Giáo xứ Vinh Hương

Ý nghĩa việc xức tro

Thứ ba - 04/03/2014 19:58

Sự yếu đuối của con người được biểu hiện bằng tro. Tro là vật không giá trị, mang tính hèn kém, trong Kinh Thánh Cựu Ước, Isaia dùng để chỉ kẻ thờ ngẫu tượng là kẻ “ham chuộng tro bụi” (Is 44,40), Sách Khôn Ngoan thì ví “tim hắn là tro, đời hắn khổ hơn tro bụi” (Kn 15,10).

Phần thưởng của sự hèn kém là bụi tro, người kiêu căng ngạo mạn sẽ thấy mình “tiêu huỷ ra tro”. Tro ở đây đồng nghĩa với tàn lụi. Tro bụi cũng biểu hiện con người yếu đuối dưới quyền lực của sự dữ, sự kiện của ông Gióp ngồi giữa tro bụi nhắc nhở một vấn đề, con người chịu quyền lực sự dữ gạn lọc, cái gạn lọc không có gì để bám víu, ngoài sức mạnh của Thiên Chúa, để ý thức rằng sự lành và sự dữ đến với mình đều được Thiên Chúa giữ gìn.

Con đường ý thức ấy dẫn đến việc ông Gióp thấy rằng ngay giữa tro tàn của thân phận, sự sống của ông vẫn không hề bị đánh mất. Đó là lối mở giải thoát, nhưng lối giải thoát đầy cam go, con người khốn khổ ấy đến lúc không thể ngồi lặng im chịu đựng nổi, ông Gióp buông những lời nguyền rủa ngày mình chào đời, những ngày thơ ấu được bồng ẵm, sao không để ông chết ngay những ngày chưa biết gì ấy. Lời nguyền rủa cũng giống như đợt thiêu đốt cuối cùng để biến đống củi thành tro tàn. Ý chí cũng cần gục ngã như tro tàn để chịu khuất phục trước ý chí kiên cường của Thiên Chúa. Sự khuất phục không ở đâu xa, mà chính những người bạn của ông đến thăm cũng rắc tro trên đầu ngồi với ông suốt 7 ngày đêm để chia sẻ thân phận con người đau khổ và nói với ông những lời thức tỉnh sau những lời nguyền rủa của ông.

Chúng ta chỉ có thể học được bài học về thân phận yếu đuối này từ vực sâu của nó, nơi không còn gì để bám víu, nơi gục ngã hoàn toàn từ ý chí đến tinh thần, chỉ để biết rằng thân này là bởi bụi tro.

Bụi tro biểu lộ tâm hồn thành tâm ăn năn thống hối sau khi đã phạm tội. Tro bụi gắn liền với tội lỗi đã phạm, người Do Thái có thói quen rắc tro lên đầu để biểu hiện con người tội lỗi cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Tội lỗi ngập tràn như tro lấm lem dính đầy trên con người. Con người đôi khi trộn lẫn tro bụi vào thực phẩm mình dùng để xin lòng thương xót hoặc dường như để đánh các tội mình đã phạm (x. Tv 102,10). Sau này hình thức đánh tội này các thầy dòng khổ tu cũng dùng để đền tội cho mình và cho nhân loại đang lạc xa dần lòng yêu thương của Chúa.

Phụng vụ Giáo Hội vào Thứ Tư Lễ Tro cũng nhắc nhở con người ý thức thân phận mình là tro bụi và khi rắc tro trên đầu cũng được mời gọi “hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”. Đó là hai ý nghĩa của việc rắc tro trên đầu vẫn thường quen làm.

 

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây