SINH TRÁI TỐT
Sách Huấn Ca (27, 1-7) đưa ra một hình ảnh rất gợi cảm: “Khi người ta sàng, những rác rến còn lại thế nào, thì nết xấu của một người cũng xuất hiện trong lời nói kẻ ấy như vậy. Đừng ca tụng người nào trước khi nghe người ấy nói, vì lời nói là sự thử thách của con người. Cứ xem quả thì biết cây”. Chúa Giê su cũng nhấn mạnh: Cứ xem quả thì biết cây, cứ nhìn hành động của một người thì biết tâm hồn và con người thật của người đó.
Ngày xưa hình ảnh của một người mẹ sống ở nông thôn gắn liền với thúng, mẹt, sàng, nia, gióng, và đòn gánh… và sàng sảy là một nghệ thuật của sự kiên nhẫn, khéo léo của đôi bàn tay, đong đầy tình thương của sự tảo tần lo vun quén cho gia đình. Ngày nay, những vất vả làm lụng đó được thay thế bằng các máy móc vừa hiệu quả kinh tế lại vừa nhanh gọn, nhưng ít là hình ảnh sàng sảy còn lưu lại trong tâm trí nhiều người và nơi chữ viết. Khi người ta sàng, vật nặng sẽ lắng đọng xuống dưới và những rác rến nhẹ hơn sẽ nổi lên trên – rất dễ để bị loại bỏ; cũng thế lời nói của con người sẽ bộc lộ tâm hồn của một người: khiêm nhường hay kiêu ngạo, ích kỷ hoặc quảng đại, thô tục, tế nhị, thiên về tinh thần hoặc vật chất…
Sách Huấn Ca không hẳn là chỉ cho chúng ta một bài học làm người là phải cẩn ngôn và giữ gìn miệng lưỡi, mà đúng hơn dạy ta biết xem xét lời nói của chính mình như cách thế để nhận biết tâm hồn mình, để trở về với nội tâm. Biết mình là một điều khó. Thứ nhất là ai trong chúng ta cũng mắc bệnh chủ quan: cái xà trong mắt mình thì không thấy mà lại thấy cái rác nhỏ xíu trong mắt anh em. Thứ hai, người khác lại thường tung hỏa mù bằng những lời nịnh hót làm ta khó nhận ra sự nghèo nàn đáng thương của đời mình. Thứ ba là chúng ta thường lẩn tránh trở về căn nhà nội tâm bằng những bận rộn trong công việc và những hoạt động, những bữa tiệc và giải trí, du lịch và tán gẫu…
Sau một cuộc gặp gỡ với bạn bè và từ nơi công cộng trở về, hãy nghĩ lại xem những chuyện mình và các bạn đã nói… ta sẽ rút ra được nhiều hiểu biết, nhận ra sức khỏe tinh thần của nhau và nhận ra những điều không nên nói – vì nó vô ích, trống rỗng và không phù hợp với người Ki tô hữu. Sau một ngày sống, hãy xét mình về lời nói: chính lời nói sẽ tác động đến bầu khí gia đình và tập thể. Sách tu đức dạy rằng: khi không cần thiết thì đừng nói, kẻ nói nhiều cho dù là nói những điều tốt thì cũng là người trống rỗng. Ngày nay, người ta quá bận rộn với Iphone và truyền hình, đến nỗi không đủ kiên nhẫn để nghe nhau và hiểu nhau, bởi đó muốn trao đổi gì thì nói nhanh và nói vào trọng tâm, thật khó để giải tỏa tâm lý vì không có người lắng nghe. Vì lòng bác ái, hãy tập kiên nhẫn nghe ai đó thổ lộ tâm tình, nhất là người già và người bệnh: Chúa sẽ thương xót kẻ biết xót thương.
Bài đọc 2 (1 Cor 15, 54-58), Thánh Phao lô khuyên chúng ta: “Anh em hãy ăn ở bền đỗ và đừng nao núng; hãy luôn luôn thăng tiến trong công trình của Chúa. Hãy biết rằng công lao khó nhọc của anh em không phải là uổng phí trong Chúa”. Năm Thánh 2025 có chủ đề "Những Người Lữ Hành Hy Vọng", với lời mời gọi sống đức tin cách sâu sắc và vững vàng. Hành trình đức tin không tránh khỏi những khó khăn và thử thách, nhưng với niềm hy vọng đặt nơi Đức Kitô, chúng ta được mời gọi bước đi trong tin tưởng và bình an. Thánh Thể chính là nguồn sức mạnh và niềm an ủi trên cuộc hành trình này, giúp chúng ta hướng đến sự sống đời đời. Hãy cùng nhau sống tinh thần lữ hành hy vọng, trở thành ánh sáng thế gian, và dẫn đưa những người khác đến gần Thiên Chúa hơn.
Chúa mời gọi ta: mỗi ngày sống hãy tiến bước trên đường lành, hãy thăng tiến trong công trình của Chúa, cụ thể là nỗ lực trở nên một tạo vật mới. Đừng chôn vùi tài năng Chúa ban, đừng chờ cơ hội để làm việc lớn – tốt hơn hãy cộng tác trong những việc phù hợp với khả năng của mình để xây dựng Giáo xứ và góp phần vào công cuộc truyền giáo. Hãy làm mọi việc vì lòng mến Chúa, đừng làm vì người đời – làm để tạo tiếng vang. Chúa thấu suốt tâm can ta từng gang tấc và Người sẽ trả công cho mỗi người xứng đáng việc họ làm.