Giáo xứ Vinh Hương

Đạo lý làm người

Thứ ba - 10/01/2012 20:16

Đạo lý làm người

“Học vấn không có lương tâm chỉ là thứ tàn phá linh hồn”. (Rabelais)

 

“Sống là sống với” đó là tuyên ngôn đanh thép của kiếp người. Chẳng kẻ nào có thể sống cô độc vò võ một mình được cả. Cho dù anh chàng Rô-bin-xơn có lang bạt khỏi loài người, sống trên một ốc đảo hoang vu thì anh cũng chẳng dứt bỏ nổi nỗi ám ảnh của cộng đồng nhân loại, và tuyệt đối hơn nữa anh ta chẳng thể nào sống nổi mà không làm bạn với muông thú trong rừng sâu. Con người là sống với - sống với người khác – và sống với vũ trụ đang nuôi dưỡng con người. Song muốn “sống với”, con người buộc phải xuất thế cái bản ngã ru rú cô quả của mình để hội nhập vào dòng chảy chung của nhân loại mà nguyên lý của dòng chảy đó là: Đạo lý làm người.

Không có đạo lý làm người sẽ không có xã hội bởi lúc đó mỗi con người chỉ như là một phần tử rời rạc được chăng hay chớ của cái gọi là số lượng hơn là loài người. Không có xã hội không có nền văn minh. Bởi vậy, cả triết gia Kant - người nổi danh lỗi lạc trên địa hạt đạo đức như tên gọi “ông hoàng của phúc âm mới”, và Rousseau thủ lĩnh của “Khế ước xã hội” nổi tiếng đều cho rằng: “Bản tính đạo lý của con người là quan trọng nhất” (Man’s moral nature is most important. -‘Encyclopedia Compton’s’, P17, tr.265).

Và Kant còn cho rằng: “Vẻ đẹp là tượng trưng của lòng đạo đức” (La beauté est le symbol de la moralité). Đi xa hơn nữa St. Thomas cho rằng lòng tốt còn chói sáng hơn cả chân lý. Chân lý mà làm gì nếu con người không biết vận động tâm hồn khát khao chân lý của mình để sống với nhau bằng một lương tâm thiện tín, một trái tim thiện hảo và một tấm lòng nhân ái. St. Thomas nói: “Cái tốt còn chói sáng hơn cái thật” (The “good” is more excellent than the “true”).

Tuy nhiên đạo lý không dễ nhận biết như vậy, con người vẫn tiếp tục rồ dại sản xuất ra hàng loạt những khẩu đại bác với kích cỡ ngày càng lớn, người ta vừa nhằm vào những con người để bắn lại vừa chạy đến để cứu thương hay nhỏ nước mắt chôn cất tử tế, hoặc còn lập ra những hội đồng ái - thiện để an ủi chăm sóc làm dịu đi nỗi đau của những quả phụ đã hóa đá chờ chồng. Đó là một nghịch lý vô minh nhưng lại được xào đi tái lại một cách rất hiền minh. Để tận dụng trí tuệ mong thủ lợi, con người còn cố tình chơi trò tung hứng đạo lý để mua vui hay moi từng đồng xu ít ỏi của những chú nhi đồng lam lũ đang há mồm thần phục trò ảo thuật. Khi phản ứng dây chuyền nguyên tử được phát hiện, vậy là người ta đổ xô vào tìm cách đoạt lấy nó như một phương tiện để đe dọa người khác. Khi người ta biết rằng hơi thở là thiết yếu nhất của con người vậy là người ta lao vào sáng chế ra những độc tố hóa học để tung vào không khí khiến tha nhân chẳng còn đường mà thở.

Đạo lý là tất yếu với con người đến mức nó là cái thăng thiên con người từ thế giới động vật lên hàng nhân loại, ấy vậy mà cho đến ngày nay người ta vẫn còn bàn cãi lu bu về nó. Tại sao vậy? Loại trừ những yếu tố họăc giá trị vi tế của đạo lý, con người vẫn xung sát nhau về đạo lý để biện hộ cho hành động của mình hơn là thiện chí sống đạo lý. Người ta thích đạo lý là con đường khai mở dễ dàng các hành động vụ lợi của mình hơn coi nó như một bức tường cao vòi vọi của lương tâm con người. Và người ta bàn về đạo lý để thỏa thuê miệng lưỡi kiến văn lọc lõi hùng biện của mình hơn là sống đạo lý, Bởi vậy đạo lý càng mập mờ di dịch bao nhiêu thì con người càng có cơ hội ẩn trốn, xuất gia hay thủ đắc, và đạo lý như một vũng nước càng đục thì cò càng béo. 

Không! Bằng một lương tâm công chính chúng ta hãy chối bỏ điều đó. Dù xã hội có thể tiến bộ đến bao nhiêu, dù súng dài súng ngắn, tầu bay tầu bò, tên lửa vượt đại châu hay vệ tinh thăng thiên sao hỏa thì đó cũng chưa hẳn là cuộc tiến bộ của nhân loại toàn diện. Nhân loại thiết yếu phải là đạo lý làm người. Nếu người ta có ý định sản xuất ra những đồ i-nốc sáng loáng hay những đồ pha lê lấp lánh mong thay thế đạo lý làm người tốt đẹp và bình dị là thoái hóa chứ không phải tiến hóa. Nếu bạn không muốn tin điều đó, bạn hãy thử xem người ta sáng chế ra những dụng cụ khoa học có hẳn để lúc nào cũng giúp ích cho con người? Henri Poincaré nói: “Những dụng cụ tinh mật dùng một cách không chính đáng có thể cản trở sự tiến bộ của khoa học” (Alfred North White Head ‘Bước đường phiêu lưu của những dòng tư tưởng’, dịch giả Nam Chi và Từ Huệ, Văn Đàn 1969, tr.468).

Bạn đã từng chứng kiến người ta dùng khoa học để kìm kẹp, phá hoại hay lợi dụng chính khoa học như thế nào rồi. Vả lại có bao giờ bạn mong ước một ngày nào đó một khẩu súng liên thanh tự động chĩa vào nhà bạn nhả đạn dữ dội không? Bạn có bao giờ mong một quả bom đang rơi xuống mái nhà bạn? Hay vợ con bạn mắc phải chứng hen phế do hít phải độc tố mới phát minh của ngành hóa học? Không! Chắc hẳn là không! Sự tiến bộ của khoa học buộc phải nằm trong cuộc kiểm thảo của lương tâm. Không có lương tâm, khoa học chỉ là một đống máy móc phi nhân với mục đích lấy sắt thép thay thế con người và giá trị con người. Có một châm ngôn rằng “Khoa học không có lương tâm chỉ là táng bại cho linh hồn”. Rabelais cũng nói: “Học vấn không có lương tâm chỉ là thứ tàn phá linh hồn” (Science sans conscience n’est que ruin de l’âme).

Hãy sống như thể mình mang sẵn trong tâm hồn nguồn sáng của lương tâm thông thiên cùng vũ trụ.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Đức

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây