Các Giám mục của Liên minh Châu Âu đã đưa ra một tuyên bố nói rằng quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ biến nhà thờ Byzantine cổ xưa ở Chora thành đền thờ Hồi giáo “làm cho gốc rễ lịch sử của sự hiện diện của Kitô giáo ở nước này càng thêm mất đi”.
Trong tuyên bố, các Giám mục Châu Âu nói rằng “Bất kỳ sáng kiến đối thoại liên tôn nào do chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy đều mất uy tín”.
Nhà thờ Đấng Cứu Thế ở Chora, một nhà thờ Chính thống giáo Byzantine “mang tính biểu tượng cao” ở Istanbul, đã được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan chính thức mở cửa cho việc thờ tự của Hồi giáo vào đầu tháng 5 năm nay (2024).
Bốn năm trước, Nhà thờ Hagia Sophia - Đấng Khôn ngoan - cũng bị chuyển thành đền thờ Hồi giáo. Vương cung thánh đường đầu thế kỷ thứ 4 này đã bị chuyển đổi thành nhà thờ Hồi giáo vào thế kỷ 16, trong thời kỳ Ottoman. Sau đó, vào năm 1945, nhà thờ được sử dụng làm bảo tàng. Các bức tranh khảm và bích họa Kitô giáo Byzantine có niên đại từ nhiều thế kỷ được che phủ lại.
Cha Manuel Barrios Prieto, Tổng thư ký Ủy ban Hội đồng Giám mục của Liên minh Châu Âu, lấy làm tiếc về quyết định mới đây của Thổ Nhĩ Kỳ. Cha nhấn mạnh rằng nó sẽ khiến việc chung sống tôn giáo trở nên khó khăn hơn.
Hồi tháng 7/2020, Ủy ban Hội đồng Giám mục của Liên minh Châu Âu cũng bình luận về việc chuyển đổi nhà thờ Hagia Sophia thành đền thờ Hồi giáo khi mô tả đây là “một đòn giáng vào đối thoại liên tôn giáo”.
Ủy ban cũng lưu ý đến các vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ về những lời nói căm thù và các mối đe dọa chống lại các nhóm thiểu số quốc gia, sắc tộc và tôn giáo.
Hồng Thủy - Vatican News
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn