Giáo xứ Vinh Hương

Gắn “mác”

Thứ hai - 27/11/2023 19:40
Gắn “mác”


Trong đời sống thường ngày, chúng ta biết hàng hóa một khi được sản xuất và phân phối đến tay người tiêu dùng đều phải có nhãn mác đàng hoàng. Mỗi sản phẩm mang trong mình những thông tin về nguồn gốc xuất xứ, thành phần và những công dụng riêng biệt. Có những thương hiệu đã trở nên phổ biến và được nhiều người tin dùng, trong khi số khác lại không đạt được điều đó. Khi nhắc tới đồ Trung Quốc, nhiều người tiêu dùng Việt Nam tỏ ra quan ngại. Đó là vì nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc là hàng nhái, hàng kém chất lượng. Hay khi nhắc tới đồ Nhật, đồ Mỹ chúng ta lại tấm tắc khen ngợi cho cái “high quality,” cái đẳng cấp của chúng. Điều này cũng dễ hiểu thôi vì thực trạng hàng hóa trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, không phải tất cả các mặt hàng của Trung Quốc đều là đồ nhái, đồ kém chất lượng. Đừng quy chụp quan niệm trên cho toàn thể chỉ vì một số trường hợp như trên.

Immanuel Kant từng khẳng định: “Hãy hành động theo cách mà bạn đối xử với con người, dù là nơi chính con người bạn hay nơi người khác, luôn luôn đồng thời như là một mục đích tự tại, chứ không bao giờ chỉ như là phương tiện.” Mỗi người đều có phẩm giá cao quý cần được tôn trọng. Tình hình sẽ như thế nào nếu chúng ta chỉ xem người khác như phương tiện để đạt mục đích cho chính mình hay chỉ như một đối tượng cho những quan niệm của cá nhân mình? Trên thực tế, chúng ta vẫn thường bị cám dỗ áp đặt cái nhìn của mình cho người khác. Chúng ta hay phản ứng khi người khác không làm việc gì đó theo ý của mình. Chúng ta thường dễ dàng gắn mác cho người khác bằng những quan điểm tiêu cực. Hễ nhắc tới một tội nhân, chúng ta tiền quy chụp cho họ những ánh nhìn kì thị. Chúng ta chỉ thấy nơi người ấy điều tội lỗi đã phạm. Từ đó, chúng ta thường xa lánh và không muốn bản thân mình phải liên lụy. Đúng là tội nhân đã từng có một quá khứ không mấy tốt đẹp. Nhưng chẳng lẽ những người thật lòng ăn năn và mong muốn làm lại cuộc đời lại không đáng để được trao cho một cơ hội hay sao? Chẳng lẽ nơi hành vi phạm tội ấy đã tỏ lộ hết con người của người ấy chăng? Bên cạnh đó, nhiều người thường nhìn vào hoàn cảnh gia đình của người khác rồi tự đóng khung những người trong gia đình ấy. “Vì nhà họ nghèo nên nhân cách cũng chẳng tốt mấy, hay nhà họ giàu nên họ không làm điều xấu đâu.” Thực tế cho thấy những trường hợp ngược lại khi mà những người nghèo lại tốt lành hơn những người giàu chuyên gian lận và tham lam. Qua đó, chúng ta “đừng trông mặt mà bắt hình dong.” Con người không đơn thuần chỉ là những hành vi mà họ làm. Con người còn hơn thế nữa!

Từ đó, chúng ta thấy rằng con người rất dễ bị cuốn vào những thành kiến. Người khác hiện ra trước mắt chúng ta bằng những “nhãn mác” mà chính chúng ta gắn cho họ. Chúng ta đánh giá người khác qua tư kiến của mình. Chúng ta tự cho mình là những thẩm phán “công minh.” Liệu chúng ta có thực sự hiểu hết người đối diện mình hay không? Quả thực, mỗi người là một mầu nhiệm. Con người không đơn thuần chỉ là đối tượng nghiên cứu của các ngành khoa học. Cho đến nay vẫn còn nhiều điều bí ẩn về con người mà khoa học chưa khám phá ra. Con người luôn đặc biệt và đáng để tìm hiểu. Con người là mầu nhiệm để sống và cảm nghiệm. Qua tương tác với người khác, con người mở ra cho các tương quan. Cùng lúc đó, con người dần tỏ lộ chính mình. Mỗi người không thể chỉ khép lại nơi chính mình nhưng luôn mở ra để đón nhận người khác, để cảm thông, sẻ chia cũng như giúp đỡ lẫn nhau. Chính vì vậy, khi bị gắn mác, mầu nhiệm con người bị đóng khung và dần trở nên “xơ cứng.” Con người chỉ còn là những đặc tính được người khác gán ghép cho qua vẻ bề ngoài. Khi đó, con người trở nên đối tượng cho người khác thay vì là chủ thể đang hiện hữu kề cần. Hiện hữu ấy mất đi tính sinh động và cởi mở của mình. Có một bức tường ngắn cách con người với nhau, đó là thành kiến. Mỗi khi như vậy, người đối diện với chúng ta chỉ còn là điều mà chúng ta nghĩ về họ. Họ không còn là mục đích tự tại nữa, nhưng chỉ là đối tượng và phương tiện cho những công kích của chúng ta mà thôi.

Dù gì chúng ta cũng nên nhớ rằng con người luôn trong tiến trình thay đổi và hoàn thiện mình. Dù rằng chúng ta đã có những trải nghiệm không mấy tốt đẹp về người khác, nhưng đâu đó vẫn có những sự thay đổi làm chúng ta ngạc nhiên. Vì con người luôn có khả năng mở ra và lắng nghe, nên con người luôn có khả thể đón nhận những góp ý và biến đổi bản thân mình. Cho nên, chúng ta không nên giữ mãi một cái nhìn phiến diện về người khác. Có thể lúc này họ còn những điều chưa tốt, nhưng biết đâu sau này điều kỳ diệu có thể diễn ra. Hãy quan sát và mở ra cho sự biến đổi, dù là nhỏ nhặt nhất. “Phép lạ” luôn hiện hữu trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Đó là hình ảnh của một người con hoang đàng trở về, của một tội nhân ăn năn hối lỗi để làm lại cuộc đời, của một mối quan hệ được hàn gắn, hay của một sự tha thứ thực sự, v.v. Trước hết, hãy đón nhận người khác như chính họ là. Kế đến, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu được lý do cho hành động của họ. Từ đó, hãy dùng tình thương và sự cảm thông mà đối xử với nhau. Tình thương có sức biến đổi đặc biệt không chỉ người đối diện mà còn cho cả chúng ta nữa bởi vì con người sống là để thương nhau mà. Nơi tình thương, trái tim cận kề trái tim. Con người tìm thấy tiếng nói chung, đó tiếng nói của những tâm hồn cần đến nhau. Khi tiếng nói ấy cất lên, lý trí đành rút lui để con tim hành động. Những khi như vậy, hàng rào ngăn cách người với người được xóa bỏ. Và chúng ta thấu hiểu nhau hơn.

Chính vì vậy, chúng ta hãy luôn giữ cho mình sự ngạc nhiên về con người như chính nỗi ngạc nhiên mà chúng ta có được khi chiêm ngắm vũ trụ bao la. Còn biết bao điều bí ẩn về con người mà chúng ta cần cả đời để tìm hiểu. Nếu chúng ta gắn mác hay có thành kiến gì về người khác thì mọi bí ẩn của cuộc hiện hữu đều bị “đông cứng.” Mọi sự đều bị đơn giản hóa tối đa, và chỉ còn là thành kiến đó mà thôi. Thật nguy hiểm khi chỉ nhìn một người bằng con mắt phê phán và phiến diện. Thay vì vậy, chúng ta nên cố gắng gắn cho người khác những “cái mác” tích cực, là những điều tốt đẹp mà mình nhìn thấy nơi họ. Việc chuyển đổi được cái nhìn sang hướng tốt đẹp hơn cũng là cơ hội cho chúng ta tiến gần đến hiểu người khác hơn. Chúng là cánh cửa dẫn vào mầu nhiệm. Nơi hai mầu nhiệm gặp nhau sẽ là nơi mà chúng ta có thể gọi là “thiên đàng.” “Thiên đàng” ấy có thể đơn giản chỉ là những khoảnh khắc con người cùng chia sẻ vẻ đẹp của hiện hữu cùng nhau, là những tình cảm dành cho nhau hay là những sự giúp đỡ từ đồng loại của mình. Ai cũng muốn mình hạnh phúc thì tại sao lại còn làm khổ nhau. Hãy bỏ đi những “cái mác” tiêu cực và hãy cho nhau cơ hội để sống là “người” hơn.

Philip

Nguồn tin: www.dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây