Tin mừng Chúa Nhật 24 hôm nay (Mt 18,21-35) thách đố chúng ta về khả năng tha thứ. Cứ bình thường, chúng ta có thể tha thứ cho ai đó 1 đến 2 lần, cùng lắm là 3 lần. Ông cha mình nói rất đúng trong trường hợp này: “Quá tam ba bận”. Tha ba lần đủ để nói lên lòng kiên nhẫn và tình yêu của chúng ta dành cho họ. Trong luật Cựu ước cũng yêu cầu chúng ta chỉ tha đến ba lần. Do đó chúng ta thấy thánh Phêrô rất hiểu luật Cựu ước, nhưng không chắc lắm về quan niệm của Đức Giêsu, nên ông hỏi: “Chúng con có phải tha bảy lần không?” Phêrô hào phóng hơn một chút khi đề cập hơn gấp đôi số lần tha thứ trong Cựu ước. Số bảy đối với thời đó nói lên sự hoàn hảo. Lời đề nghị của Phêrô vẫn chưa đủ đối với Đức Giêsu. Với Thiên Chúa, chúng ta cần tha đến: “Bảy mươi lần bảy”. Có người đọc thành “bảy mươi bảy lần, hoặc bảy mươi lần bảy lần.” Dù đọc cách nào đi nữa, Thiên Chúa muốn chúng ta tha thứ không giới hạn, vô điều kiện.
Vậy đâu là nền tảng của lời mời gọi thách đố này?
Đức Giêsu thích kể chuyện. Sau khi nói câu trên, ngài kể chuyện về một ông vua kỳ lạ. Chắc Ông vua này không nhớ anh ta đã nợ mình bao nhiêu yến vàng. Chỉ khi người ta nhắc vua mới nhớ người này nợ đến 10 ngàn yến vàng. Cứ một yến vàng bằng 6000 ngày lương. Một tài sản khổng lồ! Chúa Giêsu kể tiếp: anh ta không có gì để trả, nghĩa là trắng tay. Thời đó người ta còn cho phép buôn bán nô lệ, nên ông vua này mới đành bán anh ta, vợ con và tài sản của anh ta mà trả nợ. Nhận ra lỗi lầm của mình, anh ta đã thống thiết van xin khất lại.
Ông vua này đã chạnh lòng thương và tha luôn món nợ cho anh ta. Tại sao vua lại làm như thế? Phải chăng vua đã giàu có nên không cần tiền? Hay vua khờ khạo đến nỗi không biết luật vay trả theo lẽ thường? Không! Ông vua này rất tỉnh táo và cũng tôn trọng luật công bằng. Tuy nhiên, trái tim của vị vua này quá nhiều tình yêu nên không để ý đến số tiền kia. Vua để tâm đến con người, đến lòng hối lỗi của anh ta. Vua tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả (1Cr 13,7). Đó là ông vua giàu lòng thương xót.
Câu cuối của tin mừng hôm nay, Đức Giêsu tiết lộ chân dung của vị vua này, đó chính là Thiên Chúa Cha. Căn tính của Ngài là tình yêu và luôn luôn tha thứ (Dio perdona sempre). Ngài luôn muốn tha thứ cho chúng ta. Dù tội chúng ta có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông (Is 1,18). Chúa tha thứ không biết mệt mỏi. Ước gì chúng ta đừng quên chân lý này: Thiên Chúa yêu chúng ta, vì yêu Ngài sẵn lòng tha thứ cho chúng ta.
Đức Giêsu tiếp tục kể chuyện. Sau khi được tha thứ, anh bạn của chúng ta vui mừng và hạnh phúc lắm. Tiếc là vừa ra ngoài anh gặp một đồng bạn nợ anh có một trăm quan tiền, y hăng máu đòi nợ. Dù anh bạn kia van xin và mong anh nhẫn nại, anh vẫn đòi cho bằng được. Sau cùng, anh ta đã không thương xót người bạn của mình, và tống người bạn mình vào ngục.
Sự việc trên đến tai của vua. Dĩ nhiên là vua bực lắm, vì anh ta không có lòng xót thương. Về mặt tâm lý, anh ta đáng lẽ phải nhận thấy mình đã được tha thứ, thì mình nên có lòng thứ tha với người khác. Về logic, mình đã được tha quá nhiều, đáng lẽ mình cũng nên tha cho những người nợ mình ít. Dù sao mình cũng có lời! Nhưng anh ta quên bài học này. Hậu quả là vua tống ngục anh ta.
Chắc chắn chúng ta cũng bất bình với người bạn trên đây. Tại sao lại không tha thứ cho bạn của mình? Thực ra đôi khi chúng ta cũng hành xử như thế. Một mặt Chúa đã tha thứ cho mình, nhưng mặt khác mình khó lòng tha thứ cho người anh em. Bởi đó sau dụ ngôn, Đức Giêsu mời gọi chúng ta bắt chước Thiên Chúa Cha. Nói cách khác, Chúa Cha mời gọi chúng ta thực tập nhân đức này. Tại sao?
Lý do là vì tình thương hải hà của Thiên Chúa đối với chúng ta. Tình yêu này thúc đẩy ta tha thứ cho anh em mình, chứ không phải vì anh em biết điều mà xin lỗi, cũng chẳng phải vì chúng ta cao thượng, hay chúng ta nhân đức không chấp lỗi của của họ.[1] Đây là nét đẹp của Kitô giáo, của lời Chúa ngày hôm nay.
Đối với tôi, nhiều lúc tha thứ cho ai gây tổn thương cho mình, đúng là khó khăn. Nếu quên được những gì họ gây tổn thương cho mình, thì tốt quá. Nhưng tha thứ không phải là quên, vì đó là nỗi đau, là vết thương trong lòng mình. Vả lại, tôi không phải là người mất trí để quên đi mà tha thứ. Nếu tôi quên, lần tới tôi sẽ nhớ. Nên cố gắng quên lỗi lầm của người khác không phải là tha thứ. Bên cạnh đó, tha thứ càng không phải là khoan hồng, bỏ qua hay làm ngơ. Vì hành vi đó là thái độ của kẻ trịnh thượng.
Để tha thứ được, tôi trích nơi đây ba cách mà linh mục Phương Đình Toại đề nghị[2]:
Lạy Chúa Giêsu,
Hành vi tha thứ chưa bao giờ dễ dàng đối với con:
Khi bị tổn thương, con muốn phòng vệ phản kháng,
Khi phật lòng, con thấy bực dọc phân bua,
Trước hành động trái ngang, con nóng lòng giải quyết thiệt hơn,
Nhiều lần bức bối khiến con nhỏ nhen hờn giận,
Những điều trái ý, con chẳng tỏ bao dung
Còn nhiều vết thương lòng mà con chưa dám chữa,
Và sự thù hằn ấy tưởng chừng cứ lớn dần trong con.
Cho tới một ngày…
Con nghe được tiếng thống thiết của Chúa trên thập giá:
“Xin Cha tha cho họ…”
Lòng khoan dung độ lượng của Ngài đụng chạm đến vết thương âm ỉ trong con,
và,
Từ đó con được thúc đẩy lên đường để tập thứ tha.
Tha thứ trong tin yêu và xây dựng.
Để lắng lòng mình bên lời gọi yêu thương của Thầy Chí Thánh:
“Anh em hãy tha thứ cho nhau…”
Trải qua quãng thời gian “leo lên thánh giá cùng Ngài”,
Con biết mình phải làm gì để tha thứ và đón nhận anh em:
Nhìn anh em là món quà của Chúa…
Thầm nguyện cho tha nhân như Chúa nguyện cầu cho môn đệ.
Tìm đến với đối phương để giải bày tâm sự.
Và mến người khác như Chúa mến yêu con.
Trên hết,
Con hướng về Ngài để vươn đến anh em,
Gieo tình yêu Ngài để tha thứ anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin tiếp tục dạy con về bài học của lòng vị tha. Amen
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Kinh thánh trọn bộ, Các Giờ Kinh Phụng Vụ, xuất bản 2011. tr. 2167
Nguồn tin: www.dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn