Giáo xứ Vinh Hương

Vườn Hồng

Thứ sáu - 05/08/2022 22:25
Vườn Hồng


Tuổi xế chiều, ngoại Hồng về nhà mẹ để được gần chị em và được chăm sóc tận tình hơn. Lý do chuyến gọi về lần này thì khéo và tránh, nhưng ngoại hiểu:

-“Về cho gần nhà hưu và sang nhà chờ phục sinh sát bên.”

Tưởng ngoại nói câu ấy với vẻ mặt buồn, nhưng ai ngờ ngoại lại tươi cười quá đỗi. Giọng cười sang sảng của ngoại vẫn như hồi nào còn trẻ, cười cả lúc được sai đi đến một vùng xa xôi để truyền giáo, cười cả khi được gọi về chốn đô thị tấp nập để lo cho mái ấm cô nhi, cười cả lúc tuổi già được gọi về nhà mẹ với sứ mạng rõ ràng: “phục vụ cộng đoàn nhà mẹ”.

Dù hơn tám mươi tuổi nhưng ngoại vẫn còn làm việc được, nên bề trên trao cho ngoại bồn cỏ, hàng hoa giấy ven đường. Sở dĩ dành vị trí ấy cho ngoại vì đó khuôn viên ngay trước sảnh nhà khách. Nơi đó luôn có một hoặc hai nữ tu trẻ túc trực nên có thể quan sát và lo lắng cho ngoại, nhất là khi thấy trời quá nắng hoặc lúc sức khỏe ngoại không ổn thì vội ngăn để ngoại nghỉ tay. Tính cách của ngoại là vậy, đã làm là không chịu nghỉ, nên chị em trong dòng ai cũng biết mà liệu cách chăm sóc tốt nhất cho ngoại. Bên cạnh đó, trao việc tưới hàng rào vì đường ống nước đã được lắp sẵn, ngoại chỉ cần mở van nước và kéo ống là có thể tưới cây và nhỏ ít cỏ. Trước đây khu vực này không có người phụ trách chính, mà việc ấy được trao cho các nữ tu trực nhà khách, nên khu vực mới được gọn gàng nhưng chưa bắt mắt. Tuy nhiên, từ lúc ngoại Hồng bắt tay vào việc chăm sóc thì hàng rào không chỉ tươm tất mà còn đẹp vì có hoa nở liên tục, bồn cỏ cũng không còn xuất hiện những cây cỏ dại nho nhỏ. Tuy hàng rào và bồn cỏ chỉ là một khoảnh nho nhỏ, nhưng ngoại Hồng chăm sóc hết mình và tận tình, hoàn thành công việc được giao cách vui vẻ và nghiêm túc.

Sáng nào cũng vậy, sau giờ nguyện kinh sáng, tham dự Thánh Lễ và dùng bữa sáng với chị em, ngoại thay chiếc áo dòng bằng bộ đồ lao động tối màu, đội chiếc nón rộng vành rồi bước ra vườn làm việc. Luôn khởi đầu với nụ cười trên môi, nên nữ tu nào đi ngang cũng thích chào ngoại.

-“Con chào ngoại! Hôm nay ngoại có khỏe không?”

Ngoại cười sảng khoái đáp lại:

-“Khỏe ru! Haha!  Chúc con ngày mới bình an! Shalom! Shalom!”

Chữ “Shalom” là câu nói trên cửa miệng của ngoại. Ngoại giải thích chữa “Shalom” có nghĩa là chúc bình an, nhưng cái bình an ấy khác xa với cái chữ “bình an” trong tiếng Việt, nó chất chứa cả con tim và tâm hồn người chúc và người nhận lời chúc trong đó. Nên ngoại nói tiếng chào “bình an” chưa đủ, mà phải “Shalom! Shalom!”. Có lần một nữ tu trẻ mới chưa biết nên thắc mắc:

-“Mà ngoại ơi! ‘Shalom’ là ‘bình an’ rồi mà!”

Ngoại phân trần:

-“Đúng rồi con! Nhưng Shalom đâu chỉ là bình an bên ngoài thể xác, mà bình an trong tâm hồn nữa. Hổng lẽ mỗi lần chúc chỉ chúc cái bên ngoài mà hổng chúc cái bình an sâu xa!”

Người nữ tu trẻ hiểu ý ngoại gật gù: “Ngoại giải thích cũng có lý quá chừng!” Rồi ngoại cười vui vẻ tiếp tục công việc chăm vườn của mình.

Chắc ngoại hay cười nên dù đã ở tuổi ngoài tám mươi mà tưởng chỉ ngoài sáu mươi. Tóc không bạc trắng mà vẫn còn nhiều tóc đen tự nhiên. Động tác vẫn nhanh nhẹn và khoan thai. Trông ngoại từ xa thật hiền từ và trẻ trung. Sáng sáng chiều chiều ngoại Hồng lại ra vườn, khi thì nhổ cỏ, lúc thì tỉa cây, lúc thì tưới nước. Giờ giấc cứ như niêm, tới giờ có chuông hiệu thì ngoại thay tu phục đi nguyện kinh và tham dự giờ chung với chị em. Chắc nhờ lời kinh và bàn tay thánh thiện của ngoại mà vườn cây là điểm hút đầu tiên cho những vị khách đến thăm dòng. Ai hỏi thì các nữ tu đều chỉ vào ngoại đang chăm vườn mà nói “Vườn cây của ngoại Rosa đó!”

Có lần một đứa bé – cháu của một nữ tu trong dòng – đến thăm người dì cùng với cha mẹ của bé thắc mắc: “Rosa là gì vậy dì?”

Người dì giải thích:

-“Là hoa hồng đó con!”

Rồi người dì dẫn bé và cha mẹ của bé ra chào ngoại, dì bảo bé: “Khoanh tay chào ngoại Rosa đi con!”

Bé nhanh nhảu hô:

-“Con chào bà hoa hồng!”

Ngoại ngẩng lên nhìn bé và mỉm cười. Ngừng tay đang nhổ cỏ, mở nước rửa tay rồi ra ngồi nói chuyện với bé. Suốt buổi mình bé ngồi với ngoại, để cha mẹ nói chuyện với người dì trong nhà khách. Trên chuyến xe trở về, bé cứ nhắc hoài bà hoa hồng mà bé được nói chuyện.

Từ dạo ngoại Hồng về, ngoại Bích Liên cũng vui hẳn lên. Ngoại Liên về hưu đã gần chục năm nay và di chuyển bằng xe lăn và vẫn còn minh mẫn. Hôm ngoại Hồng mới về, ngoại Liên nhờ một nữ tu trẻ đẩy ra chỗ vườn hoa gặp ngoại Hồng.

-“Ê! Hồng!”

Vừa nghe tiếng kêu thì ngoại Hồng đã biết ai. Ngoại Bích Liên và ngoại Hồng là bạn thân thiết từ nhỏ. Nhà hai cô gái cũng sát nhau. Rồi cả hai cùng học chung trường và sau đó cùng vào dòng. Vì quá thân thiết mà quen gọi “mày-tao”. Lúc mới vào tìm hiểu, nữ tu phụ trách lớp đệ tử cấm ngặt: “Không được xưng hô mày –tao nữa nghen! Nhất là trước chị em khác và giáo dân kẻo gây gương mù gương xấu!” Cô bé Bích Liên nhanh nhảu hỏi: “Vậy thưa Soeur! Lúc không có người nào khác và giáo dân thì…” Cô gái ậm ờ không dám xin thêm nhưng vị nữ tu đã ngầm hiểu ý, liền “Uhm!” rõ một tiếng. Vì vị nữ tu biết hai cô bạn này tương quan thân thiết như thế nào. Có cấm thì họ cũng lén gọi nhau mà thôi.

-“A! Con Liên! Mày khỏe không?”

Vừa kêu vừa chạy lại ôm ngoại Bích Liên. Ngoại Liên vội “suỵt!”

-“Nè! Trước cửa nhà Dòng mà mày tao gì!”

Ngoại Hồng sực nhớ, vội chỉnh:

-“Ờ! Thưa Soeur Mary!”

Ngoại Liên cũng gật gù khoái chí:

-“Cũng đặng! Soeur Rosa hén!”

Rồi hai người bạn thân lại ngồi nói chuyện với nhau. Nhìn xa xa, hai người bạn đâu có già. Họ như hai cô bạn trẻ đang ngồi nói chuyện với nhau, miệng cười cười, thi thoảng vỗ vai nhau. Bức tranh tình bạn thật đẹp và sống động.

Từ hôm ngoại Hồng về, sớm nào ngoại cũng đợi trước cửa nhà nguyện trước Thánh Lễ. Đợi vị nữ tu trẻ đẩy ngoại Bích Liên ra thì ngoại Hồng đón và xin được đẩy ngoại Liên vào nguyện đường. Lần đầu vị nữ tu trẻ ái ngại, nhưng ngoại bảo: “Cho ngoại đẩy bạn của ngoại một quãng! Con nhé!”. Rồi mỉm cười thật tươi. Sau lễ, ngoại Hồng đẩy ngoại Liên ra gửi lại cho vị nữ tu, miệng không quên chào chúc bình an, rồi đi ăn sáng và thay đồ lao động mà ra với khoảnh vườn của mình.

Chị em ở các cộng đoàn về nhà mẹ đều ngỡ ngàng trước nét đẹp của khu vườn. Ai cũng tấm tắc khen bàn tay khéo léo của ngoại Hồng. Hỏi ngoại bí quyết, ngoại chia sẻ:

-“Chăm hoa cũng như chăm người. Biết được tính cách và đặc điểm riêng của mỗi loài thì có thể chăm được tốt nhất. Hồi trẻ còn sức ngoại chăm cho người. Giờ già hết sức ngoại chăm cho cây. Cũng vậy thôi mà con! Mọi việc đều đẹp ý Chúa con hén!”

Rồi ngoại cười hiền từ và vui vẻ. Chị em trong dòng ai cũng tự hào về thành phẩm hút mắt là vườn hoa và bồn cỏ mà ngoại Hồng chăm sóc. Khách đến thăm ai cũng trầm trồ khen ngợi. Họ càng bất ngờ hơn khi biết một cụ bà ngoài tám mươi tuổi đã tự tay chăm khuôn viên nhỏ nhắn ấy.

**************

Hôm nay, chị em cũng đổ về ào ạt và tấp nập hơn. Nhưng không có ngoại Hồng ở khoảnh vườn trước nhà khách nữa. Hôm nay ngoại là đóa hoa đẹp nhất được đặt ở giữa nguyện đường, trong chiếc quan tài nhỏ xinh. Mấy hôm trước ngoại vẫn đang khỏe và làm việc bình thường, nhưng nửa đêm thì lên cơn đau tim đột ngột rồi ra đi trong đêm. Cái chết nhẹ nhàng và yên tĩnh.

Chiếc quan tài đẩy ra lối về nhà chờ Phục Sinh, đi ngang khoảnh vườn. Ai cũng ngó khoảnh vườn với những cánh hoa giấy nở thật đẹp và thảm cỏ xanh hút mắt. Ngoại Bích Liên cũng được vị nữ tu trẻ đẩy theo hàng dài, ngoại Liên vẫy vẫy tay xin dừng xe trước khoảnh vườn rồi nói trong nỗi buồn rười rượi:

-“Mày đi trước tao rồi sao Hồng!”

Dù ngoại Hồng đã mất và việc chăm vườn được giao cho nữ tu lo nhà khách mỗi ngày, nhưng ai cũng bảo đó là “Vườn Rosa”, có người gọi là “Vườn Hồng”. Cậu bé năm ấy cũng trở thành linh mục. Mỗi dạo vào thăm người dì đã già đang ở nhà hưu, cha đều đứng trước vườn Hồng thật lâu, như cuộc chuyện trò năm ấy với bà hoa hồng vẫn còn… vẫn còn…

(Truyện ngắn – kính tặng các nữ tu đang nghỉ hưu)

Little Stream

Nguồn tin: www.dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây