, dịch dệnh, đang làm cho sự sống của con người càng ngày càng trở nên bấp bênh. Trận đông đất và sóng thần ở Nhật Bản, cuộc cách mạng Hoa Lài ở một số nước Á Châu và Phi Châu là những thực tế mới nhất. Mặt khác, sự bấp bênh của nền kinh tế nơi nhiều quốc gia đang tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của nhiều người. Giữa những biến cố thăng trầm như vậy, người ta suy tư về thân phận của mình.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thiên tài về tình yêu, quê hương và thân phận con người đã ra đi, nhưng ca khúc Thân cát bụi vẫn còn vang vọng đâu đây về hình ảnh của một người sau một chặng đường vừa tuyệt vời vừa mệt nhoài của kiếp nhân sinh. Âu cũng là điều kiện nghiệt ngã chung của thân phận làm người ở đời. Thân cát bụi vẫn âm vang những lời ca vừa linh thiêng, vừa u uẩn như một tiếng thở dài thăm thẳm và mãi mãi còn đó những câu hỏi vừa mơ hồ vừa hiện sinh về nguồn gốc, về tương lai cũng như số kiếp con người: Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi?

Suy cho cùng đây cũng là nỗi khắc khoải chung của con người muôn thủa. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, con người thủ đắc được gì? có vị trí và ý nghĩa gì? hay chỉ là cát bụi? Đâu là nơi con người ta được trở về với chính mình trong một cuộc sống đầy khắc khoải, lo âu và mệt mỏi?

Những biến cố lịch sử đầu thiên niên kỷ thứ ba là lời nhắc nhở sâu xa nhất về những giới hạn của kiếp phàm trần. Chúng ta không thể đi tìm ý nghĩa của đời mình dựa trên nền tảng vật chất, cũng không thể đặt hy vọng vào những giá trị trần thế. Trước thực tại ấy, thúc đẩy con người đi tìm những giá trị bền vững nơi tôn giáo.

Dõi theo những biến cố của Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Kitô không chỉ cứu độ con người thoát khỏi tội lỗi và sự chết do tội lỗi gây ra, mà còn tác động đến những thân phận làm người ở đời bằng những hành động rất cụ thể. Ngài là một vị Vua vinh hiển, là Ngôi Hai Thiên Chúa nhưng đã cúi xuống với những mảnh đời bất hạnh và cùng cực nhất của xã hội Do thái thời bấy giờ, để bênh vực, an ủi và chữa lành họ. Giữa lúc con người ta đang phải quằn quại trong đau đớn xác thịt, đang bị xã hội khinh miệt, đang chới với giữa dòng đời bôn ba, thì Đức Giêsu đã đến và nâng họ lên. Lời rao giảng của Chúa không chỉ để khai mở cho lý trí nhận biết về Nước Trời, mà đó còn là những thực tại nhắm đến con người được bắt gặp trong những biến cố đời thường. Ngày nay, chúng ta tìm đến với Chúa không phải là để được giàu sang, hay có một địa vị, nhưng là để được an ủi, nâng đỡ và yêu thương. Đức Kitô đến thế gian không phải là để tiêu diệt hết những khổ đau của nhân loại, nhưng là làm cho đau khổ trở nên có ý nghĩa, và mang niềm hy vọng cho những ai đang khổ đau.

Thật vậy, nơi Đức Kitô con người ta có thể tìm được nguồn hạnh phúc vô biên. Người chính là niềm hy vọng cho những ai đang tuyệt vọng, là chỗ dựa tinh thần cho những giới hạn của phận người, là cứu cánh của những khát vọng sâu thẳm nhất. Đồng thời, nơi đó, chúng ta thực sự được trở về với chính mình trong tương quan yêu thương, thân thiện và vị tha. Thập giá là tất cả những gì Chúa Kitô đang nói với nhân loại.

 

Tác giả bài viết: Tạ Văn Tịnh OP.

Nguồn tin: http://www.daminhvn.net/chia-se/4368-thap-gia-va-phan-nguoi.html

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây