Giáo xứ Vinh Hương

Đôi Điều về "Nghe - Nói"

Thứ hai - 10/09/2012 19:11

Đôi Điều về "Nghe - Nói"

- “Nghe - Nói” bằng chính con tim của mình.

Nghe chính là động thái tiếp nhận tần số âm thanh của đôi tai, cơ quan thính giác. Cũng vậy, nhưng ngược lại, Nói là động thái phát đi tần suất âm thanh lan truyền vào không gian của miệng - “cơ quan ngôn luận”.
 
Thiên nhiên với thời tiết chuyển mình vào Bạch Lộ mùa thu, làm xao xuyến bồi hồi, gây cảm hứng lòng người...
 
“Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
Em có nghe nai vàng hát khúc yêu thương...”
 
(Mùa thu cho em - Ngô Thuỵ Miên)
 
Nghe tiếng mưa thu rì rào, nghe lá thu rơi xào xạc... đó là nghe những âm thanh vật lý tự nhiên.
Nghe tiếng hát nai vàng vang khúc yêu thương !... Đó là nghe những âm thanh vô thanh vô sắc. Quả thật, cần có phép “thông thiên nhĩ” của Kim Dung trong các pho truyện kiếm hiệp - hay đòi hỏi cần phải có một nghệ thuật nghe độc đáo mới nghe ra tiếng hát của nai vàng.
 
Giữa muôn vàn âm thanh của cuộc sống, trong huyên náo tạp âm của đời thường, để nghe ra mà xác định phương hướng, để nghe ra mà hiểu đã khó... Còn nghe và hiểu được tiếng lòng, tiếng lương tâm, tiếng Chúa thì thật còn khó biết bao !
 
Trong Phúc âm Gioan, có mẫu đối thoại không hiểu nhau, chẳng ăn nhập gì giữa ba người : Thầy Giê-su, ông Tô-ma và Phi-líp-phê như sau :
- Thầy Giê-su nói : “Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi.” (Ga 14,4)
- Ông Tô-ma thưa : “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu làm sao chúng con biết được đường ?” (Ga 14,5)
- Thầy Giê-su đáp : “Thầy là đường, là sự thật, là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14,6)
- Ông Phi-líp-phê thưa : “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện rồi.” (Ga 14,8)
- Thầy Giê-su đáp : “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư ?” (Ga 14,9)
 
Nghe người nói với người đã không dễ, bây giờ nghe Chúa nói trong cuộc sống là tiếng vô thanh thì làm sao mà nghe.
 
Có phải chăng : Gioan Tiền hô đã ở trong hoang mạc, một mình tâm tĩnh lặng,lòng trí hướng về Thiên Chúa để đến lúc nhận ra sứ mạng "tiền hô” ?... (Mc 1,2-4)
Có phải chăng : Thầy Giê-su đã dành thời gian rất dài : 40 ngày trong sa mạc để cầu nguyện, để chịu thử thách trước khi bước chân ra đi rao giảng ? (Mc 1,12)...
Và trong đời sống Thầy đã tiếp tục tìm nơi thinh lặng để cầu nguyện đó sao ? "Sau khi giải tán đám đông.Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện” (Mt 14,23).
“Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện. Người thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6,12)
Thầy Giê-su đã chỉ cho các tông đồ khi xưa cách thế - mà tôi đã đẫn ra vấn nạn ngay từ đầu nhập đề - cách đây hơn 2.000 năm rồi... “Anh em phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi điều sắp xày đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).

Chính vì thế mà Đức Thánh Cha Phaolô VI đã tuyên bố : “Nếu không có một đời sống cầu nguyện sâu xa, làm sao người công giáo, giữa những muôn vàn tiếng nói ô hợp của thế giới, có thể lớn tiếng ca ngợi Thiên Chúa, làm cho mọi người phải xao xuyến và được cứu rỗi.”
 
“Nghe - Nói", một nghệ thuật không phải qua một sớm một chiều mà nghe được, nói được, hiểu được... mà là một hành trình tập dượt liên lỉ để nhận ra những tín hiệu quen biết của nhau.
 
Một lần sống xa nhà, lòng mang tâm sự trước quyết định hôn nhân của mình, tôi tham dự thánh lễ trong tâm trạng đau khổ, bị bỏ rơi. Tôi có thói quen lúc nào đôi mắt cũng nhắm nghiền. Chủ lễ cao niên giọng đọc thều thào, đơn điệu... Tôi như cái máy. Dâng bánh rượu xong rồi, rửa tay xong rồi... Tôi ước lượng thời gian từng công đoạn, mà sao im lặng kéo dài.

Bỗng nhiên rậm rịch, dồn dập tiếng động bước chân đứng dậy, tai vẫn chưa nghe câu : “Anh chị em hãy cầu nguyện để lễ vật của tôi cũng là của anh chị em..."
Tôi giật mình đứng dậy sau cùng, mở choàng mắt : Hai chú giúp lễ đang xông hương giáo dân cách kính trọng, lời hát dâng lễ ca đoàn cất lên thống thiết... “Lạy Chúa xin giữ miệng con đây, nguyện xin canh phòng lưỡi con đây, xin Chúa đừng để lòng trí con vấn vương bụi đời...” Bất chợt, nước mắt tôi rơi... Tôi cảm nhận được sự vỗ về yêu thương, thấy mình vẫn còn giá trị trước mặt Chúa, qua cử điệu xông hương mà phụng vụ dành cho giáo dân... Tiếng lòng tôi thổn thức.
 
“Nghe - Nói” bằng tai bằng miệng đã đành, vượt qua giới hạn thể lý ấy, hơn thế nữa, chính là “Nghe - Nói” bằng chính con tim của mình... giống như đôi tình nhân, thoạt đầu tìm đến với nhau, trao nhau muôn lời thầm thì yêu thương, rồi trao nhau ánh mắt mà không cần ngôn ngữ, để cuối cùng là tự nguyện sáp nhập và tan biến cùng nhau trong hạnh phúc.
 
Vẫn câu hát ấy văng vẳng năm xưa, giờ vẫn đượm thắm ý nghĩa hiện thực...

“Ta đã nghe trong tiếng cười, đường tương lai đang rực rỡ,
Ta đã nghe trong tim mình, lời yêu thương của con người...” (Nguyễn Ngọc Thiện - Chú chim non)
 

Tác giả bài viết: Khanh Nguyên

Nguồn tin: www.gpcantho.com

 Tags: n//a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây