Giáo xứ Vinh Hương

Điều gì sẽ xảy ra khi bạn nghi ngờ và nghi ngờ có thực sự tốt cho đức tin của bạn hay không?

Thứ ba - 24/05/2022 22:43
Điều gì sẽ xảy ra khi bạn nghi ngờ và nghi ngờ có thực sự tốt cho đức tin của bạn hay không?


Không mấy có lý trong việc tìm kiếm một đức tin không chút nghi ngờ, linh mục Dòng Tên Roger Haight đã khuyên và cho biết, nghi ngờ là một thứ ‘đặc hữu’.” (iStock)

Trang America gần đây đã phát động một chiến dịch toàn quốc mang tên Giữ Đức tin của bạn #OwnYourFaith. Bài viết này là một phần của loạt bài tiểu luận giải quyết các câu hỏi mà nhiều người công giáo đang thắc mắc về giáo hội và thế giới.

Thánh Phanxicô Salê là thánh bảo trợ các nhà báo, và điều này là tốt. Tôi không có gì chống lại ngài, nhưng tôi luôn nghĩ lẽ ra người bảo trợ phải là Thánh Tôma Tông đồ.

Tôi nghĩ đến việc nghi ngờ của Thánh Tôma, Thánh Tôma phải là nhà báo đầu tiên của thế giới, người đã tìm cách xác nhận những tin đồn mà ngài nghe được chung quanh môi trường do thái cũ của ngài và về một sống lại bí ẩn vừa mới xảy ra.

Tôma bị cho là người yếu đuối vì phải thấy rồi mới tin, nhưng tôi rất thông cảm với ngài. Tôi hiểu. Ngài cũng giống như tôi, người đang đi tìm lý do để tin.

Một khi ngài chạm vào vết thương và biết đó là vết thương ngài muốn tìm, thì không có gì ngăn ngài nghi ngờ nữa. Ngài đã đi khắp nơi, nhiều nơi đã biết và nhiều nơi ít được biết trên thế giới, rồi sau đó ngài trở thành một trong những phóng viên tin tức tốt nhất Giáo hội.

Số phận của tôi có lẽ là trở thành nhà báo. Có điều gì đó sâu thẳm trong tôi chỉ cảm thấy thoải mái nhất khi hoài nghi. Đức tin của tôi cũng vậy, khắc khoải thả mình trong một vũng nghi ngờ. Ngay cả khi tôi viết những dòng này, tôi cảm thấy nó như một điều mờ nhạt, thoáng qua. Vì thế tôi đi lễ và tôi vẫn còn nghi ngờ; tôi cầu nguyện và tôi vẫn nghi ngờ. Tôi tìm kiếm sự an ủi trong nghi ngờ của tôi. Tôi nuôi dạy các con trong đức tin, và hầu hết thời gian, tôi cố gắng che giấu nghi ngờ của tôi. Thường thì tôi cảm thấy khá đơn độc khi phải che dấu nghi ngờ đó.

Thật ra tôi không nên che dấu nghi ngờ này, nhà văn Shannon K. Evans viết e-mail cho tôi: “Trong cuộc sống của tôi và trong cuộc sống của những người tôi yêu thương, tôi nhận ra tôi nghi ngờ, dù đau đớn đến mức có thể có, nhưng nghi ngờ cần có vì nó chính là động lực thúc đẩy một cuộc sống tinh thần cá nhân, tốt đẹp hơn, đích thực hơn.” Bà Evans là nhà văn, nhà diễn thuyết và gần đây là tác giả quyển sách Làm lại tình mẫu tử: Con đường dẫn đến Linh đạo nữ quyền mạnh mẽ (Rewilding Motherhood: Your Path to an Empowered Feminine Spirituality).

Bà nói: “Khi chúng ta đi theo tính hiếu kỳ và các câu hỏi của chúng ta, chúng ta thường thấy mình đối thoại trung thực với Chúa và với chính mình hơn.” “Phá toang để tìm kiếm là một từ gây xôn xao dư luận cho thế hệ tôi và thường bị xem là nghi ngờ, nhưng trên thực tế, đó thường là dấu hiệu của một đức tin trưởng thành, có suy nghĩ chín chắn.”

Bà đề nghị không nên giấu giếm nghi ngờ mà nên bình thường hóa nó và phải thảo luận nó với người linh hướng, vợ / chồng hoặc bạn bè. Và thậm chí, đúng, nói nghi ngờ của mình ngay cả với những đứa bé mà bạn hy vọng sẽ nuôi dưỡng chúng bằng đức tin – nhưng có lẽ chỉ nên khi bạn thấy chúng đã sẵn sàng và ở một mức độ chúng có thể hiểu được mà thôi.

Trước khi tự hỏi mình, tự giải đáp các nghi ngờ của tôi, tôi nhận ra tôi muốn nói thẳng suy nghĩ của mình về những gì tôi đang nghi ngờ.

Bà Evans nói: “Tự trải nghiệm các nghi ngờ mang nhiều ý nghĩa khác nhau với những người khác nhau, hoặc trong những lúc khác nhau trong cuộc đời của cùng một người. Nghi ngờ liệu Chúa có tồn tại hay không và nghi ngờ giáo lý của Giáo hội công giáo có thể trùng lặp, nhưng chúng cũng có thể là những trải nghiệm hoàn toàn khác nhau”.

Đánh bại nghi ngờ

Linh mục Dòng Tên Roger Haight cảnh báo, không mấy có lý khi tìm kiếm một đức tin không chút nghi ngờ, linh mục mô tả nghi ngờ mạnh mẽ như một thứ đặc hữu. Nhưng ngài lập luận nó cũng là một khí cụ tốt: “Luôn đặt ra những câu hỏi mới và nhận được những câu trả lời mới là điều tốt”.

Linh mục Haight, thần học gia, tác giả và là giáo sư thỉnh giảng tại Chủng viện Thần học Union ở New York, ngài cố gắng phân biệt không những về các mức độ khác nhau và “độ sắc nét” của nghi ngờ, mà còn giữa niềm tin và đức tin.

Năm 2013, trong một câu tweet, Đức Phanxicô viết: “Nếu một người có câu trả lời cho tất cả các câu hỏi – đó là bằng chứng cho thấy Thiên Chúa không ở với họ”. 

Ngài nói: “Dường như với tôi, đức tin không chỉ ở trong bộ óc mà ở toàn con người,” ngài lưu ý có nhiều người chuyển sang đức tin theo những cách thường khó diễn đạt, kể cả “tình cảm và cảm xúc, bị lôi cuốn vào phụng vụ và thờ phụng, âm nhạc, tiếng chuông và nghi lễ.”

Ngài mô tả đức tin như một hành động của ý chí và đức tin chính là phản ứng tổng thể của toàn bộ con người đối với điều mà chúng ta cho là siêu việt, điều vượt quá bất cứ điều gì bạn có thể tưởng tượng, bất cứ điều gì bạn có thể nhận thức, bất cứ điều gì bạn thực sự biết.”

Ngài cười khúc khích nói thêm: “Bởi vì nếu bạn biết điều đó, bạn sẽ không cần đức tin.”

Phân biệt với đức tin là niềm tin, “đã có nhiều công thức, mệnh đề và tuyên bố để cố gắng xác định đối tượng của đức tin.” Nhưng đó vẫn là một kỳ tích không thể đạt được, Ngài nói, vì “điều mà chúng ta đang nói đến thực sự không có sẵn trong sự hiểu biết của chúng ta.”

Và bởi vì chính con người không tìm ra sự hiểu biết đó nên “nghi ngờ trở thành điều bình thường nhất có thể tưởng tượng được, bởi vì niềm tin của chúng ta không bao giờ có thể bắt kịp đối tượng của đức tin chúng ta.”

Điều đó có nghĩa là cuối cùng, một cá nhân có thể dấy lên những nghi ngờ “về tất cả những lời dạy của tất cả các học thuyết của mọi tôn giáo nhất định” rồi sẽ tiếp tục có đức tin ngay cả khi họ không thể xác định rõ điều đó.

Ngài nhớ lại: “Tôi đã có đức tin khi tôi 5 tuổi. Tôi có đức tin khi tôi học xong lớp 8, tôi có đức tin khi cuối cấp ba. Tôi có đức tin khi bắt đầu sự nghiệp của tôi. Và tôi có đức tin bây giờ. Nhưng chúng khác xa nhau.”

“Những từ ngữ có thể giống nhau, nhưng chúng không có ý nghĩa giống nhau.”

Cho phép nghi ngờ             

Dù sau nhiều năm đào tạo, Stephen Molvarec, thầy phó tế Dòng Tên sẽ được chịu chức linh mục vào tháng sáu, vẫn luôn trong tình trạng căng thẳng với sự nghi ngờ đã có. Thầy giải thích, việc tự cho mình “được phép nghi ngờ”, đã giúp thầy có một khoảng trống có giá trị cho sự phát triển đức tin.

Thầy phó tế Molverac là người thường xuyên viết bài cho tờ Dòng Tên The Jesuit Post và là tuyên úy tại Đại học Boston. Các sinh viên 20 tuổi tại trường Đại học Boston nghĩ rằng ở tuổi 42 thầy có tất cả các câu trả lời, nhưng thầy nói, nghi ngờ đã trở thành “điều gì đó mà tôi chỉ chấp nhận như một phần cuộc sống của tôi trong Giáo hội.”

Thầy nói: “Hãy để một khoảng trống cho những gì chúng ta đang phải vật lộn, những gì không thoải mái, những gì không hiệu quả. Nghi ngờ là do trí tuệ mang lại, nhưng đôi khi nó có thể đến từ trái tim…. Đôi khi tôi nghĩ rằng nghi ngờ có thể đến sau khi chúng ta gặp phải một điều ác quá lớn hoặc đau khổ hoặc khó khăn.”

Thầy Molvarec nói, ngay cả sau khi đau khổ dẫn đến cảm giác sâu đậm bị Chúa ruồng bỏ thì trong trải nghiệm này vẫn thường có một khao khát không thể cưỡng lại “Cần phải kêu cầu Chúa”.

Thầy thắc mắc: “Nhưng làm thế nào tôi có thể kêu lên với một Chúa nếu tôi nghĩ Chúa này không tồn tại? Tôi nghĩ sự quá căng thẳng hoặc quá nhọc mệt đã có thể vượt qua câu hỏi nghi ngờ về trí tuệ.”

Thầy ghi nhận những đau khổ của người dân Ukraine, ngạc nhiên trước ý chí kháng cự và khả năng của họ giữa cuộc đấu tranh để đi tìm “điều gì đó tốt đẹp ở đâu đó trong cuộc sống,” và thầy lưu ý, sự sẵn sàng hy vọng đó có thể là bằng chứng cho sự hiện diện của Chúa.

Molvarec thừa nhận, câu hỏi tại sao một Thiên Chúa nhân từ lại cho phép có đau khổ như vậy là câu hỏi không thể trả lời được, thầy nói thêm: “Nếu chúng ta hỏi một câu hỏi về lý do tại sao cái ác tồn tại trên thế giới và tại sao đau khổ tồn tại trên thế giới, tôi nghĩ chúng ta cũng nên chuẩn bị hỏi, ‘ồ, tại sao lại có thể có điều tốt trên thế giới?’ Những câu hỏi này có thể tồn tại trong căng thẳng với nhau.”

Vấn đề với xác tín

Đức Phanxicô là người thường xuyên ủng hộ việc chấp nhận trong đời sống đức tin của chúng ta. Trong một phỏng vấn lịch sử được trang America đăng năm 2013, ngài nói: “Trong việc đi tìm để thấy Chúa trong mọi sự, vẫn còn một vùng không chắc chắn. Phải có.

“Nếu một người nói, họ chắc chắn đã gặp Chúa và không bị xúc động bởi một biên độ không chắc chắn nào, thì điều này là không tốt… Nếu một người có câu trả lời cho tất cả các câu hỏi – đó là bằng chứng Chúa không ở với họ.”

Bà Evans chia sẻ những nghi ngờ này. “Khi chúng ta đang nói về điều thiêng liêng, tôi nghĩ phương pháp hay nhất, chúng ta nên để lại chỗ trống cho rất nhiều điều bí ẩn. Đừng cứng nhắc và không khoan nhượng, sẽ làm chúng ta mâu thuẫn với mong muốn làm những điều mới của Thần Khí. Như thế tôi nghĩ nó chỉ làm mất đi niềm vui từ tâm linh.”

Những người nghi ngờ muốn theo đuổi một đức tin vững chắc hơn, trong Giáo hội có rất nhiều vị thánh nghi ngờ, bắt đầu là Thánh Tôma, tiếp đó là một danh sách dài các thánh khác như thánh Têrêsa Lisieux và các nhân vật truyền cảm hứng và hướng dẫn tâm linh như tu sĩ Thomas Merton. Mẹ Têrêsa có thể là ứng viên đáng chú ý nhất cho vị trí thánh bảo trợ những người nghi ngờ, sau khi mẹ tiết lộ qua các bức thư gởi cho bạn bè và các cố vấn hướng dẫn tâm linh của mẹ, những điều mẹ đã ghi lại trong nhiều thập kỷ, mẹ đã đấu tranh với nghi ngờ.

Và thầy phó tế Molvarec cũng gợi ý một ứng viên khác: linh mục Dòng Tên Walter Ciszek. Nhiều người biết câu chuyện lịch sử về cuộc vượt ngục không hình dung được của cha qua quyển tự truyện Với Chúa ở Nga (With God in Russia) và bạn cũng nên đọc quyển Ngài hướng dẫn tôi (He Leadeth Me) cũng của cha Ciszek để hiểu thêm “câu chuyện nội tâm” của cha trong suốt thời gian bấp bênh, bầm dập này.

Thầy phó tế gợi ý thêm cho những người nghi ngờ để họ có hy vọng tiếp tục theo đuổi đức tin: “Hãy giả vờ tin cho đến khi bạn thành công.”

Molvarec nói: “Nếu bạn đọc kỹ, cha Walter đã trải qua thời kỳ tăm tối vô cùng khi ở nhà tù Lubyanka ở Liên Xô, cha bị giam giữ và thẩm vấn liên tục và sau đó phải làm lao công trong các trại lao động.” Cha nói, cuộc đấu tranh của cha với nghi ngờ được thể hiện rõ trong bài viết, nhưng nó cũng cho thấy sự kiên trì của cha trong đức tin và sự tin cậy nơi Chúa. Đối với cha Walter, đức tin vượt lên nghi ngờ phụ thuộc vào việc đọc lời cầu nguyện truyền thống mỗi ngày, thầy phó tế Molvarec nói, kinh cầu nguyện mỗi sáng là kinh:  “trong đó mọi sự được dâng lên Chúa theo cách mà Thánh I-Nhã muốn làm với kinh Xin hãy nhận lấy, lời cầu nguyện kết thúc các bài tập linh thao.”

Thầy phó tế Molvarec bổ sung một gợi ý cho những người nghi ngờ hy vọng để họ tiếp tục theo đuổi đức tin, thầy trích từ Tư tưởng của triết gia Pascal: Về cơ bản, “hãy giả vờ tin cho đến khi bạn thành công”.

Thầy nói: “Đi theo những diễn tiến trong lòng, đi lễ; cố gắng cầu nguyện để xem điều gì sẽ xảy ra. Tôi nghĩ có một khôn ngoan nào đó trong việc cố gắng vượt qua nghi ngờ, bằng cách không chỉ ngồi cân nhắc và trí tuệ hóa mà hãy thực sự làm một điều gì đó tích cực.” Cha Haight cũng khuyên bạn nên kiểm tra hành động của mình để tìm ra đâu là điều mà bạn thực sự tin tưởng. Đó có phải là Chúa hay đó chỉ là đi đến đàng trước?

Cha nói: “Bạn phải nhìn lại đời mình. Nhìn vào các việc mình làm và xem các cam kết nền tảng của mình, niềm tin cơ bản của bạn ở đâu. Mọi người có thể nói họ tin vào Chúa và kết hiệp tình yêu của Chúa và với người anh em, nhưng hãy xem cách họ thực sự sống cuộc sống của họ như thế nào.”

Bây giờ điều này có thể chứng minh qua việc xét mình các sự kiện và hình ảnh đạo đức, một đòi hỏi với tất cả sự liêm chính trong ngành báo chí của tôi để kết luận. Trong thời gian chờ đợi, tôi có thể sẵn sàng chia sẻ đức tin nghi ngờ của tôi với những em bé mà tôi hy vọng dạy dỗ trong nhà thờ này, để có thể là ánh sáng cho chúng. Và tôi sẵn sàng kiên trì đi lễ trong cầu nguyện và run rẩy, nhưng có lẽ cũng là niềm an ủi với các tín hữu khác, cùng với tôi mỗi tuần trong nghi ngờ và hy vọng.

Kevin Clarke là trưởng ban tùy viên của trang America và là tác giả sách Oscar Romero: Tình yêu phải chiến thắng (Oscar Romero: Love Must Win, nxb. Liturgical Press).

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn tin: www.phanxico.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây