TIẾNG GỌI
Cả 3 bài đọc được sử dụng trong Chúa nhật 5 TN C đều nói đến tiếng Chúa mời gọi con người thi hành một sứ mệnh mà Chúa giao phó: tiên tri Isai–a, Sao-lô, và 4 môn đệ đầu tiên. Điểm chung của những ơn gọi này là: người được gọi ý thức sự bất xứng và ô uế của mình, Thiên Chúa thực hiện một dấu lạ và người được gọi ý thức rằng họ được gọi là nhờ ơn Thiên Chúa.
Chúng ta dừng lại kỹ hơn ở bài Tin Mừng Lc 5,1-11 để chiêm ngắm vẻ đẹp của ơn gọi của những môn đệ tiên khởi để rồi khám phá ra ơn gọi Chúa vẫn đang mời gọi từng người trong cuộc sống hôm nay. Điều đầu tiên cần khám phá là những người được Chúa gọi hôm nay đã có ước vọng đạo đức, vài người trong họ đã từng là môn đệ ông Gioan, đã từng tiếp xúc với Chúa Giê su, đã mong chờ và chuẩn bị cách tích cực cho Đấng Cứu Thế đến. Điều thứ hai cần ghi nhớ là Chúa làm phép lạ mẻ cá lạ lùng là để giúp họ nhận ra quyền phép của Thầy Giê su, từ đó nhận ra sự bất xứng của mình. Phép lạ còn giúp họ can đảm rũ bỏ những quyến luyến của quá khứ - lên đường cho sứ mạng mới. Điều thứ 3 thường không được nhắc đến nhưng lại đáng chúng ta suy nghĩ là cái giá của sự từ bỏ: các môn đệ tiên khởi có nghề nghiệp và gia đình riêng của mình, bỏ đâu có dễ và tương lai theo Thầy thì còn mơ hồ lắm, vậy mà họ bỏ lưới bỏ thuyền để đáp lại tiếng Chúa gọi… đó là một sự mạo hiểm, là đức tin.
SGLHTCG (150, 1814) dạy rằng: “Đức tin là ơn Thiên Chúa ban, giúp chúng ta tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và mau mắn đón nhận tất cả những chân lý Thiên Chúa đã mạc khải và Hội Thánh dạy phải tin”. Nói đến đức tin, người ta thường nhắc đến ông Abraham và Đức Maria, các vị đáp lại tiếng gọi của Chúa, ra đi mà không biết trước con đường mình sẽ đi. Tiếng Chúa gọi thường không rõ ràng như khi Chúa nói với 4 môn đệ đầu tiên: “Hãy theo Ta”. Khi có những tiếng mời gọi bước vào đường tu trì, có những người vẫn xin Chúa một vài dấu chỉ, và Chúa thường chiều lòng người – tựa như mẻ cá lạ xảy ra trong Tin Mừng Lc hôm nay.
Tiếng Chúa gọi mời ta theo Ngài không chỉ xảy ra 1 vài lần trong đời, mà là từng ngày sống của mỗi người, có điều là nhiều khi ta không nhận ra và đôi khi nhầm lẫn hoặc bị tiếng gọi khác lấn át mất. Tiếng Chúa mời gọi ta tiến lên trên con đường trọn lành, chống lại sự tầm thường và một cuộc đời trống rỗng. Người ta thường kể cho nhau nghe và lưu truyền những cuộc đổi đời nổi tiếng như Phaolo, Augustino, Phanxico Assidi, I-nha-xio… nhưng đừng quên rằng chung quanh chúng ta có rất nhiều chứng nhân đức tin, vẫn miệt mài phục vụ Giáo hội trong khiêm tốn – kiên trì – tin yêu Giê su. Tiếng Chúa được thể hiện cụ thể nhất trong những bổn phận hằng ngày: bổn phận trong gia đình, bổn phận của một người giáo dân và bổn phận phục vụ giáo xứ trong các tập thể mà mình đã đảm nhận. Ơn gọi nào cũng có những giá của nó, đó là những từ bỏ để kiên trì với bổn phận. Người ta thường nhắc đến những lời thề hứa long trọng như nghi thức nhậm chức của HĐGX, lời thề hứa hôn phối … nhưng khi mình tự nguyện tham gia một sinh hoạt nào đó như ca đoàn, ban lễ sinh, ban điều hành hội Gia trưởng và Hiền mẫu… thì chính mình đã tự cam kết trung thành với kỷ luật, vâng lời, kiên trì, khiêm tốn phục vụ Chúa: tiếng Chúa được thể hiện rõ ràng trong việc bổn phận.
Chuyện kể rằng: có một bác tài xế taxi, sau khi hoàn thành cuốc xe chở một người phụ nữ về nhà, bác lại lên đường kiếm khách để mưu sinh, nhưng bác thấy ở ghế sau có một chiếc ví mà người khách vừa rồi đã bỏ quên. Bác liên lạc qua ĐT để hẹn bà kia đến góc phố để nhận lại ví. Khi người phụ nữ nhận lại ví, bà thấy mọi thứ vẫn còn đầy đủ thì muốn ngỏ ý trả cho bác tài một ít tiền, nhưng bác tài không cầm tiền mà chỉ hỏi xem cho biết có bao nhiêu tiền trong ví, sau đó bác lấy một cuốn sổ ra ghi chép. Người phụ nữ ngạc nhiên, bác cho biết: Tôi ghi vào sổ để biết cái giá phải trả cho sự thành thật.
Tám Mối Phúc Thật mà nhiều giáo xứ vẫn đọc trước Thánh lễ Chúa Nhật, mối phúc thứ tư: Phúc cho ai khao khát điều công chính vì họ sẽ được no thỏa. Nhiều vị thánh khao khát được trở nên giống Chúa Giê su trong một vài nhân đức nào đó, họ được đổi đời khi tiếp xúc với sách Tin Mừng, Gương Chúa Giê su và hạnh các thánh. Ngược lại, khi tâm trí chúng ta chứa đầy những sự dữ như ghen ghét, ganh tị, hình ảnh dâm ô và những câu chuyện băng hoại luân lý, chuyện vô bổ, chuyện chè chén say sưa và hưởng thụ… thì tâm hồn chúng ta sẽ bị kéo chùng xuống nghiêng về một cuộc đời trống rỗng và vô nghĩa. Chúa trách một cuộc sống ‘hâm hâm dở dở, không nóng không lạnh’, vì những người không nhận ra mình là người bất xứng và tội lỗi thì khó nhận được lòng thương xót của Chúa. Bạn và tôi, mỗi ngày sống, chúng ta lại bắt đầu cuộc hành trình chống lại sự tầm thường, kiên trì đáp lại tiếng mời gọi nên trọn lành của Thầy Giê su.