Giáo xứ Vinh Hương

Đức khiêm nhường - Audio

Thứ sáu - 25/10/2013 18:05
Đức khiêm nhường
Lc 18,9-14

Bài viết: Hữu Chánh
Thể hiện: Minh Quân

/
1. Khiêm nhường là sự thật. Chân lý căn bản đầu tiên mà chúng ta phải ghi nhớ là: Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và chúng ta là Loài Thụ Tạo. Ngài là Đấng thượng trí trên hết mọi loài. Sự thật này cần được thể hiện qua mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta cũng là con cái thật của Thiên Chúa, được tạo dựng nên theo hình ảnh Ngài. "Lời Chúa vẫn không ngừng đem lại giá trị và sự cần thiết của đức khiêm nhường. Đây là một bài học rất quan trọng, phải học biết nếu chúng ta muốn thực sự bước đi trên đường chân lý. Thật vậy, khiêm tốn là sự thật. Chân lý căn bản đầu tiên là tính siêu việt tuyệt đối của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, được thể hiện trong sự tốt lành vô hạn của Đức Kitô, Đấng Cứu Thế: đó là sự thật tối thượng và quyết định. Đứng trước thực tại đó, con người cảm thấy vui mừng như con cái và tự hạ như một thụ tạo nhỏ bé chẳng có gì để tự hào" (Gioan Phaolô II).
2. Khiêm nhường đòi hỏi lòng bác ái. Tự nhiên chúng ta thường có xu hướng xét đoán tha nhân và tự so sánh với họ. Chúng ta quên rằng trong mắt Chúa, ai được nhận nhiều sẽ phải đáp trả nhiều hơn. Thường rất dễ bị rơi vào sự cám dỗ so sánh với "phần còn lại của nhân loại". Chúng ta có thể là những người tốt lành và thánh thiện một cách khách quan, chúng ta trung thành theo Mười Điều Răn và có một đời sống hy sinh cầu nguyện nghiêm ngặt. Nhưng phải nhớ rằng, vì là người Công giáo, chúng ta đã nhận được rất nhiều, nhiều hơn so với "phần còn lại của nhân loại". Vì vậy, Thiên Chúa đòi hỏi ta nhiều hơn, đặc biệt là mức độ yêu thương trong các việc chúng ta làm. "Tôi luôn luôn cảnh giác với một thứ Kitô giáo chỉ chú trọng nhiều đến việc từ thiện mà bỏ quên tình bác ái đối với tha nhân. Tất cả như một thứ nhân đức nhằm thực thi luật lệ tôn giáo một cách hoàn hảo, và đánh bại hoàn toàn thanh danh người khác bằng lời chỉ trích, nói xấu hay vu khống. Ở đâu có bác ái và tình yêu, ở đó có Thiên Chúa. Ở đâu không có bác ái, ở đó Thiên Chúa không thể hiện diện và không thể có Kitô giáo đích thực" (Lm Marcial Maciel, cuộc sống của tôi là Đức Kitô, số 66).
3. Khiêm nhường là nền tảng của cầu nguyện. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa hay cầu xin những điều tốt đẹp với Ngài. Chúng ta cầu nguyện với thái độ từ "đỉnh cao" của tính ngạo mạn và ý riêng mình, hay tận "đáy sâu" của tấm lòng khiêm hạ ăn năn? Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Khiêm tốn là nền tảng của cầu nguyện. Khiêm tốn là tâm trạng sẵn sàng đón nhận ân sủng từ lời cầu nguyện: "Con người là kẻ hành khất của Thiên Chúa" (GLCG, số 2559). Nếu không có sự tuôn đổ liên tục và dồi dào ân sủng Chúa, chúng ta không thể tiếp cận đức khiêm nhường và các nhân đức khác. Không nên đánh giá thấp những hồng ân này: Thiên Chúa tuôn đổ ân sủng nhiều hơn chúng ta cầu xin. Chúng ta là những người ăn xin trước mặt Chúa, là những kẻ hành khất có nhu cầu tuyệt vọng về lương thực tâm linh và không thể sống đời sống Kitô hữu nếu không có ân sủng. Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và chúng ta là loài thụ tạo. Ngài là Chúa và là Vua, chúng ta là thần dân Ngài. Thái độ khiêm hạ và vâng phục phải luôn luôn chiếm ưu thế trong lời cầu nguyện, bởi lẽ Thiên Chúa chỉ chuẩn nhận những tấm lòng khiêm cung.
Lạy Chúa Giêsu Kitô.
Xin dạy con biết sống khiêm nhường.
Xin dạy con biết nhận ra rằng Chúa là nhạc công và con chỉ là nhạc cụ của tình yêu và ân sủng Ngài.
Xin dạy con biết can đảm hy sinh để sống đời phục vụ quảng đại và vị tha.
 
Hữu Chánh - Theo "Deux hommes montèrent au Temple ..." (viechretienne.catholique.org)
 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây