Giáo xứ Vinh Hương

Biến hình

Thứ năm - 21/02/2013 18:24

.

.
- "Ai có tâm hồn trong sạch, họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa" (Mt 5,8).

Dịp tết vừa rồi nhiều bạn trai gái đi làm ăn ở nơi xa về quê ăn tết. Trước đây họ là dân quê, nhờ đi làm ăn có tiền bạc, bắt chước thiên hạ ăn chơi, trang điểm vào bây giờ nhìn lạ lắm! Nào là mắt xanh, mỏ đỏ, tóc vàng, tóc nâu đủ kiểu... Người nhà không nhận ra các bạn nữa! Sao mà thay hình đổi dạng, biến đổi dung nhan nhanh thế!?

Nhiều phụ nữ đi sửa sắc đẹp, vào thẩm mỹ viện, bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư vào việc này, mong có một hình dáng, khuôn mặt đẹp ưng ý. Thế mà có người tử vong. Đúng là tiền mất tật mang.

Chúng ta muốn sửa sang sắc đẹp cho dễ coi là tốt nhưng làm sao 'đẹp người đẹp nết' vì 'cái nết đánh chết cái đẹp' mà. Chúng ta thích chiêm ngắm vẻ đẹp nơi thiên nhiên, con người. Vì thế, người ta bỏ bao nhiêu tiền đầu tư cho thời trang, sắc đẹp.

Tin Mừng Lc 9,28b-36 thuật lại việc Chúa Giêsu 'trình diễn thời trang' ở trên núi Tabo: dung nhan Người bỗng đổi khác, y phục trắng tinh chói loà (không thợ giặt trần gian nào có thể giặt trắng được như vậy). Có 5 vị khán giả được xem thấy, đó là ông Môsê, Êlia, Phêrô, Giacôbê và Gioan. Phêrô ngất ngây trước vinh quang lạ lùng ấy, liền thốt lên: “Lạy Thầy, nếu được ở đây thì tốt lắm”. Chưa bao giờ thấy con người Chúa Giêsu đẹp đẽ, sáng láng như vậy.

Thời Cựu ước xưa, Thiên Chúa đã hiện ra trên núi, ông Môsê nhìn thấy ánh sáng rực rỡ, chói loà phải dùng khăn che mặt vì sợ quá (x. Xh 34,28). Nay Chúa Giêsu biến hình trên núi, có ông Môsê và Êlia xuất hiện đàm đạo với Người. Hai nhân vật lớn thời cựu ước: Môsê đại diện cho các nhà luật pháp, Êlia đại diện cho các ngôn sứ đứng hai bên Chúa Giêsu. Nhưng tiếng Chúa Cha lại giới thiệu về Chúa Giêsu: "Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy vâng nghe Lời Người". Không thấy nói chi về lời nói, tư tưởng của hai nhân vật kia, dù là hai nhân vật rất lớn, rất quan trọng, rất có ảnh hưởng về đời sống tôn giáo, chính trị và văn hoá. Qua đó, Thiên Chúa Cha muốn khẳng định với hai người đại diện thời Cựu ước và ba môn đệ Phêrô, Gioan, Giacôbê đại diện thời Tân ước cũng như tất cả chúng ta hôm nay về vai trò tuyệt đối quan trọng của Chúa Giêsu Kitô vượt trên tất cả mọi người trần thế của mọi thời đại. Lời của Chúa Giêsu quan trọng hơn tất cả mọi lời dạy bảo của người trần thế, vì là 'lời ban sự sống đời đời'.

Vậy nếu thời nay, Chúa Giêsu biến hình đứng bên cạnh những vị sáng lập các tôn giáo khác như Đức Phật, Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử,... hay các vị nguyên thủ quốc gia khác thì Chúa Cha cũng bảo chúng ta hãy nghe lời Chúa Giêsu. Ai muốn làm môn đệ, đi theo, tin theo Chúa thì phải nghe lời Chúa dạy. Nhờ vậy, chúng ta được biến đổi, biến hình không chỉ bề ngoài mà biến đổi tâm hồn để trở thành con người mới. Thánh Phaolô đã nói: "Đức Giêsu Kitô sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta, nên giống thân xác vinh hiển của Người" (Pl 3,17).

Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha. Các thánh là những người biết vâng nghe lời Chúa. Lịch sử Giáo hội đã ghi nhận nhiều cuộc biến đổi từ tội nhân thành thánh nhân, từ say rượu thành say Chúa, từ kẻ phá đạo giết người thành kẻ truyền đạo và rao giảng để cứu vớt người khác như Phaolô, từ gái điếm giang hồ thành chứng nhân tình yêu như Maria Mađalêna, từ tham lam gian lận tiền của thành người sống công bằng bác ái như ông Giakêu,... và sẽ vẫn còn tiếp tục trong giáo hội, giáo xứ, các cộng đoàn nếu người ta biết vâng nghe lời Chúa thì sẽ được biến đổi, thay hình đổi dạng.

Cuộc đời của chúng ta là một cuộc thay đổi không ngừng, ngay cả khi chết cũng là một cuộc thay đổi từ tình trạng này sang tình trạng khác. Mùa Chay là mùa giúp chúng ta được thay đổi sâu xa tận gốc rễ con người mình bằng cách ăn chay, cầu nguyện, sống bác ái. Vì tội lỗi làm cho con người ta cũ kỹ, xấu xa. Nó bao phủ chúng ta bằng một lớp bụi mờ, khiến mình không nhận ra mình nữa. Xưng thú tội lỗi là một phương pháp lột bỏ lớp vỏ xấu xa ấy đi. Nếu về phương diện tự nhiên, người ta tới thẩm mỹ viện lột da, sửa mặt mũi,... gọi là 'tân trang' sắc đẹp, thì về phương diện siêu nhiên, chúng ta cũng có 'thẩm mỹ viện' của Chúa Thánh Thần với nỗ lực kiên trì, khổ luyện của mỗi người vì phải trải qua thập giá mới tới được vinh quang.

Con người của chúng ta có thể bị méo mó, tầm thường vì lối sống ích kỷ, tội lỗi, đam mê làm mất phẩm giá, tư cách làm con Chúa. Chúng ta cần phải gặp Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian để được Chúa biến đổi nên giống Ngài; 'nhờ ánh sáng của Ngài chúng con mới nhìn thấy ánh sáng' (Tv 35,10); 'Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ gì ai?' (Tv 26).

Hằng ngày, Chúa vẫn ban đủ ơn để giúp chúng ta được biến đổi, như cầu nguyện, hy sinh, lãnh nhận các bí tích,... Chính những lúc ấy, ơn Chúa ban để ta tiếp tục cuộc sống thực tế trần gian còn đầy gian nan thử thách. Đạo Công giáo không phải là nơi để chúng ta chỉ tìm sự an ủi trong nhà thờ, trong kinh nguyện để rồi lơ là bổn phận ở nhà, với anh chị em; vì tôn giáo không phải là 'thuốc phiện ru ngủ quần chúng' như có người nhận định.

Chúng ta cũng không dừng chân ở cuộc sống mặt đất, nhưng xây dựng con đường lên trời ngay từ mặt đất này một cách tích cực phù hợp với Lời Chúa dạy. Trong mỗi Thánh lễ, trên bàn thờ, chúng ta cũng được hạnh phúc chiêm ngưỡng và tôn thờ việc Chúa biến hình: từ hình bánh rượu trở thành Thịt Máu Chúa. Nhưng rồi Chúa cũng không bắt chúng ta ở mãi trong nhà thờ để chiêm ngưỡng, cầu nguyện, ca tụng Chúa mà phải trở về nhà, trở về cuộc sống hằng ngày để đối diện với những thử thách, gánh nặng của bổn phận: ông bà, cha mẹ, con cái, thầy cô, học trò... phải làm. Vì ý muốn của Chúa là chúng ta phải nên thánh trong bậc sống, hoàn cảnh, địa vị, bổn phận của mỗi người. Việc nên thánh ấy chỉ thực sự có giá trị khi chúng ta biết kết hợp với những đau khổ trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Chúng ta đừng bỏ quên, đừng đánh mất cơ hội tốt đẹp của Mùa Chay thánh này.

Người Kitô hữu không chỉ chọn kiểu làm vinh danh Chúa bằng việc kinh lễ, rước sách, hay những tổ chức rầm rộ bề ngoài là đủ mà bỏ quên ích lợi của tha nhân, bỏ quên cuộc sống công bằng xã hội. Ngược lại, chúng ta càng bỏ quên chính mình đi bằng cách diệt trừ lối sống ích kỷ, hẹp hòi thì càng làm vinh danh Chúa. Càng giũ bỏ tội lỗi, càng gột rửa tâm hồn trong sáng thì càng dễ nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa trong cuộc đời. Mối phúc thứ sáu trong Tám Mối Phúc Chúa nói: "Ai có tâm hồn trong sạch, họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa" (Mt 5,8).

Lối sống của chúng ta hôm nay có giúp mình nhìn thấy dung nhan đẹp đẽ của Thiên Chúa hay là làm lu mờ dung nhan Ngài? Cuộc sống của chúng ta có diễn tả được cuộc biến hình của Chúa để người khác chiêm ngưỡng cảm thấy thán phục, ngất ngây say đắm không? Đấy là trách nhiệm Chúa gửi trao mỗi người sau khi đã gặp Chúa biến hình trong thánh lễ hãy về giới thiệu và trình bày cho người khác biết để họ cũng tôn thờ, ca ngợi Thiên Chúa để tất cả đều được hạnh phúc, được ơn cứu độ.
 

Tác giả bài viết: Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây