Giáo xứ Vinh Hương

Tiếp Kiến Chung và "PizzaAut" cho người nghèo

Thứ bảy - 02/04/2022 19:50
"Không chỉ cho họ, mà trước tiên là với họ"
Nico Acampora và các bạn trẻ của Quỹ PizzaAut tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 01.04.2022 (Vatican Media)
Nico Acampora và các bạn trẻ của Quỹ PizzaAut tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 01.04.2022 (Vatican Media)

Bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Chào anh chị em thân mến!

Cảm ơn Chủ tịch Quỹ "PizzaAut" Ý vì những lời giới thiệu của ông và cảm ơn chứng từ của chàng trai trẻ đã cho thấy nhiều yếu tố cần phải suy nghĩ.

Ngày mai là Ngày Thế giới Nhận thức về Tự kỷ, được Liên Hợp Quốc thành lập nhằm thu hút sự lưu tâm của thế giới đối với người mắc chứng tự kỷ và những khía cạnh khác nhau trong tình cảnh của họ.

Trước hết, tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với công việc mà Quỹ Tự kỷ Ý đang thực hiện. Anh chị em gồm nhà nghiên cứu, bác sĩ, nhà tâm lý học, các tổ chức và hiệp hội gia đình, những người đã đặt ra mục tiêu chung là thúc đẩy văn hóa ủng hộ người mắc chứng tự kỷ và khuyết tật trí tuệ từ năm 2015. Ngày nay, hơn bao giờ hết, những chủ đề và vấn nạn mà Quỹ phải đối mặt có tầm quan trọng sống còn.

Trên thực tế, bằng cách thực hiện những dự án và sáng kiến nghiên cứu có lợi cho những người yếu đuối nhất và thiệt thòi nhất, anh chị em đang đóng góp rất giá trị cho cuộc chiến chống lại văn hóa dùng một lần (xem Tông huấn Evangelii Gaudium, 53), rất phổ biến trong một xã hội có quá nhiều xu hướng cạnh tranh và lợi nhuận. Chúng ta cũng là nạn nhân của nền văn hóa dùng một lần này.

Tôi muốn nhân cơ hội này chia sẻ một vài ý hướng để suy nghĩ và thực hiện:

1. Văn hóa hòa nhập và thuộc về trái ngược với văn hóa loại trừ. Khuyết tật, dưới mọi hình thức, đại diện cho một thách thức và cơ hội để cùng nhau xây dựng một xã hội hoà nhập và dân sự hơn, nơi người thân cận, nhà giáo dục và những hiệp hội như của anh chị em không bị đơn độc mà được nâng đỡ. Đó là lý do tại sao cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức về những khía cạnh khác nhau của khuyết tật, phá vỡ định kiến và thúc đẩy văn hóa hòa nhập và thuộc về dựa trên nhân phẩm.

Đó là phẩm giá của những người mong manh và dễ bị tổn thương nhất, quá thường xuyên bị gạt ra ngoài lề bởi vì họ được dán nhãn là dị biệt hoặc thậm chí vô dụng, nhưng thực sự họ là một kho tàng lớn lao cho xã hội. Thật vậy, chúng ta rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rất nhiều trường hợp người khuyết tật có kinh nghiệm làm việc rất tốt - như một số anh chị em ở đây - từ đó cung cấp một bằng chứng quan trọng cho tất cả chúng ta. Nhưng không chỉ trong lĩnh vực công việc, mà trong toàn bộ đời sống con người, dường như đó là "ơn gọi" của họ. Chúng ta hãy nghĩ đến tấm gương của Thánh Margaret thành Castello, người phụ nữ trẻ khuyết tật đã dâng cuộc đời mình trong tay Chúa để cống hiến trọn vẹn cho việc cầu nguyện và giúp đỡ người nghèo.

Anh chị em thân mến, dụ ngôn về người Samaritanô nhận hậu trong Tin Mừng (Lc 10,25-37) chỉ đường cho chúng ta đến một xã hội huynh đệ hơn. Và trên con đường này, người khuyết tật không chỉ là đối tượng được chăm sóc, mà còn là một chủ thể, rất quan trọng! Người Samaritanô thậm chí có thể là người khuyết tật, tự kỷ, người gần gũi với người khác, đã đặt tài năng của mình vào việc phục vụ cộng đồng.

2. Chia sẻ. Một khía cạnh thiết yếu của văn hóa hòa nhập là cơ hội cho người khuyết tật tham gia tích cực. Đừng nhốt họ lại, không! Hãy chia sẻ. Đặt họ vào trung tâm có nghĩa là không chỉ phá vỡ các rào cản vật lý, mà còn bảo đảm rằng họ có thể tham gia vào những sáng kiến của cộng đồng dân sự và giáo hội bằng cách đóng góp tích cực. Đối với điều này, đó là hỗ trợ dự án cuộc sống của họ thông qua việc tiếp cận với giáo dục, việc làm và không gian giải trí, do đó, sự sáng tạo của họ được thể hiện và được xã hội công nhận. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi nhận thức. Những bước tiến lớn đã được thực hiện theo hướng này, nhưng định kiến, bất bình đẳng và thậm chí phân biệt đối xử vẫn còn. Tôi hy vọng rằng bản thân những người khuyết tật sẽ ngày càng trở thành nhân vật chính của sự thay đổi này, như các bạn đã chứng kiến ngày hôm nay bằng cách hợp tác với nhau, các tổ chức dân sự và giáo hội.

3. Mạng lưới. Đại dịch Covid-19 đã tác động rất nghiêm trọng đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương nhất, đối với người cao tuổi, đối với người khuyết tật và gia đình họ. Trong những tuần gần đây, bi kịch của cuộc chiến ở Ukraina lại được thêm vào: Chúng ta hãy nghĩ đến những người thiệt thòi nhất. Anh chị em thân mến, trong tình huống này, phản ứng của chúng ta phải là tình liên đới, "kết nối". Liên đới trong cầu nguyện và liên đới trong bác ái trở thành sự chia sẻ cụ thể. Khi đối mặt với rất nhiều vết thương, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội để hỗ trợ lẫn nhau. Chúng ta hãy chịu trách nhiệm về sự đau khổ của nhân loại với những dự án và đề nghị đặt những người nhỏ bé nhất vào trung tâm.

Ngay cả trong lĩnh vực khuyết tật, các cộng đoàn giáo hội và dân sự được mời gọi làm việc trong một mạng lưới, hợp tác hài hòa, nhằm giúp đỡ những người yếu đuối và thiệt thòi nhất để làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe. Bằng cách này, việc hỗ trợ được thực hiện và đóng góp của tất cả những người đã làm việc vì người khuyết tật được tăng cường, tạo ra một phạm vi hỗ trợ rộng rãi và đa dạng. Bằng cách gạt sang một bên thái độ cạnh tranh, sức mạnh tổng hợp hiệu quả có thể được tạo ra, có khả năng tác động sâu sắc đến xã hội.

4. Vì một nền kinh tế tương trợ. Cũng như có một nền văn hóa loại trừ và một nền văn hóa khác là hoà nhập, thì cũng có một nền kinh tế vứt bỏ và một nền kinh tế bao gồm. Và điều đó xảy ra mỗi ngày: có sự từ chối và hòa nhập, trong cuộc sống và cả trong nền kinh tế. Trong lịch sử, bắt đầu từ cộng đồng Kitô hữu đầu tiên ở Jerusalem, qua nhiều kinh nghiệm, Tin Mừng truyền cảm hứng cho chúng ta đặt tình huynh đệ vào trung tâm của nền kinh tế, để người nghèo, người bị thiệt thòi và người khuyết tật không bị loại trừ. Đặt tình huynh đệ làm trung tâm của nền kinh tế, không phải tính ích kỷ, không phải lợi ích cá nhân, mà là tình huynh đệ. Công việc anh chị em đang thực hiện thông qua Quỹ Tự kỷ Ý cũng cần hỗ trợ tài chính. Đó là lý do tại sao lòng biết ơn của tôi cũng dành cho những nhà hảo tâm của anh chị em, bằng cách phân bổ các nguồn lực cho người lân cận, là những người xây dựng một xã hội tương trợ, toàn diện và huynh đệ hơn. Đó cũng là một cách cụ thể để làm kinh tế tương trợ.

Anh chị em thân mến, chúng ta đang trải qua một thời kỳ khó khăn, nhưng Lễ Vượt Qua của Chúa đang đến gần nhắc nhở chúng ta rằng cái chết không có tiếng nói cuối cùng. Cùng với những anh chị em mong manh nhất của mình, chúng ta hãy giữ cho ngọn đuốc hy vọng được thắp sáng!

Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục công việc của mình bằng cách đồng hành với những người tự kỷ. Không chỉ cho họ, mà trước tiên là với họ. Anh chị em biết rõ điều này, và thậm chí hôm nay anh chị em muốn nói điều đó với một cử chỉ: tại Quảng trường Thánh Phêrô, những người tự kỷ sẽ nấu ăn và cung cấp bữa trưa cho anh chị em nghèo của chúng ta. Đẹp quá! Một sáng kiến làm chứng cho phong cách người Samaritanô nhân hậu, phong cách của Thiên Chúa. Phong cách của Chúa là gì? Gần gũi, nhân hậu, dịu dàng. Với ba đặc điểm này, chúng ta thấy khuôn mặt của Thiên Chúa, trái tim của Thiên Chúa, phong cách của Thiên Chúa.

Với cả tấm lòng mình, chúc lành cho anh chị em. Xin Đức Mẹ bảo trợ anh chị em, vì Mẹ là Mẹ và hiểu những điều này: Mẹ nhân lành hơn chúng ta!

Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!

 
Anita Bourdin, ZENIT 01.04.2022

Tác giả bài viết: Huuchanh VH dịch

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây