Rẽ vào cổng phụ của Bệnh viện Mắt TPHCM, nhìn hướng bên phải phía xa xa, có một tượng đài Ðức Mẹ cao lớn. Ðến gần, trong mùi thơm hoa nhài, nguyệt quế thoang thoảng, một người đàn ông đang lui cui tưới tắm, cắt tỉa hoa kiểng xung quanh tượng đài. Ðây là ông Lý Văn Sang, người chúng tôi đang tìm gặp.
“Ở đây nhiều kỷ niệm lắm, nhắc đến đâu tôi nhớ đến đó”, sau lời khẳng định chắc nịch, ông Sang vỗ vỗ bàn tay thô ráp vào chiếc ghế đá đang ngồi có in dòng chữ “Gia đình V.T.T tạ ơn Đức Mẹ, tháng 3.1999”, giải thích: “Cái ghế này là của một người bạn tôi dâng sau khi bị tai nạn mà được bảo toàn tánh mạng”. Phía tay trái là một cây tùng cao vút mà theo ông nhẩm tính thì mỗi mùa thu qua đi lại phát triển thêm một tầng lá mới, và ông đã chứng kiến nó nhảy thêm vài chục tầng. Bên phải là cây cổ thụ mà mấy mươi năm trước ông đã có lần tựa vào khi cầu nguyện xin ơn Đức Mẹ. Chỉ tay về những cây hoa mai được trồng rải rác trước mặt tiền khu vực tượng đài, ông nói tất cả đều do ông chăm tỉa, vun xới…, có cây mua từ nhỏ, có cây lượm từ xe rác, có cây người ta cho, nhưng giờ thì tất cả đều xanh mướt và đẹp, mơn mởn trong gió chuẩn bị đón Xuân.
Với tay sờ vào chiếc bảng tạ ơn màu trắng được gắn trên bức tường bên phải tượng đài, ông Sang kể:“Đây là bảng tạ ơn khi tôi được ơn chữa lành đôi mắt, lúc đó còn là người lương”. Hướng mắt nhìn xa xăm, ký ức đưa ông trở về thời điểm lối chừng năm 43 tuổi với căn bệnh đục thủy tinh thể. Sau hai lần phẫu thuật, mắt chẳng thể nhìn rõ chân dung của người đối diện. Nghe phong thanh về tượng đài Đức Mẹ linh thiêng tọa lạc nơi một góc nhỏ trong khuôn viên bệnh viện, ông lần mò tìm đến, tựa lưng vào cây phía đối diện để nguyện cầu. Không có đạo, không biết kinh kệ, ông chỉ đơn sơ xin cho được sáng mắt và hứa sẽ coi sóc tượng đài Đức Mẹ đến suốt đời.
Ít lâu sau, một dịp bệnh viện phối hợp với đoàn bác sĩ nước ngoài tổ chức hội chẩn các bệnh nhãn khoa, ông Sang may mắn là một trong số 5 bệnh nhân được ưu tiên. Kết quả là sau hai lần được điều trị bằng phương pháp bắn tia laze, đôi mắt ông được hồi phục và ngay sau đó ông đã quay lại góc nhỏ tượng đài, xin phép bệnh viện thực hiện lời hứa cho đến nay.
Ông nói khi ấy tượng đài Đức Mẹ đứng trơ trọi trong một không gian thiếu đèn chiếu sáng, lơ thơ vài chậu hoa kiểng. Ông lui cui mua hoa kiểng về trồng thêm, cắm cả hoa tươi hằng ngày. Một số bệnh nhân có lòng cũng dâng hoa kính Mẹ thường xuyên. Về sau, một nữ tu dâng Mẹ mái che, đèn hào quang và điện chiếu sáng cũng được nhân viên bệnh viện lắp đặt. Ngày qua tháng lại, khu vực tượng đài Đức Mẹ ngày càng trở nên đẹp đẽ, hoa kiểng tươi tốt, thu hút nhiều người lui tới. Nhân viên bệnh viện là những người Công giáo cũng thường xuyên thắp hương, cầu nguyện hoặc cúi đầu chào mỗi khi đi ngang qua.
Cứ như vậy, từ khi còn là công nhân ở xưởng Ba Son cho đến khi nghỉ hưu, và nay là ở tuổi 74, ông Lý Văn Sang vẫn chăm chỉ một việc đó, như người làm vườn cần mẫn và trung tín. Ngày ngày, cứ độ khoảng 6-7 giờ sáng, ông đã có mặt để tưới cây, thắp đèn thắp hương, thay nước những bình hoa tươi và an ủi, động viên những người tìm đến nơi đây. Cũng có lúc, ông tiếp những bệnh nhân khi xưa trở về tạ ơn Đức Mẹ, nghe họ tâm tình về những niềm hạnh phúc nhận được. Còn những lần chứng kiến cảnh người đến cầu nguyện với vẻ mặt u sầu, nước mắt ngắn dài, ông không khỏi thương cảm nên lân la thăm hỏi, chia sẻ về những trường hợp đã được ơn ích, kể cả câu chuyện mình được ơn chữa lành mục đích là thêm phần nâng đỡ tinh thần cho họ.
Ở bên Mẹ, phục vụ không vị lợi một cách tận tụy, nhận ra lòng đạo đức và sự cậy trông của nhiều người Công giáo khi đến đây. Ông quyết định xin theo đạo. Bảy năm trước, ông Sang được rửa tội, nhận thánh Martino làm bổn mạng. Có một sự trùng hợp diệu kỳ là người đồng hành với ông trong việc gia nhập Hội Thánh là linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu - Dòng Tên - là người bạn học thuở thiếu thời. Cách đây vài tháng, vợ ông bị tai nạn, cha Antôn và nhiều bạn học xưa cũ đã chung tay giúp gia đình vượt qua khó khăn. Khi vợ lành bệnh, ông đã đặt thêm bảng tạ ơn Mẹ ngay dưới chân tượng đài.
Khi nắng sớm đã trở nên gay gắt, cũng là lúc ông Lý Văn Sang trở lại nhà để cùng vợ chuẩn bị bữa trưa giản dị thường ngày. Hôm tôi ghé, trước khi rời đi, ông từ tốn bê một chậu hoa cúc vàng đặt trước bức phù điêu Chúa Chiên Lành phía sau lưng tượng Đức Mẹ, giáp với bức tường được dán bảng tạ ơn dày đặc nhưng ăn khớp với nhau, dù có nhiều kích cỡ. Ông tin bảng tạ ơn của những người được chữa lành sẽ thêm niềm tin, hy vọng trong khi đau yếu cho người khác. Tôi cũng nghĩ như vậy, và còn nghĩ thêm: Chính sự hiện diện của ông Lý Văn Sang từng ngày ở đây, cũng là nguồn hun đúc đức tin cho không chỉ các bệnh nhân, mà còn với những người Công giáo như tôi, khi có dịp ghé qua viếng Đức Mẹ trong khuôn viên Bệnh viện Mắt.
Bích Vân
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn