Giáo xứ Vinh Hương

Tòa Thánh tham gia đối thoại với khổng giáo

Thứ năm - 07/03/2024 20:14
Tư tưởng của Khổng Tử đã để lại dấu ấn trong xã hội của các nước châu Á
Tư tưởng của Khổng Tử đã để lại dấu ấn trong xã hội của các nước châu Á


Ngày thứ năm 7 tháng 3, bộ Đối thoại Liên tôn loan tin, ngày 8 và 9 tháng 3 năm 2024, Tòa Thánh sẽ tham gia một đại hội tại Đài Loan để thúc đẩy cuộc đối thoại giữa kitô giáo và khổng giáo. Đây là một bước đi lịch sử trong việc trao đổi giữa Giáo hội công giáo và truyền thống tôn giáo-triết học đã có hàng bao thế kỷ, hình thành văn hóa và tinh hoa của Trung Quốc và các nước châu Á khác.
 

Cuộc gặp được tổ chức tại Đại học Công giáo Fu Jen, thủ đô Đài Bắc, mục đích là để “xây dựng những hướng dẫn chính thức cho tín hữu công giáo tham gia đối thoại với tín hữu khổng giáo”. Bộ Đối thoại Liên tôn do hồng y Miguel Angel Ayuzo Guixot đứng đầu, đồng tổ chức sự kiện, đây là một “bước tiến đáng kể” trong việc thúc đẩy đối thoại kitô giáo-khổng giáo. Phiên họp đầu tiên được tổ chức trực tuyến ngày 19 tháng 1 với sự tham gia của các đại biểu Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam – những quốc gia có truyền thống nho giáo là trọng tâm và mang một ý nghĩa quan trọng.

Thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Việt Nam

Cuộc gặp cũng là một phần của động lực chung trong việc xích lại gần nhau giữa Tòa Thánh và các truyền thống văn hóa, tâm linh lớn của vùng Viễn Đông. Đức Phanxicô khi còn trẻ đã mơ thành nhà truyền giáo châu Á, trong các chuyến tông du đến Nhật Bản, Thái Lan, Mông Cổ và Hàn Quốc, ngài đã có các cuộc gặp với các chức sắc cao cấp của các tôn giáo phương Đông.

Việc thúc đẩy đối thoại liên tôn này thể hiện một bước quan trọng trên quan điểm nối lại quan hệ ngoại giao Tòa Thánh đang tiến hành với Việt Nam và Trung Quốc. Tháng 7 năm ngoái, lần đầu tiên Việt Nam có đại diện giáo hoàng thường trực. Với Trung Quốc, Tòa Thánh đã có thỏa thuận lần thứ hai năm 2018. Diễn ra tại Đài Loan, cuộc gặp giúp Tòa Thánh thiết lập liên lạc với “hai nước Trung Quốc” mà không có nguy cơ tạo thêm căng thẳng hiện nay xung quanh yêu sách của Bắc Kinh đối với lãnh thổ Đài Loan. 

Trung Quốc, xã hội nho giáo

Khổng Tử là triết gia Trung Quốc ở thế kỷ thứ 6 và thứ 5 trước Công nguyên. Giáo huấn của ngài đã khai sinh ra trường phái tư tưởng nho giáo, trường phái này là nền tảng tôn giáo và văn hóa của Trung Quốc trong bao nhiêu thế kỷ, sau đó mới đến phật giáo và lão giáo.

Các tu sĩ Dòng Tên đến Trung Quốc vào thế kỷ 16 đã khám phá lại Khổng Tử và la-tinh hóa tên của ngài. Linh mục Dòng Tên Matteo Ricci – người được Đức Phanxicô tôn kính và đang trong quá trình phong chân phước – tiếp theo là các tu sĩ Dòng Tên khác đã dựa rất nhiều vào những lời dạy của Khổng Tử để hội nhập kitô giáo vào Trung Quốc.

Khổng giáo, tài liệu tham khảo cho những người có tư tưởng tự do

Tuy nhiên, động lực này đã dừng lại với “cuộc tranh cãi về nghi thức” vào thế kỷ 18, vào cuối thế kỷ này, Tòa Thánh đã cấm các nghi lễ ngoài kitô giáo. Khổng Tử đã trở thành một trong những nhân vật tiêu biểu trong một số giới có tư tưởng tự do ở phương Tây, họ có được bằng chứng di sản của một xã hội phát huy trí tuệ và đạo đức mà không cần đến tôn giáo.

Ở Trung Quốc, Khổng Tử là nhân vật trọng tâm và chỉ bị thách thức dưới thời Mao Trạch Đông, ông phản đối dữ dội tư tưởng Khổng Tử, cho rằng tư tưởng này đi ngược với các nguyên tắc Cách mạng Văn hóa của ông. Trong thời kỳ này, Khổng giáo vẫn tồn tại dưới hình thức truyền thống ở các cộng đồng người Hoa hải ngoại, ở Đài Loan và Hồng Kông.

Ngày nay, Chủ tịch Tập Cận Bình xem nho giáo là một trong những trụ cột trong chính sách dân tộc chủ nghĩa “hán hóa” xã hội của ông.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây