Sau lễ Suy Tôn Thánh Giá, Giáo hội mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi – Mẹ Maria cùng chia sẻ cuộc thương khó của Chúa Giêsu.
Phúc Âm kể về bảy sự thương khó của Đức Mẹ:
1- Lời tiên báo của ông Simêon (Lc 2, 34-35)
2- Cuộc chạy trốn sang Aicập (Mt 2, 13-21)
3- Lạc mất Chúa ba ngày (Lc 41,50)
4- Vác thập giá lên đỉnh Canvê (Ga 19,17)
5- Chúa bị đóng đinh và tử nạn trên thập giá (Ga 19,18-30)
6- Tháo xác Chúa (Ga 19,39-40)
7- Táng xác Chúa (Ga 19,40-42)
Bảng liệt kê những nỗi đau của Đức Maria trên đây có từ thế kỷ XIV đã ăn sâu vào mọi hình thức văn chương đạo đức: các bài giảng, kinh nguyện, thi ca. “Stabat Mater” (Mẹ đứng) là một bài ca thương diễn tả một cách tài tình và cảm động những nỗi thống khổ của Đức Trinh Nữ Maria dưới chân Thập giá. Tác phẩm “Pietà” là một hình ảnh rất hấp dẫn trí tưởng tượng quần chúng, diễn tả hình ảnh Đức Mẹ ẵm thân xác đẫm máu của Chúa Giêsu trên đầu gối.
Đức Maria thông phần đau khổ với Chúa Cứu Thế là một khía cạnh quan trọng của lòng tôn sùng Đức Mẹ. Điều này dựa trên cơ sở:
1. Mẹ hiệp công cứu chuộc loài người
Trong suốt cuộc sống của Chúa Giêsu trên trần gian, từ tuổi thơ ấu đến ngày trưởng thành, từ khi âm thầm đến lúc công khai, bao giờ Mẹ cũng hiện diện bên Chúa. Cách riêng trong công cuộc khổ nạn, Mẹ chẳng những đã hiện diện, mà còn đồng hành theo Chúa cho đến cùng. Các môn đệ tiếng là những kẻ theo Chúa gần gũi trong ba năm đời rao giảng, thế mà trên đường thánh giá chẳng thấy bóng ông nào; còn Mẹ dẫu chẳng xuất đầu lộ diện để cho Chúa khỏi bận vướng, lại theo bước Chúa cận kề trên đường khổ nạn và đứng ngay bên thánh giá lúc Chúa chịu tử hình, nước mắt nuốt vào trong.
Lời tiên tri Simêon nay ứng nghiệm: “Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà…” (Lc 2,35). Mẹ đã nhận lấy lưỡi gươm đâm thâu trái tim mình theo thánh ý Thiên Chúa. Mẹ đứng đó lặng thầm không nói một câu chẳng buông một tiếng dẫu là tiếng thở dài, dáng đứng kiên cường vừa đón nhận qua tiếng “xin vâng” muôn thuở, vừa hiệp thông trong sự đau khổ của con mình. Mẹ đứng đó dưới chân thập giá chứng kiến cái chết nhục hình của người con yêu quý. Mẹ chia sẻ mọi nổi oan khiến nhục nhã của người con chí thánh. Dung mạo của Mẹ dưới chân thập giá tuyệt đẹp. Tước hiệu Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo là vậy đó.
Nếu Chúa Giêsu chịu chết để chuộc tội cho thiên hạ và ban ơn cứu rỗi cho hết mọi người, thì Đức Mẹ bởi đã hiệp thông với Chúa Giêsu trọn vẹn, không chỉ về thời lượng từ đầu đến cuối mà đúng hơn, còn về chất lượng gắn bó keo sơn mẹ con một dạ một lòng. Ngày xưa người ta quen nhìn Mẹ là đấng đồng công cứu chuộc (bài hát “trên đồi Golgota”), ngày nay đặt trọng tâm nơi Chúa Giêsu, và vì Mẹ cũng cần đến ơn cứu độ của Con mình, nên thật thích đáng để xưng tụng Mẹ là đấng hiệp công cứu chuộc.
Nếu “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con một mình”, thì Mẹ cũng hiệp thông trong tình yêu đại lượng ấy mà vâng theo thánh ý. Mẹ hiệp công cứu chuộc bằng chính trái tim của Mẹ, nên Mẹ cũng nhạy cảm hơn bất cứ ai trong gia đình nhân loại về tình lân mẫn đối với con cái loài người.
2. Mẹ Maria là Mẹ của nhân loại
Nhưng dưới chân thánh giá hôm ấy, Mẹ còn nhận lấy một lời đặc biệt của Chúa Giêsu khi giới thiệu thánh Gioan cho Mẹ “Thưa Bà, này là con Bà”. Xét về bối cảnh giờ tử nạn thì đây chẳng khác nào lời người ra đi dành cho người ở lại, mang mầu trăn trối linh thiêng, Chúa Giêsu muốn Đức Mẹ nhận Gioan làm con để đối xử với Gioan như đối xử với mình. Gioan từ đó là hiện thân sống động của Chúa Giêsu trong đời Đức Mẹ. Xét về hình thức của câu nói, nhất là kèm theo vế thứ hai Chúa Giêsu giới thiệu Đức Mẹ cho thánh Gioan “Này là Mẹ con”, người ta thấy trải ra như hai vế của bản hợp đồng ký kết song phương, được đóng ấn bởi công cuộc cứu chuộc dưới sự chứng giám của Đấng chịu đóng đinh. Nếu công cuộc cứu độ thực hiện một lần thay cho tất cả và có giá trị vĩnh cửu thì bản hợp đồng “mẹ-con” cũng sẽ tồn tại mãi mãi. Nhưng xét về nội dung, lời trăn trối ấy chính là việc thiết lập một tình mẫu tử giữa Đức Mẹ và Gioan làm tiền đề và nền móng cho tình mẫu tử thiêng liêng giữa Đức Mẹ và toàn thể nhân loại. Truyền thống vẫn coi Gioan như đại diện cho nhân loại mới đã được sinh ra trong ơn cứu rỗi, và Đức Mẹ từ lời trăn trối của Chúa Giêsu cũng là Evà mới hạ sinh mọi người trong tình mẫu tử thiêng liêng nhiệm mầu ấy.
Cuộc chiến trên thập giá giữa Thiên Chúa và con người. Hình như con người đã thắng khi đóng đinh Đấng Cứu Thế. Thế nhưng, Thiên Chúa lại chọn thập giá để biểu lộ tình yêu chiến thắng. Con đường của Thiên Chúa là con đuờng tình yêu. Tình yêu chiến thắng sự chết. Mẹ đã thông phần cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Mẹ dâng hiến con mình trong hy lễ cứu độ với niềm tin phục sinh. Vì thế, Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng.
Đức Maria là Mẹ của nhân loại, là Mẹ của từng người chúng ta. Chúa Giêsu đã trối Mẹ Maria lại cho Gioan, bấy giờ đại diện cho các thánh tông đồ, cho Giáo Hội và cho cả loài người. Chúng ta hãy đón Mẹ về ở với chúng ta, yêu thương và gắn bó với Mẹ. Môi miệng, trái tim chúng ta đừng bao giờ rời xa rời Mẹ; bản thân chúng ta hãy noi gương nhân đức của Mẹ. Hãy chạy đến cùng Mẹ lúc gặp gian nan khốn khó, tuyệt đối tin tưởng và trông cậy vào Mẹ.
Nếu tình mẫu tử nhân gian dù bất toàn, vẫn được con người khắp nơi ca ngợi “bao la như biển Thái Bình…”, thì tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Mẹ đối với con cái loài người lại còn bao la lớn rộng muôn trùng, mênh mông chan chứa bao dung ngàn đời. Đó là tình yêu thương chan hòa được mở ra cho hết mọi người.
3. Đức Mẹ ban ơn cho mỗi người
Đón nhận nhân loại vào trong gia đình thiêng liêng, Đức Mẹ đã vận dụng tất cả khả năng của mình để tôn vinh Thiên Chúa qua việc giúp đỡ con cái nhân loại. “Đầy ơn phước”, được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ cận kề Thiên Chúa hơn bất cứ ai, nên cũng đầy quyền thế hơn bất cứ ai, để có thể can thiệp chuyển cầu ơn phúc một cách hiệu quả. Tất cả những ơn lành trần thế nhận được qua việc khấn với Đức Mẹ đều phát xuất từ một địa chỉ chung là quyền thế của Đức Mẹ bên cạnh Thiên Chúa. Nhưng quyền thế ấy được vận dụng như thế nào là do nhịp rung trái tim của Mẹ, một trái tim có nguồn gốc nhân loại, nên không những có trọn niềm trắc ẩn rung động cảm thông trìu mến của tình mẫu tử nhân loại, mà còn vượt trội vì đã đến mức thập toàn ở trên đỉnh cao thánh đức.
Gần bên Chúa, Mẹ thật uy quyền; nhưng Mẹ lại dịu hiền khi gần nhân loại. Chính vì vậy, yêu mến cậy trông cũng là thái độ thích hợp khi đến bên Mẹ. Những ai khắc khoải sám hối thao thức đổi mới canh tân có thể xin Mẹ dìu dắt, chắc chắn Mẹ sẽ dẫn đến tòa giải tội để nhận lấy ơn tha thứ. Những ai đau buồn sầu khổ vì đau yếu bệnh hoặc vì gánh nặng vai mang, mong ước đời sống bình an có thể kêu khấn xin Mẹ đỡ nâng, chắc chắn Mẹ sẽ sớm hỗ trợ để ban cho cuộc sống an bình.
Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống suy niệm dáng đứng của Mẹ Maria dưới chân thập giá và đúc kết qua những vần thơ tâm tình.
Ngày xưa Mẹ đứng kiên cường,
Dưới chân thánh giá hiệp công cứu đời.
Ngày nay ngự chốn cao vời,
Mẹ thương xót hết mọi người dương gian.
Ban ơn thánh, phúc bình an,
Dạy thêm trông cậy, ươm tràn tin yêu.
Mẹ thuộc về Thiên Chúa trọn vẹn nên trái tim Mẹ thanh khiết không cùng. Mẹ là tác phẩm đẹp nhất của Chúa Thánh Thần, là một Ngôi Vị Thiên Chúa nghệ sĩ tài ba. Nhưng Mẹ sinh ra Chúa Giêsu, là Ngôi Hai Thiên Chúa, Con duy nhất và đồng bản thể với Thiên Chúa, nên Mẹ vĩnh viễn là Mẹ Thiên Chúa. Chúa Giêsu, Con của Mẹ, vừa là Đấng Tạo Hoá, vừa là Thiên Chúa Cứu Độ.
Có Mẹ nâng đỡ, ta sẽ không sa ngã; có Mẹ chở che, ta sẽ không sợ gì; có Mẹ hướng dẫn, ta sẽ không mệt mỏi lạc đường; có Mẹ phù trợ, ta sẽ đạt tới mục đích cuối cùng của cuộc đời là chính Thiên Chúa.
Vì Mẹ đã hiệp công trong ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu, vì Mẹ đã nhận mọi người làm con cái, và vì lòng Mẹ rất bao dung, nên dưới chân Thánh Giá, Mẹ đích thực là Mẹ của lòng xót thương. Vấn đề được đặt ra cho ta không phải là băn khoăn xét xem Mẹ có yêu ta hay không, mà là tự hỏi xem mình đã yêu Mẹ thế nào. Nếu kết thúc bài Phúc Âm cho biết “Từ giờ ấy môn đệ đem Mẹ về nhà mình”, thì cũng thế, từ hôm nay, ta hãy đem Mẹ về nhà bằng lòng tôn sùng yêu mến, bằng việc siêng năng lần hạt và bằng việc sống đẹp dưới ánh nhìn của Mẹ. Làm như thế, chắc chắn ta sẽ được Mẹ ấp ủ trong lòng xót thương đời này và đời sau.
Cầu chúc cho mọi người được thêm lòng yêu mến Đức Mẹ.
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Nguồn tin: www.daminhtamhiep.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn