Giáo xứ Vinh Hương

Buồn vui chuyện phải có con trai và mất cân bằng giới tính

Thứ sáu - 23/11/2012 18:05

Mất cân bằng giới tính

Mất cân bằng giới tính
- Quan niệm sinh con trai để “nối dõi tông đường” gây mất cân bằng giới tính trầm trọng tại Việt Nam

“Chúng tôi đã có một đứa con gái 9 tuổi, giờ buộc phải có một đứa con trai mới được yên thân. Giờ mẹ chồng đang thuê bác sĩ tư canh trứng rụng cho tôi để kiếm đứa cháu trai đích tôn theo yêu cầu của bà” – chị Maria Hoài Anh cho biết.

Cách đây ba năm chị đã phá thai 14 tuần trong bụng sau khi siêu âm biết là con gái. “Tôi buộc phải bỏ thai vì chồng tôi là đảng viên và có quyền cao chức trọng nên không được có quá hai đứa con theo quy định”.

“Chồng tôi là con trai một, lại là cháu đích tôn của dòng họ nên buộc phải có con trai để phụng thờ tổ tiên” - người phụ nữ 37 tuổi thú nhận.

Nhiều người khác muốn sinh con trai đơn giản để gánh vác công việc gia đình.

Ông Giuse Nguyễn Văn Cang, ngụ huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang nói rằng ông muốn sinh thật nhiều con trai để có nhân lực làm nông.

“Tôi chỉ mong có nhiều con trai để có nhiều sức lao động làm nông, không phải thuê mướn nhân công, 9ha đất mà vợ chồng tôi đã cật lực lao động cũng thuộc về chúng. Chứ sanh toàn con gái, nó lấy chồng là tài sản vào tay mấy đứa con rể hết”- người đàn ông 75 tuổi giải thích.

Kết quả là vợ chồng ông cũng sinh được hai đứa con trai trong khi đó lại có đến 11 đứa con gái. Riêng người con trai út bị bệnh Down do được sinh ra khi vợ ông Cang đã 49 tuổi.

Theo ông Cang, “gia đình nào có nhiều con trai mới oai, sanh nhiều con gái thì sẽ bị hàng xóm chê cười. Vì đàn ông mới có thể làm những việc lớn, còn phụ nữ tối ngày chỉ ru rú trong xó bếp thôi”.

Suy nghĩ đó của ông Cang đã thay đổi gần chục năm nay, khi ba đứa con gái của ông học hành thành tài làm cho ông hãnh diện với họ hàng, trong khi đứa con trai chỉ học hết cấp hai vì ham chơi, bây giờ nhậu nhẹt suốt ngày bỏ bê đồng ruộng.

Tuy nhiên, con trai không phải là tất cả.

Dù đã bước vào tuổi 46 và đã có bảy người con gái nhưng bà Anna Nguyễn Thị Ký vẫn cố sinh cho bằng được một đứa con trai theo ý của chồng.

“Chồng tôi muốn phải có đứa con trai để khi ông chết có người cầm di ảnh” – bà Ký nhớ lại.

Chồng bà là con trai độc nhất nên cha mẹ chồng mong bà sinh được con trai để có người nối dõi tông đường cho nhà họ Trần.

Câu chuyện xảy ra đã hơn 20 năm nhưng giờ nhắc lại bà Ký vẫn chưa hết bùi ngùi.

“Lúc đó, tôi chỉ cầu mong sinh được con trai cho cuộc đời bớt khổ” – bà cho biết gia đình chồng luôn tỏ ý không vui khi bà chưa sinh được cháu trai cho họ.

Người phụ nữ 67 tuổi đổ lỗi cho việc sinh nhiều con đã ảnh hưởng đến sức khỏe, “xương khớp tôi giờ hay bị đau nhức vì sinh nhiều con và phải đi làm đồng sớm”.

Đã thế, cậu con trai quý tử của bà lại không lo học hành mà chỉ chơi bời lêu lỏng và cờ bạc khiến bà buồn rầu, mất ăn mất ngủ.

“Bảy đứa con gái đứa nào cũng ngoan, cho dù có gia đình riêng cũng vẫn biết chăm lo cho mẹ già, nếu biết thế này tôi không thèm đẻ con trai chi cho khổ” – bà Ký than vãn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận xét “Động cơ phải có con trai đã tồn tại trong tâm lý của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng hàng nghìn năm nay”.

Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính ở nước này.

Tỷ lệ mất cân bằng giới tính ngày càng tăng, nhất là trong “năm Rồng” – Nhâm Thìn này, khi nhiều người tin rằng sinh con trai trong năm nay mang lại may mắn, sung túc. Năm 2006 là 109 bé trai/100 bé gái tăng lên 112,3 bé trai/100 bé gái vào năm 2012.

Theo số liệu của Bộ Y tế chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, số trẻ sinh ra tăng 15%  tức là hơn 100.000 trẻ so với cùng kỳ năm ngoái và nhiều trẻ trai là con thứ ba.
Việc sàng lọc giới tính thai nhi trước sinh là một nguyên nhân nữa gây mất cân bằng giới tính.

“Đối với những gia đình mới sinh được 2 con gái thì ở lần sinh thứ ba để chắc ăn họ thường siêu âm để biết giới tính. Việc quyết định dừng sinh phụ thuộc nhiều vào việc đứa bé đó là trai hay gái” – ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Bộ Y tế - nhận xét.

Theo dự báo của Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình, 37 năm nữa Việt Nam sẽ dư thừa 12% nam giới dưới 50 tuổi tương đương 4,3 triệu người.

“Tình trạng này dẫn đến hậu quả là việc gia tăng các hoạt động bắt cóc và buôn bán phụ nữ, buôn bán trẻ em gái. Phụ nữ sẽ bị “giành giật” và sẽ phải kết hôn sớm hơn, cùng đó tỉ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ trong tương lai cũng sẽ tăng theo” – ông Trọng cảnh báo.

Tác giả bài viết: http://www.ucansvietnam.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây