Giáo xứ Vinh Hương

Chuyện nghe nhạc xuân giữa các thế hệ

Thứ sáu - 02/02/2024 20:24
Chuyện nghe nhạc xuân giữa các thế hệ

Giữa không gian vội vã của những ngày cuối năm lại vang lên các ca khúc Xuân với đủ giai điệu, làm cho phố phường thêm nhộn nhịp, lòng người lại càng rộn ràng háo hức chào đón Xuân.

Nếu như Tết xưa nhà nhà có tràng pháo giấy treo trước cửa để đốt, thì Tết ngày nay, pháo hoa được thay thế trong đêm giao thừa. Ngày xưa cả gia đình quây quần cùng gói bánh chưng bên nhau, vào những ngày cận Tết thì chen chúc ra chợ mua về chậu hoa cúc, cành mai, cành đào… để chưng thì nay nhiều gia đình chọn cách mua bánh chưng, bánh tét làm sẵn ngoài hàng hay đặt hàng trên mạng để tiết kiệm thời gian… Cũng như vậy, dù là nhạc Xuân xưa hay nhạc Xuân nay, có lẽ mỗi giai điệu đều mang một vẻ đẹp riêng, một ý nghĩa của nó tùy theo cảm thức âm nhạc của từng thế hệ và cá nhân. Có thể nói tất cả đều là những gạch nối không thể thiếu giữa Tết xưa và nay.

Những bài nhạc Xuân xưa nổi tiếng như “Đón Xuân này nhớ Xuân xưa”, “Mừng tuổi mẹ”, “Cánh thiệp đầu Xuân”… thường mang một nỗi hoài niệm, đưa người nghe về với những ký ức đẹp của một thời tuổi trẻ đã qua. Cũng có khi, các thế hệ trong gia đình gặp nhau ở điểm chung khi cùng thích một, hai bài hát nào đó vì cùng trong “nỗi hoài niệm”, tỷ như khi đang dọn nhà chuẩn bị Tết, cô cháu gái 8X nghe ông ngoại mở bài “Đón Xuân này nhớ Xuân xưa”, cô cũng thấy thích vì những ký ức thời còn bé lại hiện lên trong tâm trí. Cô nhớ về một đêm giao thừa vui vẻ cùng đám bạn bè trong xóm rủ nhau chạy ra đầu ngõ xem bắn pháo hoa. Tiếng pháo đêm giao thừa rộn rã từng khiến cô bé năm xưa cảm thấy ấm áp và hạnh phúc.

Những bài nhạc Xuân xưa thường có tiết tấu nhẹ nhàng, mang lại người nghe một cảm giác êm ái lắng đọng, đem họ về với những ký ức mùa Xuân thật đẹp. Còn mùa Xuân trong giai điệu hôm nay lại có nét đẹp riêng, mang một niềm háo hức của tuổi trẻ và sức sống nồng nhiệt mới. Có bạn trẻ cho rằng khi nghe dòng nhạc này, cảm thấy một sức sống dậy lên, trong lòng quên đi những nỗi muộn phiền mệt nhọc của công việc hằng ngày, thế là Xuân đã về. Ví dụ gần đây, những giai điệu của bài “Dấu chân đầu tiên” do Bùi Công Nam sáng tác và thể hiện, như thôi thúc “bao nhiêu lâu rồi ta chưa về nhà! Và bao nhiêu lâu rồi ta chưa về nhà, bao nhiêu lâu buôn ba Nam Bắc sương gió đi qua cả Đông Tây, tình yêu gắn bó cũng như ý chí chưa bao giờ lung lay, gia đình cũng như kỷ niệm vẫn luôn chắc bền”, khiến không ít người lao động trẻ nhập cư cũng đang trong tâm thế nôn nao mong trở về nhà những ngày cận Tết.

Dù cuộc sống có khó khăn hay bất an trong việc mưu sinh thì gia đình vẫn là nơi nương tựa vững chắc về tinh thần. Nét đẹp của người Việt Nam là dù xa xôi đến mấy thì Tết Nguyên Đán là dịp để mọi người trở về nhà, vì thế câu hát cũng đi vào lòng người: “Dù nơi đâu, dù là bao lâu, nhà là nơi tình yêu bất biến, bàn chân đi khắp mọi miền, nhà là nơi in dấu chân ta đầu tiên”. Phần lớn nhạc Xuân trẻ mang nhịp điệu sôi động đi kèm với đọc Rap tạo cho người nghe một cảm giác vừa dồn dập thôi thúc, nhưng cũng có ngập ngừng nhẹ nhàng như tuổi trẻ sôi động giữa cuộc sống…


Những người lớn tuổi đều cho rằng Tết xưa vui hơn Tết bây giờ, có lẽ không đúng mà cũng không sai. Khi trưởng thành thì con người bị bận tâm bởi nhiều thứ, trách nhiệm cuộc sống đè nặng khiến cái Tết không còn an nhiên nữa. Còn đám trẻ thì cho rằng Tết là vui, bởi lẽ thật đơn giản, khi họ chẳng phải lo lắng gì cả, được đi chơi và có tiền lì xì nữa.

Vì vậy mà có lẽ những người lớn tuổi thường thích những giai điệu Xuân nhẹ nhàng du dương, như đưa họ trở về với những ký ức đẹp của một thời. Còn người trẻ thích những nhạc phẩm sôi động, đầy tràn năng lượng và sức sống như tuổi trẻ tương lai của họ đang hướng đến.

Tết xưa và Tết nay dù có nhiều thay đổi nhưng giá trị về gia đình, tình yêu thương và sự gắn kết vẫn luôn đọng lại trong trái tim mỗi người.

Thùy Vân

Nguồn tin: www.cgvdt.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây