70 năm vẫn giữ nguyên kiến trúc. Theo ông Dzũng, ban đầu mỗi gia đình được cấp 800m2, ai cũng dựng nhà ở giữa, xung quanh trồng ngô, khoai, rau, su su… để có thức ăn hằng ngày. Bảo Lộc cách mặt biển cả ngàn thước nên lạnh quanh năm, cha Lợi lại đi xin áo dạ cho mọi người mặc chống rét, rồi tìm khung sắt để dựng lên ngôi thánh đường trên một khu đất cao.
Cả làng ngày ấy chỉ vỏn vẹn 100 người, lấy nhà thờ giáo xứ làm trung tâm. Từ đây tỏa ra 8 con đường dọc chính, chia mặt đồi làm 7 khu, được quy hoạch như hình mạng nhện. Từ 8 đường chính lại có những con đường ngang nối 7 khu rất trật tự và khoa học. Các cha và nhóm người tiên phong chủ ý quy hoạch giáo xứ như hình bát quái trong văn hóa Đông phương, xứ đạo trở thành một mạng liên kết bền vững, âm dương hòa hợp, trong mong muốn vạn vật vạn sự tương sinh phát triển tốt. Ngôi thánh đường ở vị trí trung tâm ý nói tám hướng, muôn phương đều quy về một đức tin. Tám con đường cũng gợi nhớ đến tám mối phúc thật. Dù tám mối nhưng chung quy hướng về một giới răn quan trọng nhất là “mến Chúa, yêu người”.
Theo đồ án kiến trúc, xung quanh nhà thờ là các nhà xứ, nhà hội, trường học, trạm phát thuốc, nhà máy điện, xưởng học nghề, ký túc xá… Mỗi khu lại có các đường ngang phụ, nhà ở dọc hai bên những con đường ngang này. Nhà thờ giáo xứ Tân Hà hiện nằm yên bình ở vị trí trung tâm của mô hình “bát quái”, bên cạnh là trường giáo lý Chân Lý và khuôn viên rộng lớn của cộng đoàn Tân Hà, thuộc dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt.
Cũng giống như ngôi giáo đường qua ba lần xây dựng và tu sửa vẫn giữ lại mặt tiền, tháp chuông và bức tường đá giờ cũng như ban đầu, lối kiến trúc quy hoạch độc đáo của giáo xứ Tân Hà không thay đổi sau 70 năm. Bà con giáo dân sinh ra và lớn lên ở nơi đây được thừa kế mảnh đất do tiền nhân để lại và vẫn giữ nguyên vẹn đến tận hôm nay.
Ông Dzũng kể, trong những ngày cơn sốt bất động sản nổi sóng, cũng có nhiều người dân lân cận và ngoài tỉnh đến hỏi mua nền đất phân lô ở Tân Hà. Tuy nhiên, người dân đều có nguyện vọng giữ lại đất của gia đình vì mong muốn gìn giữ nét kiến trúc riêng cho đời sau. Từ tâm lan tỏa, tứ phương hướng về. Tân Hà hiện là một giáo xứ lớn của giáo phận Đà Lạt với 5.671 người, 1.300 hộ gia đình. Bà con giáo dân sinh sống và phát triển trên mảnh đất núi đồi cao nguyên xanh mướt, khí hậu quanh năm ôn hòa.
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, một giáo dân sinh sống lâu năm tại giáo xứ cho biết, kinh tế của bà con hiện đã cải thiện rất nhiều trên nền tảng nghề nông, trồng trà, cà phê, nuôi tằm truyền thống đã đổi mới qua kinh doanh. Nhà nào cũng tạo điều kiện cho con cái học hành tại các trường đại học lớn trên cả nước, lĩnh hội tri thức để trở về về phục vụ tại địa phương. Họ luôn tâm niệm rằng thế hệ thanh thiếu niên là chìa khóa mở ra cánh cửa tri thức, phát triển các giá trị tâm linh truyền thống trong thời đại mới.
Mỗi người dân làng Tân Hà đều quý trọng từng tấc đất, từng nét di sản mà các thế hệ cha anh đã gìn giữ. Họ tự hào với nét quy hoạch độc đáo vốn có của làng Tân Hà. “Nếu như ngày xưa, cha ông lấy trọng tâm là đức tin để vươn xa kiến thiết cho cuộc sống, thì ngày nay, giáo dân Tân Hà mong con cháu dù có ở đâu, làm gì, phương trời nào cũng đều một lòng hướng về gốc đạo”, ông Dzũng khẳng định.
Thảo Thanh - Hải Yến
Nguồn tin: www.cgvdt.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn