Giáo xứ Vinh Hương

Kitô giáo đến Mông Cổ như thế nào?

Thứ sáu - 01/09/2023 22:00
Đức Phanxicô đến Mông Cổ trong chuyến tông du bốn ngày, từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9. Đây là chuyến đi lịch sử của một đất nước lần đầu tiên đón tiếp một giáo hoàng. © Anand Tumurtogoo / ảnh dpa
Đức Phanxicô đến Mông Cổ trong chuyến tông du bốn ngày, từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9. Đây là chuyến đi lịch sử của một đất nước lần đầu tiên đón tiếp một giáo hoàng. © Anand Tumurtogoo / ảnh dpa

Ở Mông Cổ, kitô giáo đã có 1700 năm hiện diện và hiện nay có 1400 giáo dân. Từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9, Đức Phanxicô đi chuyến tông du lịch sử lần thứ 43 của ngài. Một chuyến đi mang tính lịch sử và là một biểu tượng mạnh mẽ tới đất nước rộng lớn nơi có các cộng đồng kitô giáo rất thiểu số.
 

Kitô giáo đến Mông Cổ như thế nào?

Lịch sử bắt đầu tại một vùng bị lãng quên, Osroène, nằm giữa miền đông Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria ngày nay. Chính tại đó, việc truyền bá Tin Mừng Chúa Kitô được bắt đầu, vương quốc Aramaic là vương quốc đón nhận Tin Mừng đầu tiên. Phải nói, sự gần gũi với thành phố lớn Antioch, nơi có các tín hữu kitô đầu tiên hoạt động rất tích cực, chắc chắn đã giúp ích rất nhiều. Đến mức vương quốc này tự hào là vương quốc đầu tiên trong lịch sử “trở thành” kitô giáo vào khoảng thế kỷ thứ 3.

Như thế trên lãnh thổ này, tiếng Aramaic được dùng và phạm vi văn hóa của nó là của kitô giáo Syriac. Một giáo phái rất năng động về mặt trí tuệ nhưng cũng rất tận tâm trong việc truyền bá thông điệp nhận được.

Với thời gian, khi thương mại tiến triển, những người theo kitô giáo Syriac này ngày càng mạo hiểm tiến xa hơn về phía đông, đầu tiên là dưới thời Đế chế Parthia, sau đó dọc theo Con đường tơ lụa đến Trung Quốc và Ấn Độ. Rời khỏi Địa Trung Hải, họ đến Thái Bình Dương xa xôi bằng đường bộ. Đây là cách mà Tin Mừng đã đến lần đầu tiên tại Đế quốc Mông Cổ rộng lớn, tổ tiên xa xôi của Cộng hòa Mông Cổ mà Đức Phanxicô đến thăm trong những ngày này.

Nhưng vì sao lịch sử này ít được biết đến?

Trước tiên, lý do chủ yếu thuộc nội bộ kitô giáo. Đức tin lan rộng trong những thế kỷ đầu tiên này ở phương Đông là nhờ các tín hữu kitô người Syriac, họ có truyền thống thần học khác với các giáo phái kitô giáo lớn ở lưu vực Địa Trung Hải. Đó là hình ảnh của một cựu tộc trưởng của Constantinople, Nestôriô (381-451), và từ đó là nguồn gốc.

Khi đức tin kitô giáo ngày càng trở nên hữu hình và chính thức hơn, các tín hữu cố gắng làm sáng tỏ những khẳng định của mình, đặc biệt liên quan đến hình ảnh Chúa Kitô. Nếu đúng Ngài là Chúa thật và là người thật, thì làm sao hai căn tính này lại cùng tồn tại? Sau đó các cuộc tranh luận gay gắt xảy ra xen lẫn với những hiểu lầm, những vấn đề địa chính trị. Nestôriô cuối cùng bị cách chức, bị lưu đày ở xa vì lập trường của ông về vấn đề này. Vì thế nhánh Nestôriô của các Giáo hội kitô giáo ra đời và ngày càng xa phạm vi ảnh hưởng của la-mã.

Một lịch sử đau đớn, sau hơn mười lăm thế kỷ hiểu lầm nhau, đã tìm thấy  khởi đầu của sự hòa giải khi, sau những trao đổi thần học căng thẳng, cuối cùng họ chấp nhận lẫn nhau vào cuối những năm 1980 giữa Giáo hội công giáo Gioan-Phaolô II và Giáo hội tông đồ người Assyria của thượng phụ Dinkha IV.

Tại sao các cộng đồng kitô giáo địa phương lại quá nhỏ bé?

Là những nhà truyền giáo hăng hái, những người theo kitô giáo Nestôriô đã nhanh chóng truyền bá đức tin kitô giáo. Ở Trung Quốc, vào năm 520 sự hiện diện của họ đã được chứng thực. Vào thế kỷ thứ 8, Sergianos, một hoàng tử Duy Ngô Nhĩ, và Sartaq, một hoàng tử Mông Cổ là những người theo kitô giáo. Kitô giáo tiếp tục tiếp xúc với các nền văn minh lớn của khu vực này trên thế giới. Vào thế kỷ 13, những người cai trị Mông Cổ, có mối quan hệ chặt chẽ với những người theo kitô giáo, đặc biệt là tại triều đình, đã ban cho họ nhiều đặc quyền trên lãnh thổ. Trong thời kỳ này, các nhà truyền giáo công giáo la-mã cũng đến đây.

Nhưng thời kỳ hoàng kim của việc mở rộng kitô giáo này đã kết thúc đột ngột năm 1368 với sự ra đời của triều đại nhà Minh. Dần dần, các giáo phận Nestôriô lần lượt chết đi. Và ngày nay chỉ có một vài dấu vết khảo cổ chứng minh sự tồn tại của họ. Còn với Mông Cổ, phải đợi đến cuối thế kỷ 20 thì các cộng đồng kitô giáo nhỏ mới cải cách.

Ngày nay tại đất nước chỉ có gần ba triệu dân này, cộng đồng công giáo có khoảng 1.400 tín hữu quy tụ tại 8 giáo xứ, đặc biệt là ở thủ đô Oulan-Bator. Một Giáo hội được các dòng truyền giáo khác nhau đồng hành, với khoảng 25 linh mục và khoảng 40 nam nữ tu sĩ và giáo dân thánh hiến. Một Giáo Hội có hai linh mục người Mông Cổ. Gần đây, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm giám mục Giorgio Marengo 48 tuổi làm hồng y, người đứng đầu cộng đồng này với chức danh Tông tòa kể từ năm 2020. Một dấu hiệu mạnh mẽ cho Giáo hội non trẻ là việc bổ nhiệm hồng y trẻ nhất này.

Những lợi ích của chuyến đi của Đức Phanxicô là gì?

Rõ ràng Đức Phanxicô đang vẽ một bản đồ ngoại giao của Vatican đi ngược lại với thói quen bình thường của thế gian. Từ Albania đến Mông Cổ qua Cộng hòa Trung Phi, ngài thích những chuyến đi ngoại vi này, vì nó nhắc cho mọi người nhớ, ngài không phải là chính trị gia hay người đại diện để bán hàng. Trước hết là để phục vụ một sứ điệp phổ quát, đó là Tin Mừng.

Khi đến thăm đất nước giáp ranh với Nga và Trung Quốc, ngài cho thấy ngài quan tâm đến những gì đang xảy ra ở đây, ở khu vực này của thế giới. Trong khi đối thoại với các nhà chức trách chính trị và tôn giáo của cả hai bên vẫn còn phức tạp, chuyến đi tới vùng đất chủ yếu có truyền thống phật giáo lâu đời chứng tỏ ngài mong muốn tiếp tục đi tìm tình huynh đệ, được sống qua sự tôn trọng và đối thoại, để chống lại những tính toán của mỗi bên. Nhất là cuộc sống hàng ngày của cộng đồng kitô giáo không hề dễ dàng, thường xuyên bị chính quyền nước này kiểm soát.

Như một dấu chỉ về những gì ngài sẽ thực hiện trong chuyến đi này, việc khánh thành Nhà Thương xót ở quận Bayangol, ngoại ô Oulan-Bator, nơi có 150.000 cư dân sẽ nói lên nhiều điều. Đây là một trung tâm xã hội dành cho nạn nhân của bạo lực gia đình, người vô gia cư và người di cư. Trong một trường học trước đây của các Nữ tu Dòng Thánh Phaolô Chartres, tòa nhà ba tầng này minh chứng cho cách tiếp cận mục vụ, qua việc cùng đồng hành với đời sống người dân ở đây, nơi bạo lực gia đình là một thực tế quá phổ biến và là nơi mà cuộc di cư từ nông thôn ra thủ đô đã cướp đi sinh mạng của nhiều người nghèo.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn tin: www.phanxico.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây