Đức Hồng Y đến thủ đô Brussels của Bỉ để tham dự Hội nghị lần thứ 8 của các nước tài trợ cho Syria, diễn ra ngày 27/5. Sau hội nghị, Sứ thần Toà Thánh tại Syria nhận xét rằng cuộc họp có hai mặt: một mặt rất tích cực cho thấy tình liên đới quốc tế, như một ngụm nước trong sa mạc; nhưng mặt khác xuất hiện sự thất vọng, vì trong nhiều năm qua, tình hình không thay đổi nhiều, nghèo đói ngày càng tăng, chính trị bế tắc.
Ngài đặt câu hỏi: “Chúng ta phải cần bao nhiêu hội nghị, để thực tế có thể thay đổi tích cực và đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng. Tiến trình chính trị đang trì trệ, trong khi điều đang tiến triển là nghèo đói. Theo số liệu thống kê mới nhất của Liên Hiệp Quốc, có 16,7 triệu người ở Syria cần hỗ trợ nhân đạo, chiếm khoảng 3/4 dân số, tăng 9% so với năm ngoái. Do chiến tranh, 90% dân số buộc phải sống dưới mức nghèo khổ”.
Là người đã chứng kiến cảnh khốn cùng của dân chúng trong nhiều năm, Đức Hồng Y Zenari yêu cầu không nhìn Syria “như một người ăn xin”. Trái lại, cần giúp quốc gia tự đứng lên bằng đôi chân của mình với phẩm giá. Và để làm được điều này, cần nói về tái thiết, phục hồi nền kinh tế, công nghiệp, tái khởi động hoặc tạo ra các nhà máy mới. Theo ngài, phải bắt đầu bằng một giải pháp chính trị, vì chỉ hội nghị thôi thì chưa đủ.
Ngài nhắc lại, tháng Ba vừa qua, Syria đã bước vào năm thứ 14 của chiến tranh, nhưng giới truyền thông và chính cộng đồng quốc tế phớt lờ với 90% dân số dưới mức nghèo khổ, và con đường duy nhất để thoát khỏi hoàn cảnh này, đặc biệt là đối với những người trẻ có trình độ cao là con đường vượt biên và ra nước ngoài.
Một yếu tố khẩn cấp khác liên quan đến người tị nạn. Có bảy triệu người phải di dời trong nước và khoảng năm triệu người ở các nước láng giềng. Theo ước tính mới nhất, mỗi ngày có khoảng 500 người cố gắng rời khỏi Syria bằng mọi cách, nói chung là người trẻ và có trình độ.
Về tình trạng của các Kitô hữu, Đức Hồng Y cho biết, các Kitô hữu có nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và chính trị. Nhưng như mọi thành phần khác trong xã hội, họ cũng phải chịu hậu quả của các cuộc xung đột và nghèo đói. Là một vết thương sâu sắc đối với các Giáo hội, khi chứng kiến hơn một nửa số Kitô hữu rời bỏ đất nước.
Vatican News
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn