Hội nghị tập trung vào di sản của Cha George Lemaître, người được Đức Thánh Cha đề cao khi lưu ý rằng giá trị khoa học của vị linh mục và nhà vũ trụ học người Bỉ đã được Liên minh Thiên văn Quốc tế công nhận, và tổ chức này “đã quyết định rằng định luật Hubble nổi tiếng nên được gọi cách đúng hơn là định luật Hubble-Lemaître”.
Khi các nhà khoa học thảo luận về “những câu hỏi mới nhất được đặt ra bởi nghiên cứu khoa học về vũ trụ học”, Đức Thánh Cha bảo đảm với họ rằng “Giáo hội chú ý đến những nghiên cứu như vậy và thúc đẩy nó, bởi vì nó đánh động sự nhạy cảm và trí thông minh của con người nam nữ trong thời đại chúng ta”.
Ngài nhấn mạnh rằng sự khởi đầu của vũ trụ, sự tiến hóa cuối cùng của nó và cấu trúc sâu sắc của không gian và thời gian “thách đố con người trong cuộc tìm kiếm điên cuồng về ý nghĩa, trong một bối cảnh rộng lớn nơi họ có nguy cơ đánh mất chính mình”. Ngài lưu ý rằng qua các Thánh Vịnh, trong số những điều khác, thật rõ ràng là, những chủ đề này có liên quan đặc biệt đến thần học, triết học, khoa học cũng như đời sống tâm linh.
Một ví dụ về điều này là cha George Lemaître, “một linh mục và nhà khoa học gương mẫu” mà “hành trình nhân bản và thiêng liêng tượng trưng cho một mô hình cuộc sống mà tất cả chúng ta đều có thể học hỏi”, khi ngài hiểu rằng “khoa học và đức tin đi theo hai con đường khác nhau và song song, giữa chúng không có xung đột”.
Đức Thánh Cha nói tiếp rằng thực ra “những con đường này có thể hòa hợp với nhau, bởi vì cả khoa học và đức tin, đối với một tín hữu, đều có cùng một nền tảng trong Chân lý tuyệt đối của Thiên Chúa”.
Kết thúc bài phát biểu, Đức Thánh Cha mời gọi các nhà khoa học tiếp tục khuyến khích nhau trong tinh thần trung thành và khiêm tốn về các vấn đề họ đang thảo luận. Ngài nhắc lại: “Đức tin và khoa học có thể hợp nhất trong tình bác ái nếu khoa học phục vụ con người trong thời đại chúng ta, và không bị bóp méo khiến gây tổn hại hoặc thậm chí hủy diệt họ”.
Vatican News
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn