Giáo xứ Vinh Hương

Sùng đạo và cả tin thường đi chung với nhau

Thứ sáu - 22/11/2013 09:50
Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường.

Một người Công giáo Nhật giải thích Giáo hội tại Nhật và đức tin của ông đã thay đổi như thế nào từ khi ông được rửa tội ngay sau Thế Chiến thứ hai. Trở lại thời đó, ông nói, đạo Công giáo thường chú tâm vào Đức Mẹ hơn là Chúa Giêsu. Lộ Đức và Fatima sống động hơn là Galilee và Jerusalem. Những việc làm đạo đức hướng về Đức Mẹ. Thời gian thờ phượng, theo định nghĩa là hoạt động chung quy hướng về Chúa Cha, thường được dành cầu nguyện riêng, và thường là lần hạt Mân côi.
 
Sau đó, sau khi Công đồng Vatican II nhấn mạnh cần trở lại những truyền thống đức tin cổ xưa nhất, người Công giáo ở Nhật mới bắt đầu làm quen với Kinh Thánh. Nhiều người ngạc nhiên khi thấy Kinh Thánh ít ủng hộ các quan điểm và việc làm vốn từng là trụ cột của đời sống Công giáo của họ.
 
Và như thế theo như người bạn của tôi nói Giáo hội của Đức Mẹ trở thành Giáo hội của Đức Kitô.
 
Quan điểm chính thức về những sự kiện hiện ra và thông điệp của Đức Mẹ và những vị khác là một thái độ hoài nghi rất ít được thấy nơi một số cá nhân giáo dân, linh mục và giám mục. Cần đánh giá những lời khẳng định hiện ra, trách nhiệm dẫn chứng nằm nơi những người và sự kiện khẳng định bổ sung hay thậm chí thay thế những điều đã từng được tin và dạy trong mọi lúc mọi nơi. Đó là một phản ứng lành mạnh. Sùng đạo và cả tin rất thường đi chung với nhau.
 
Một thí dụ rõ ràng về sự cả tin qua lời tường thuật của một người nhìn thấy ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh trên một cửa sổ đầy mỡ hay trong bụi rau. Nhưng bất kỳ người nào nhìn những đám mây mịn trên bầu trời xanh đều biết thật dễ dàng nhìn thấy những khuôn mặt và hình dáng vốn chỉ là ảo giác. Và rồi “những người nhìn xa trông rộng” này làm sao biết những gì họ nhìn thấy thật sự là hình ảnh Đức Mẹ? Không phải là chúng ta có những bức ảnh thời xưa của Đức Mẹ hay bằng lái xe đã hết hạn của Ngài. Có thể là người hàng xóm của Ngài.
 
Gần đây, Vatican nhắc các giám mục Mỹ rằng các thông điệp phổ biến của Đức Mẹ tại Medjugorje chưa được Giáo hội chấp thuận và do đó không được phép chính thức tổ chức hành hương và các hoạt động khác. Khoảng một tuần sau, Đức Thánh cha Phanxicô phê phán sự mê hoặc bằng những thị kiến và thông điệp của Đức Mẹ là mối nguy hiểm có thể lôi kéo người ta “xa lánh Phúc âm, Thánh Linh, hòa bình và hy vọng, vinh quang và vẻ đẹp của Chúa”. Ngài tiếp tục đề cập đến Medjugorje, nơi người ta khẳng định Đức Mẹ truyền thông điệp hàng ngày. Đức Thánh cha nói Đức Mẹ “không phải là giám đốc bưu điện, chuyển phát thư mỗi ngày”.
 
Một thái độ hoài nghi về “những lần hiện ra” đó xuất phát từ một linh mục đến từ vùng Medjugorje. Trong một cuộc phỏng vấn, ngài chỉ ra nếu Đức Mẹ thật sự viếng thăm Yugoslavia, Ngài lại không cho biết trong một thời gian ngắn nước này sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn diệt chủng. Có thể ít ra Ngài đã cho một thông điệp răn dạy giết con cái của người hàng xóm là không đúng, như những Kitô hữu dính líu đến “cuộc thanh lọc chủng tộc” đã làm.
 
Akita ở Nhật thu hút khách hành hương, đặc biệt là từ Hàn Quốc đến viếng một bức tượng được cho là biết khóc. Liên quan đến bức tượng là “những lời mạc khải” khẳng định Đức Mẹ và Chúa Giêsu liên kết kìm nén cơn giận của Đức Chúa Cha, nếu không Ngài sẽ hủy diệt những kẻ tội lỗi. Không có thuật ngữ thần học chỉ việc này, nhưng Freud đã đặt tên cho nó. Đó là phức cảm Oedipus, trong đó con trai và mẹ liên kết chống đối cha.
 
Đó có thể là hệ tâm lý chính thống, nhưng về thần học nó là lạc giáo, phủ nhận hiệp ý yêu thương nơi Chúa Ba Ngôi và thể hiện Chúa Cha vốn rất yêu thương thế gian đã sai Chúa Con làm đấng cứu chuộc chúng ta lại trở thành một quái vật đầy hận thù. Điều đó không thuộc về Kitô giáo, và tôi thất vọng khi thấy các giám mục Nhật vẫn im lặng về việc đó, dường như hy vọng chuyện đó sẽ trôi qua mà không cần các ngài phải công bố đức tin nơi Chúa Ba Ngôi của chúng ta.
 
Tôi cho rằng Đức Mẹ biết rõ con Ngài đã làm và nói gì, thế nhưng những người khẳng định là sứ giả của Ngài lại ít hay không biết gì về thừa tác vụ và giáo huấn của Chúa Giêsu hay Giáo hội của Ngài.
 
Tại sao người ta lại đưa ra sự mê hoặc với những lời mạc khải cá nhân, khi so sánh với Lời Chúa, cũ rích nếu không nói là thật sự nguy hiểm như thế?
 
Tất nhiên, lý do chính là do nhiều người Công giáo không hiểu biết gì về Kinh Thánh, và như Thánh Hiêrônimô nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”. Thậm chí một nửa thế kỷ sau khi Công đồng Vatican II “nghiêm túc và đặc biệt” thúc giục “tất cả các Kitô hữu … học hỏi ‘kiến thức siêu phàm của Đức Giêsu Kitô’ (Ph 3,8) bằng cách thường xuyên đọc Kinh Thánh”, rất nhiều người Công giáo trông chờ vào những thị kiến và “mạc khải” riêng để hiểu biết Chúa.
 
Lời cảnh báo của Timôthê 4, 3-4 sau đây còn thích hợp với nhiều giáo sĩ không có lời biện hộ cho sự thiếu hiểu biết như thế: “Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường”.
 
Có phải đã đến lúc có thêm người Công giáo bắt chước nhiều anh chị em chúng ta ở Nhật và cam kết sử dụng Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo hội để đánh giá những lời người ta khẳng định? Hãy để Đức Mẹ và các thánh làm gương sống Phúc âm cho chúng ta trong thời đại và nơi ở của chúng ta và sau này. Chúng ta đã đủ ngạc nhiên về  sự kiện nhập thể và cứu chuộc rồi.
 
Linh mục William Grimm, chịu trách nhiệm xuất bản của ucanews.com, sống ở Tokyo

Nguồn tin: vietnam.ucanews.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây