Cách đây hơn 4 năm, ngày 30/9/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Tông Thư Tự Sắc "Aperuit illis”, Chúa mở tâm trí cho họ (Lc 24,45), qua đó ngài ấn định Chúa Nhật thứ 3 mùa Thường niên là "Chúa Nhật cử hành, suy tư và phổ biến Lời Chúa”.
Lai lịch và mở đầu
Đức Thánh Cha cho biết ngài đi đến quyết định trên đây nhắm đáp lại lời thỉnh cầu của bao nhiêu tín hữu, mong muốn trong Giáo Hội có một Chúa Nhật Lời Chúa được cử hành. Ý tưởng này, ngài đã có vào cuối Năm Thánh Lòng Thương Xót hồi năm 2016, nghĩa là thiết lập "một Chúa nhật hoàn toàn về Lời Chúa, để hiểu sự phong phú vô tận đến từ cuộc đối thoại liên lỷ của Thiên Chúa với dân Người” (Misericordia et misera, 7).
Tông Thư Tự Sắc, sau khi nhắc lại Công Đồng Vatican 2, qua Hiến Chế "Lời Chúa” (Dei Verbum) và sự kiện Đức cố Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới năm 2008 về "Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội” và sau đó đã công bố Tông Huấn "Lời Chúa”, là giáo huấn tối cần thiết cho các cộng đoàn chúng ta, Đức Thánh Cha cũng nói đến chiều kích đại kết của Chúa Nhật Lời Chúa vì ngày này ở trong mùa các tín hữu Công Giáo được mời gọi củng cố các liên hệ với người Do thái (ngày 17/1), và tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô từ 18 đến 25/1. Ngài nhận xét rằng "đó không phải là một sự trùng hợp tình cờ: việc cử hành Chúa nhật Lời Chúa biểu lộ một giá trị đại kết vì Kinh Thánh vạch ra cho những người lắng nghe con đường phải theo để đạt tới một sự hiệp nhất chân chính và vững chắc”.
Vài đề nghị cụ thể
Đức Thánh Cha cũng đưa ra một vài đề nghị cụ thể để cử hành Chúa Nhật Lời Chúa: cử hành trọng thể, trong Thánh lễ nên đặt Sách Thánh trên ngai để cộng đoàn thấy rõ giá trị qui phạm của Lời Chúa. Các Giám Mục có thể cử hành nghi thức trao ban tác vụ Đọc Sách trong phụng vụ... Các cha sở có thể tìm ra những hình thức để trao Kinh Thánh hoặc 1 phần trong Bộ Sách Thánh cho toàn thể cộng đoàn để làm nổi bật điều này là: cần tiếp tục đọc, đào sâu và cầu nguyện với Sách Thánh trong đời sống thường nhật, đặc biệt là nguyện gẫm Lời Chúa, lectio divina.
Dọn bài giảng
Đặc biệt trong Tự Sắc, Đức Thánh Cha nhắc nhở về tầm quan trọng của việc dọn bài giảng, "dành thời giờ thích hợp cho công việc này. Không thể ứng khẩu bình luận các bài đọc Sách Thánh... Các vị Mục Tử có trách nhiệm giải thích và giúp mọi người hiểu Kinh Thánh, với ngôn ngữ đơn sơ và thích hợp với người nghe... Các vị giảng thuyết được yêu cầu đừng giảng dài, "đừng nhiều lời với những bài giảng khoa đại, dạy đời, hoặc về những điều ngoài đề”.
Đức Thánh Cha viết: "Khi ta dừng lại để suy niệm và cầu nguyện về Văn bản thánh, khi ấy ta có khả năng nói với hết tâm hồn để đi vào tâm hồn của những người lắng nghe, để có thể biểu lộ điều thiết yếu được đón nhận và mang lại hoa trái. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi trong việc dành thời giờ và kinh nguyện cho Kinh Thánh, để Kinh Thánh được đón nhận "không phải như lời người phàm, nhưng như lời đích thực của Thiên Chúa” (1 Ts 2,13).
Chúa Nhật Lời Chúa lần đầu tiên: 26/1/2020
Chúa Nhật Lời Chúa lần đầu tiên được Đức Thánh Cha cử hành sáng Chúa Nhật 26/1/2020 tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong dịp này, tượng Đức Mẹ Knock, Bổn mạng nước Ailen, được phái đoàn của giáo phận Tuam sở tại đưa về đây. Trong cuộc hiện ra ở Knock năm 1879, Đức Mẹ được Thánh Giuse cùng với thánh Gioan Thánh Sử đứng cạnh, hai vị chỉ bàn thờ trên đó có Chiên Con hiển thắng, như trong thị kiến sách Khải Huyền. Trong cuộc hiện ra ấy, Đức Mẹ không nói gì, Mẹ giữ im lặng như thể chỉ dẫn thái độ cơ bản phải có đứng trước mầu nhiệm. Nhưng toàn thể cuộc hiện ra "nói”, vì nơi thánh Gioan có nói lên Tin Mừng mà chúng ta phải đón nhận và hành trình đang chờ đợi chúng ta trong thời sau hết. Nơi trung tâm cảnh hiện ra có mầu nhiệm khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, là trọng tâm công cuộc loan báo Tin Mừng.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ 3 mùa Thường niên, trong đó thánh sử Mátthêu thuật lại việc Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng (Mt 4,17) với lời mời gọi hoán cải vì Nước Trời đến gần. "Đó là một sứ điệp vui mừng: Thiên Chúa đã đích thân đến viếng thăm chúng ta, nhập thể làm người vì yêu thương chúng ta”.
Và trong phần kết luận, ngài nhắn nhủ rằng: "Chúng ta cần Lời Chúa; cần lắng nghe Lời Chúa giữa hàng ngàn lời khác mỗi ngày. Chúa không nói với chúng ta về sự vật nhưng về sự sống... Anh chị em thân mến, chúng ta hãy dành chỗ cho Lời Chúa! Chúng ta hãy đọc hằng ngày vài câu Kinh Thánh, bắt đầu bằng Tin Mừng: chúng ta hãy để sách Tin Mừng mở sẵn trên bàn cạnh giường ngủ, hãy mang Kinh Thánh theo mình, trong túi, đọc Kinh Thánh qua điện thoại bỏ túi, hãy để cho mình mỗi ngày được Lời Chúa soi sáng. Chúng ta sẽ khám phá thấy rằng Thiên Chúa gần gũi chúng ta, soi sáng những tăm tối của chúng ta, và với tình yêu thương, Chúa dẫn đưa đời sống chúng ta ra khơi.”
Chúa nhật Lời Chúa lần thứ 2: 24/1/2021
Chúa Nhật Lời Chúa lần thứ 2, ngày 24/1/2021, vẫn còn ở trong kỳ đại dịch Covid-19. Lẽ ra Đức Thánh Cha cũng chủ sự Thánh lễ này, nhưng vì ngài bị đau thần kinh tọa, nên Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, đã cử hành thay và đọc bài giảng ngài đã dọn, qua đó ngài nhắc nhở rằng:
"Anh chị em thân mến, chúng ta đừng từ bỏ Lời Chúa. Đó là lá thư tình được viết cho chúng ta do Đấng biết rõ chúng ta hơn ai hết: khi đọc lá thư ấy, chúng ta lại nghe được tiếng Chúa, nhận thấy khuôn mặt, nhận được Thần Trí của Người. Lời Chúa làm cho chúng ta gần gũi Thiên Chúa: chúng ta đừng để Lời Chúa ở xa chúng ta. Hãy luôn mang theo chúng ta, trong túi, trong điện thoại; hãy dành cho Lời Chúa một chỗ xứng đáng trong nhà chúng ta. Hãy đặt sách Tin Mừng tại một nơi mà chúng ta nhớ mở ra hằng ngày, ước gì vào đầu và cuối mỗi ngày, như vậy giữa bao nhiêu lời truyền đến tai chúng ta, có những câu Lời Chúa đến tâm hồn chúng ta. Để làm như thế, chúng ta hãy xin Chúa ban sức mạnh để tắt tivi và mở sách Kinh Thánh; tắt điện thoại di động và mở sách Tin Mừng”.
Chúa nhật Lời Chúa lần thứ 3: 23/1/2022
Trong bài giảng Thánh lễ Chúa Nhật Lời Chúa lần thứ 3, ngày 23/1/2022, Đức Thánh Cha đã diễn giải hai khía cạnh của Lời Chúa được gắn liền với nhau, đó là: Lời tỏ lộ Thiên Chúa và Lời đưa chúng ta đến với con người.
Đức Thánh Cha nói: "Anh chị em, Lời Chúa thay đổi chúng ta, đi sâu vào trong tâm hồn như thanh gươm (Xc Dt 4,12). Vì một đàng Lời Chúa an ủi, tỏ cho chúng ta khuôn mặt Thiên Chúa, nhưng đàng khác Lời Chúa thúc đẩy, đánh động, tỏ cho chúng ta thấy những mâu thuẫn của chúng ta. Lời Chúa không để yên chúng ta nếu phải trả giá sự yên hàn này là một thế giới bị xâu xé vì bất công và những người phải trả giá vẫn luôn là những người yếu thế... Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy xuất đầu lộ diện, không nấp sau những vấn đề phức tạp, không nấp sau lập luận "Chẳng có thể làm được gì” hoặc "tôi có thể làm được gì sao?” Lời Chúa nhắn nhủ chúng ta hãy hành động, liên kết việc phụng sự Thiên Chúa với việc chăm sóc con người...”.
Chúa nhật Lời Chúa lần thứ 4: 22/1/2023
Khi cử hành Chúa nhật Lời Chúa lần thứ 4, ngày 22/1 năm ngoái (2023) Đức Thánh Cha đã quảng diễn bài Tin Mừng theo Thánh Mátthêu, trong đó thuật lại: Chúa Giêsu giã từ cuộc sống yên hàn và ẩn dật tại Nazareth để tới thành Capharnaum, một thành "tứ chiếng”, bên hồ Galilea, để loan báo Tin Mừng cho mọi người. Ngài nhận xét rằng: "Khía cạnh này cũng rất quan trọng đối với chúng ta. Nó nhắc nở chúng ta rằng Lời Chúa là một hồng ân được gửi đến mỗi người và vì thế chúng ta không bao giờ có thể thu hẹp lãnh vực hoạt động (...). Và nếu ơn cứu độ được dành cho tất cả mọi người, cho cả những người xa xăm mất hút, thì việc loan báo Lời Chúa phải trở thành điều cấp thiết chính yếu của cộng đoàn Giáo Hội như đối với Chúa Giêsu. Chúng ta đừng để xảy ra là tuyên xưng một Thiên Chúa có tâm hồn rộng mở mà lại là một Giáo Hội có con tim chật hẹp; rao giảng ơn cứu độ cho mọi người mà lại làm cho con đường đón nhận ơn cứu độ không thể thực hiện được...”.
Bên bờ hồ Galilea Chúa Giêsu kêu gọi Simon và Anrê, hai anh em làm nghề thuyền chài. Ngài mời gọi họ đi theo Ngài, nói với họ là sẽ làm cho họ thành "những người đánh cá người” (Mt 4,19).
Đức Thánh Cha nói: "Cả chúng ta cũng cảm thấy được mời gọi trở thành những người đánh cá người: Chúng ta cảm thấy được Chúa Giêsu đích thân kêu gọi loan báo Lời Người, làm chứng về Lời Chúa trong các hoàn cảnh mỗi người, sống Lời Chúa trong công lý và tình thương... Đó là sứ mạng của chúng ta, trở thành những người tìm kiếm những ai đã hư mất, người bị áp bức và mất tin tưởng, để mang cho họ ơn an ủi của Lời Chúa, chứ không phải là chúng ta".
Giuse Trần Đức Anh O.P.
Nguồn tin: Vaticannews
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn