Mở đầu sứ điệp, Đức Hồng Y Michael Czerny nhắc lại rằng hàng năm vào ngày 21/11, Ngày Thuỷ sản Thế giới, là dịp để nhìn nhận nguồn cung cấp lương thực to lớn nhưng thường bị đánh giá thấp mà biển cung cấp cho hàng triệu người; và là dịp để nhận ra công việc vất vả của những người đang tham gia vào lãnh vực đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Thực tế, mặc dù có một vai trò quan trọng đối với phúc lợi và sự phát triển của nhiều cộng đồng trên khắp thế giới, nhưng ngành này đang phải đối diện với một số vấn đề đe dọa sự phát triển và cuộc sống có ý nghĩa của các cộng đồng ngư dân và đôi khi cả sự tồn tại của thủy sản.
“Biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và axit hóa đại dương là những thách đố toàn cầu ảnh hưởng đến mọi quốc gia và đại dương”, Đức Hồng Y nhấn mạnh, đồng thời cho rằng cuộc khủng hoảng sinh thái xã hội hiện nay là một thời điểm thuận lợi cho sự hoán cải của mỗi cá nhân và tập thể, và cho các quyết định cụ thể không thể trì hoãn nữa.
Từ điểm này, Đức Hồng Y viết: “Vì thế, sự hỗ trợ và hợp tác quốc tế trên nền tảng công bằng, công lý và bình đẳng là điều cần thiết để giảm tác động của các hiện tượng này đối với xã hội chúng ta, và chăm sóc các đại dương và tài nguyên thiên nhiên như một ‘di sản chung của nhân loại’. Sự hợp tác quốc tế có thể giúp giải quyết các vấn đề địa phương và có thể kiểm soát các vấn đề như vi phạm nhân quyền, điều kiện làm việc kém và không an toàn không phù hợp với phẩm giá con người, ô nhiễm biển và sông, đánh bắt bất hợp pháp”.
Kết thúc sứ điệp, Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện mời gọi các chính phủ, các tổ chức quốc tế, ngành công nghiệp thuỷ sản, các tổ chức tôn giáo, đặc biệt là các tổ chức Công giáo như Hiệp hội Sao Biển (Stella Maris), Caritas cùng chung tay thực hiện hiệu quả các công ước và luật để tìm ra các giải pháp mới cho những vấn đề liên kết mà thế giới thuỷ sản đang phải đối diện trong nỗ lực bảo vệ ngôi nhà chung.
Tác giả bài viết: Ngọc Yến
Nguồn tin: Vaticannews
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn