Giáo xứ Vinh Hương

Noël: Từ việc thờ cúng ngoại giáo đến nghi lễ Kitô giáo

Chủ nhật - 23/12/2018 11:37

Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng trước khi trở thành một ngày lễ Kitô giáo, Noël là một nghi lễ tôn thờ Ánh Sáng của người ngoại giáo, cử hành vào đêm dài nhất trong năm là ngày đông chí, 25 tháng 12 tại Roma, và 06 tháng 1 ở Ai Cập.

Đúng vậy, trước khi Giáo Hội ấn định ngày sinh của Chúa Giêsu, một lễ hội Mặt Trời đã được thiết lập khi nó dần dần lấy lại sức mạnh và ban ngày sẽ bắt đầu dài hơn. Lễ hội này được cử hành đúng vào ngày đông chí, và dành riêng vinh dự cho thần Mithra bằng việc tôn sùng "Sinh Nhật của Mặt Trời Bất Khả Chiến Bại". Tại Roma, trong tầng hầm Đại giáo đường thánh Clementê, vẫn còn một phần của đền Mithra.

Để hiểu lý do tại sao Lễ Giáng Sinh được ấn định vào ngày 25 Tháng 12, chúng ta cần biết rằng:

- Không có bất kỳ tài liệu nào cho biết chính xác ngày sinh của Chúa Giêsu, chúng ta cũng chẳng biết Ngài có thực sự được sinh ra trong một đêm đông hay không. Không có văn bản Kinh Thánh nào xác định ngày sinh của Chúa Giêsu.

- Ngay cả năm thứ nhất Dương Lịch cũng không chính xác do lỗi của một tu sĩ vào thế kỷ thứ VI, ấn định năm đầu tiên của kỷ nguyên Kitô giáo là năm 754 theo niên lịch Rôma, trong khi Herode Đại đế, như chúng ta biết, đã chết năm 750... Tin Mừng Matthêu cho biết sự ra đời của Chúa Giêsu xảy ra dưới thời Herode Đại đế, mà Herode đã chết năm 4 trước Công nguyên.

- Trong trình thuật của Thánh Luca công bố trong đêm Giáng sinh (2,1), tổng trấn Syria và Palestine từ năm 40 trước Công nguyên là Quirinus, cũng đã qua đời năm 4 trước Công nguyên.

Những khẳng định này không hề làm lu mờ sự ra đời của Chúa Giêsu nhưng cung cấp thông tin về sự kiện vừa mang tính lịch sử và vừa là một huyền nhiệm của Con Thiên Chúa giáng sinh làm người.

Những gì chúng ta biết qua lịch sử là các Kitô hữu tiên khởi cử hành Lễ Phục Sinh trước khi có Lễ Giáng Sinh. Trong thực tế, sự phục sinh của Chúa Kitô là sự kiện trung tâm, là cần thiết, là nền tảng của đức tin Kitô giáo trong ý nghĩa mà Thánh Phaolô giải thích: "Nếu Đức Kitô không sống lại, thì niềm tin của tôi thành ra vô ích". Đối với các cộng đoàn mới, chỉ có một lễ duy nhất là lễ Phục Sinh được cử hành vào mỗi chủ nhật ngay từ những thời kỳ đầu; và đến đầu hoặc giữa thế kỷ thứ II, được cử hành cách đặc biệt hơn vào một ngày chủ nhật mùa xuân.

Sau đó, từ thế kỷ thứ IV, các tín hữu bắt đầu tổ chức lễ kỷ niệm Chúa Giêsu ra đời. Tại Roma, vào năm 354, hai thánh lễ được sắp xếp gần nhau là lễ Giáng Sinh (ngày 25 tháng 12) và lễ Hiển Linh (ngày 6 tháng 1). Sự lựa chọn ngày 25 tháng 12 để mừng biến cố Giáng Sinh của Chúa Giêsu đã cho phép "Kitô hóa" việc thờ cúng "Thần Mặt Trời Bất Khả Chiến Bại" của dân ngoại bằng cách kỷ niệm Đấng Thiên Sai đã được tiên tri Malakhi loan báo là "Mặt Trời Công Chính" (4,2), hoặc vì Chúa Kitô là "Ánh sáng thế gian" theo Thánh Gioan (8,12).

Không phải thần Mithra mà chính Chúa Kitô mới đích thực là "Mặt trời công chính", như tuyên bố của Zac-haria trong bài ca của mình, ông ca tụng Đấng Thiên Sai là "mặt trời từ chốn cao vời viếng thăm chúng ta" (Lc 1,78).

Từ giữa thế kỷ thứ VII, lễ Giáng Sinh được ấn định vào ngày 25 tháng 12 trong Giáo Hội Latinh dẫn đến việc đặt lễ Truyền Tin chín tháng trước Giáng sinh, ngày 25 tháng 3.

Tác giả bài viết: liturgiecatholique.fr, linh mục Norbert Hennique, "Noël, le 25 décembre: le passage d’un culte païen à la célébration chrétienne" - Huuchanh dịch

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây