Giáo xứ Vinh Hương

Nữ tu Việt Nam ngăn chặn nạn tảo hôn

Thứ ba - 26/02/2013 19:24
Tảo hôn làm trầm trọng thêm nghèo đói, thất học nơi người dân tộc
Phụ nữ dân tộc thiểu số xem video về giáo dục giới tính
Phụ nữ dân tộc thiểu số xem video về giáo dục giới tính
Sáu năm trước, em Phêrô Hồ Sơn, 16 tuổi, bỏ nhà ra đi sau khi bị cha mẹ bắt bỏ học để cưới cô gái 14 tuổi.

Theo truyền thống, cha mẹ em lấy nhau khi họ lên 15 và 14 tuổi và bốn anh chị em của em cũng lập gia đình khi họ cùng tuổi đó.
“Em từ chối lấy vợ vì em muốn học để sau này làm giáo viên” – Sơn kể. Quê em ở huyện Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị.

Nhờ sự giúp đỡ vật chất và tinh thần từ các nữ tu Mến Thánh giá Huế, nay Sơn đã là sinh viên năm ba đại học sư phạm ở Huế.
Nhưng trường hợp của Sơn là hiếm hoi đối với những thanh thiếu niên trong huyện.

Nữ tu Anna Trần Thị Hiện, người làm việc với các nhóm dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi và Vân Kiều từ năm 2002, nhận xét rằng người thiểu số dựng vợ gả chồng cho con rất sớm và đây chính là nguyên nhân gây ra vòng luẩn quẩn thất học, suy dinh dưỡng và nghèo đói.

Sơ Hiện và các nữ tu đang cố gắng phá vỡ vòng kim cô này.

Gần 60 em đang sống trong một nhà nội trú gần tu viện của các nữ tu ở thành phố Đồng Hới, cách huyện của Sơn 65km.

Các nữ tu dạy chữ, luân lý, giáo lý, vi tính, nhạc, thêu, may, vẽ tranh, mộc mỹ nghệ cho các em. Hàng tháng các chị còn chở các em về thăm nhà và cho tiền, áo quần, gạo, dầu ăn, muối, bột ngọt, đường để các em về làm quà tặng bố mẹ. Một số em còn được đi học ở trường công nữa.

Chị Hiện nói phụ huynh rất hài lòng khi nhìn các em ăn mặc sạch sẽ tươm tất, khỏe mạnh và biết chữ.

Các chị còn dùng video clips dạy cho các em cách tránh phá thai, nghiện rượu, bạo lực gia đình, những vấn đề do nạn tảo hôn và quan hệ tình dục trước hôn nhân gây ra.

“Nhiều phụ huynh sẵn sàng gởi con cho chúng tôi và không còn bắt con mình lấy chồng cưới vợ sớm nữa” - chị Hiện nhận xét.
Người dân tộc nói chung là lập gia đình khi lên 14-16 tuổi. Các em gái lên 16 tuổi mà chưa lấy chồng thường cho là bị ế. Người thiểu số ngại nói với nhau về quan hệ tình dục nên giới trẻ không được giáo dục giới tính.

Sơn đã theo đạo Công giáo năm 2011 cho biết em cùng bạn gái đang học giáo lý hôn nhân và dự định cưới nhau sau khi họ ra trường.

Đến nay đã có 70 cặp theo học các chương trình của các sơ đã chờ cho đến đúng tuổi mới lấy nhau. Tuổi lấy vợ lấy chồng theo luật là 18 cho nữ, và 20 cho nam.

Những ai tảo hôn bị phạt 100.000-200.000 đồng và bảy ngày lao động công ích. Nhưng trong thực tế, những quy định này hiếm khi được thực hiện, chị Hiện nhận xét.

Anh Hồ Văn Phi lấy vợ khi mới 16 tuổi sau khi bạn gái anh 15 tuổi có thai.

Anh Phi, nay 18 tuổi nhưng trông già hơn nhiều, đã có hai con. Anh cho biết anh chị không được hưởng một chế độ phúc lợi xã hội nào vì họ không có giấy chứng nhận kết hôn và con cái cũng không có giấy khai sinh. Anh nói chính quyền phạt anh chị 200.000 đồng vì tảo hôn.

Chị Hiện cho biết tục tảo hôn gây hậu quả nặng nề cho người dân tộc, những người muốn có thêm người canh tác trên nương rẫy và con cháu là sự thịnh vượng của gia đình.

Năm ngoái, huyện A Lưới có tới 250 cặp tảo hôn trong độ tuổi từ 14-16. Huyện này có chừng 41.000 người, phần lớn là người dân tộc.

Bà A Lang Vít, 46 tuổi, có con trai lấy vợ lúc 16 tuổi, cho biết chính quyền không phạt được tiền các cặp tảo hôn.

“Người dân nói họ không có tiền để đóng phạt, trong khi những người khác đổ lỗi cho con cái nói rằng chúng nó dọa bỏ nhà đi hoặc tự tử nếu không lấy vợ cho nó” – bà nói thêm.

Có khoảng 1.200 người Công giáo thuộc các nhóm thiểu số trong huyện Hướng Hóa, nhưng chính quyền vẫn giới hạn các hoạt động tôn giáo vì lý do an ninh trong các huyện giáp biên giới Lào này và là nơi sinh sống của chừng hơn 100.000 người dân tộc.
 

Tác giả bài viết: Phóng viên ucanews.com từ Huế

Nguồn tin: www.ucanews.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây