Giáo xứ Vinh Hương

Bài toán lạ

Thứ hai - 08/10/2012 18:37
Bài toán lạ

Chắc hẳn bài-toán-hôn-nhân là bài toán “lạ” nhất, đơn giản nhất, khó giải nhất, và cũng ngược đời nhất: 1 + 1 = 1, thế nhưng bài toán này vẫn hoàn toàn đúng: “Người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (Mt 19:5). Hôn nhân Công giáo có “đặc điểm” khác hẳn các hôn nhân khác nhờ hôn luật thánh: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19:6).

Từ thuở hồng hoang, sau khi tạo dựng con người, Đức Chúa là Thiên Chúa đã phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2:18). Một cách quan phòng và tiền định kỳ diệu của Thiên Chúa. Điều đó cho thấy tiền đồ của Ngài là muốn con người sống hài hòa với nhau, liên kết với nhau, cùng chia sẻ vui buồn và tận hưởng hạnh phúc.

Và rồi Ngài “lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế” (St 2:19). Thiên Chúa tạo dựng muôn loài, nhưng Ngài muốn con người “góp công” nên cho con người quyền đặt tên mọi loài, chứng tỏ con người có giá trị. Hạnh phúc quá! Tuy nhiên, sau khi “con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng” (St 2:10). Vì thế, Ngài “cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi, rồi Ngài rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào” (St 2:21). Nghe kể việc Chúa làm thật là chuyện lạ, ngày nay người ta thấy vậy sẽ cho là “ma thuật”, nhưng không, hoàn toàn đó là quyền năng vô song của Thiên Chúa, và chỉ một mình Ngài làm được như vậy!

Sau đó, Ngài lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra – ý nói “con người” ở đây là “đàn ông”, Ngài làm thành một “sinh vật lạ”, và dẫn đến với con người. Thấy vậy, con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra” (St 2:23). Bởi thế, “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2:24).

Có những đàn ông “tự đề cao” mình và “lý luận” rằng Thiên Chúa dựng nên đàn ông trước, đàn bà là “sản phẩm” của đàn ông, là cấp dưới nên phải “lệ thuộc” đàn ông. Thậm chí người ta còn quan niệm là “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một trai kể là có, mười nữ coi như không). Lối suy nghĩ thật là ấu trĩ, thiển cận, nông cạn và kiêu ngạo! Càng nói càng lòi cái… ngu, ngu kinh niên. Tại sao?

Nhóm Xa-đốc gồm những người không tin có sự sống lại, họ hỏi Chúa Giêsu để “gài bẫy” Ngài về chuyện bảy anh em trai, lần lượt mỗi người đều cưới cùng một cô vợ, vì luật Mô-sê nói rằng anh lấy vợ mà chết trước khi có con thì chú em phải cưới chị dâu làm vợ. Cả bảy anh em đều cưới cô ta mà không có con. Hết thuốc chữa! Nhóm Xa-đốc hỏi Chúa Giêsu rằng khi sống lại thì cô ta sẽ là vợ của người nào trong bảy anh em kia. Bọn họ chắc mẩm Chúa Giêsu sẽ “bó tay”. Nhưng Chúa Giêsu thản nhiên và nói chắc hơn hàn xì: “Các ông lầm, vì không biết Kinh Thánh, cũng chẳng biết quyền năng Thiên Chúa. Quả thế, trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời” (Mt 22:29-30; Mc 12:24-25; Lc 20:34-36). Hố to! Đã vậy họ còn bị Chúa Giêsu trách là “lầm” và chê là “ngu dốt”, chẳng biết Kinh thánh chứ nói chi biết đến quyền năng Thiên Chúa.

Thời kỳ sáng thế cũng vậy thôi. Chúa dựng nên con người tốt lành, không hề có khái niệm nam, nữ, hoặc đồng giới. Thế nên người ta vô tư mà “ở mát”: “Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau” (St 2:25). Chỉ sau khi phạm tội, con người mới nhận ra mình trần truồng và xấu hổ nên muốn… độn thổ! Bởi vì “bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân” (St 3:7).

Nam và nữ “thu hút” nhau như hai cực nam châm trái dấu, nhờ đó mà phát sinh tình yêu, tình yêu dẫn đến hôn nhân. Hôn nhân là liên kết để tạo một gia đình mới – tế bào cơ bản của xã hội. Hôn nhân đòi buộc sự chung thủy một vợ, một chồng, có vậy mới không sinh những hệ lụy rắc rối khác. Ca dao Việt Nam có nhiều câu nói về sự chung thủy trong tình yêu và hôn nhân, chẳng hạn:

Bao giờ cạn nước Đồng Nai

Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền

Sự chung thủy ấy được thể hiện qua lời tâm sự của người vợ:

Đi đâu cho thiếp theo cùng

Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam

Sự chung thủy ấy cũng được thể hiện qua lời tâm sự của người chồng:

Tay cầm quyển sách bìa vàng

Sách bao nhiêu chữ, thương nàng bấy nhiêu

Chung thủy là “chén nước được giữ thăng bằng”, không hề sóng sánh. Luật chung thủy không chỉ “bắt buộc” ở người vợ mà cả ở người chồng. Vì khi hai người cùng nhau cử hành bí tích hôn phối trước mặt vị đại diện Giáo hội và cộng đoàn Dân Chúa, ai cũng vui vẻ thề hứa công khai: “Anh (em) nhận em (anh) làm vợ (chồng), và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em)”. Vậy đó, “mình với ta tuy hai mà một”, vì thế mà không ai lại tự “xẻ” mình ra!

Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn. Hôn nhân là một ơn gọi và là bí tích, hôn nhân Công giáo là hôn nhân thánh. Tác giả Thánh vịnh chúc mừng: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may. Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn” (Tv 128:1-3). Hôn nhân là hành trình đầy trọng trách và gian khó, nhưng bù lại cũng nhiều niềm vui, có thể nói rằng hôn nhân là “nỗi đau ngọt ngào”. Đó là niềm hạnh phúc độc đáo trong hôn nhân! Thật vậy, trầu cau xanh kết hợp với vôi trắng tạo nên nước đỏ tươi và vị cay cay, chính vị cay đó khiến người ta nghiện ăn trầu.

Và niềm hạnh phúc đó chính là “phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người” (Tv 128:4). Một lần nữa, tác giả Thánh vịnh cầu chúc cho những người sống đời hôn nhân: “Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu. Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình” (Tv 128:5-6).

Thánh Phaolô phân tích: “Con người đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, thì chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình. Con người đó, chính là Đức Giêsu” (Dt 2:9a). Thật vậy, “Đức Giêsu đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa” (Dt 2:9b). Thánh Phaolô nói rạch ròi: “Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ” (Dt 2:10).

Thiên Chúa là Đấng chí nhân, Ngài không muốn ai phải hư mất, mà chỉ muốn tất cả chúng ta cũng được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc với Ngài. Đó là Tình Yêu Chúa, đó là Lòng Chúa Thương Xót. Đấng thánh hoá là Đức Giêsu, “những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc” (Dt 2:11), vì thế, Ngài đã không hề hổ thẹn gọi chúng ta là huynh đệ – dù chúng ta quá khốn nạn, xấu xa và tội lỗi. Thật là hạnh phúc cho chúng ta, vì chúng ta từ “không” mà biến thành “có”!

Mục đích của hôn nhân không chỉ là sinh con đẻ cái theo lệnh Chúa: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất” (St 1:28). Mục đích của hôn nhân còn là giúp nhau nên thánh: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).

(Mc 10:2-16)

Một hôm, có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu và hỏi: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” (Mc 10:2). Họ chẳng tốt lành gì, hỏi han cho ra vẻ thân thiện chứ thực tế học muốn thử Ngài, muốn “gài bẫy” Ngài. Nhưng Ngài thản nhiên: “Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì?” (Mc 10:3). Họ ra chiều vẫn “vô tư” khi trả lời: “Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ” (Mc 10:4). Đức Giêsu chơi liên khúc với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mc 10:5-8). Và Ngài quả quyết: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10:9). Đúng là họ “dốt đặc cán mai” mà vẫn muốn tỏ ra thông thái, ngu truyền kiếp mà tưởng mình thông minh. Gậy ông đập lưng ông. Bọn họ đành ngậm bồ hòn mà “câm như hến”!

Ngay cả các môn đệ cũng lơ ngơ như bị “chạm mạch”, thế nên khi về đến nhà, các ông lại hỏi Ngài về điều ấy. Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mc 10:11-12). Quá rõ, không phân biệt nam hay nữ chi cả. Ai làm sai là phạm tội.

Lúc đó, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu để Ngài đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. Thấy vậy, Ngài bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng” (Mc 10:14). Thấy các đệ tử mình theo mình mà chẳng giống mình, thế nên, dù Ngài rất nhân từ và hiền lành mà còn phải “nổi nóng” thì hẳn là chuyện không vừa, chắc chắn các môn đệ phải xua đổi các trẻ em dữ lắm. Và rồi Ngài nhấn mạnh: “Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10:15). Thánh Mátthêu còn kể rõ: “Ngài ÔM lấy các trẻ em và đặt tay CHÚC LÀNH cho chúng” (Mt 10:16).

Lại một Bài Toán Lạ nữa đối với tất cả chúng ta về “bí quyết” để làm công dân Nước Trời!

Lạy Thiên Chúa là Đấng Trung Tín, xin giúp những người sống đời hôn nhân luôn sống trung thành với lời hứa yêu thương, biết yêu quý trẻ em và học ở chúng bài học đơn sơ, đặc biệt là giúp chúng con luôn sống trung thành với Ngài trong mọi hoàn cảnh. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

Tác giả bài viết: Kha Đông Anh

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây