Tiểu sử Cha Michał Rapacz
Cha Michał sinh ngày 16/9/1904 tại làng Tenczyn, Tổng giáo phận Krakow, trong gia đình của ông bà Jan và Marianna Rapacz, một đôi vợ chồng hòa thuận và ngoan đạo, điều hành một trang trại.
Sau khi học xong tiểu học ở Tenczyn, Michał tiếp tục học tại trường trung học ở Myślenice. Năm 1926, ngài vào đại chủng viện ở Krakow. Ngày 1/2/1931, ngài được Đức Tổng Giám mục Adam Stefan Sapieha truyền chức linh mục và sau đó được cử làm cha xứ tại giáo xứ Płoki gần Trzebinia. Sau hai năm, ngài được chuyển đến giáo xứ Rajcza, nơi ngài phục vụ trong bốn năm. Sau đó, theo quyết định của Đức Tổng Giám mục Sapieha, ngài lại được trở lại Płoki làm giám quản và sau đó là linh mục quản xứ, và phục vụ tại đó cho đến khi qua đời.
Lòng nhiệt thành trong việc hoàn thành sứ vụ mục tử
Cha Michał nổi bật vì lòng nhiệt thành trong việc hoàn thành sứ vụ mục tử. Ngài tham gia vào việc dạy giáo lý cho trẻ em và giới trẻ, cử hành các bí tích và rao giảng Lời Chúa. Ngài dành nhiều sự quan tâm đến việc điều hành các nhóm Mân côi sống, các hiệp hội giới trẻ và sân khấu nghiệp dư, cố gắng đào tạo các thành viên của các hội đoàn về giáo dục tôn giáo, văn hóa và yêu nước. Ngài rất nghiêm túc với bản thân và người khác, nhưng đồng thời lại nổi bật về lòng tốt, sự hiền hòa và tôn trọng mọi người. Bất chấp hoàn cảnh kinh tế khó khăn của giáo xứ, ngài vẫn giúp đỡ vật chất cho người nghèo, dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ tinh thần cho người bệnh.
Một người cầu nguyện, yêu mến Bí tích Thánh Thể
Cha Michał là một người cầu nguyện, yêu mến Bí tích Thánh Thể. Hàng ngày ngài đến viếng Thánh Thể ở nhà thờ. Ngài thường đến đó vào ban đêm để chầu hoặc cầu nguyện lâu giờ trước ảnh Đức Mẹ Płoki. Ngài sử dụng cuốn Liber animarum, danh sách các tín hữu trong giáo xứ, trong đó ngài ghi lại những quan sát về sự dấn thân tôn giáo của họ và những vấn đề họ gặp phải. Ngài mang theo những ghi chú này khi cầu nguyện và phó thác mọi người cũng như gia đình họ cho Chúa. Ngài thường kết thúc lời cầu nguyện này bằng việc ngắm Đàng Thánh Giá.
Lòng đạo đức của Cha Michał Rapacz được đặc trưng bởi sự tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa và mong muốn thực hiện trọn vẹn thánh ý trong sứ vụ linh mục.
Tử đạo
Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, hoạt động của ngài khiến những người cộng sản nắm quyền ở Ba Lan không thích. Ngài không trực tiếp đấu tranh chống lại chế độ bằng lời nói cũng như hành động nhưng chỉ rao giảng Tin Mừng và nhắc lại những giá trị Kitô giáo bắt nguồn từ đó. Ngài cố gắng nâng cao nhận thức của lương tâm, vốn sau cuộc xung đột, đã mất khả năng nhận biết thiện và ác, sự thật và dối trá.
Những kẻ thù của đức tin đã nhìn thấy hiệu quả hoạt động mục vụ của ngài và quyết định rằng điều này đe dọa ảnh hưởng của họ đối với xã hội, xã hội mà họ tìm cách chiếm lấy bằng cách truyền bá một hệ tư tưởng vô thần.
Dù được cảnh báo nhiều lần rằng ngài đã bị kết án tử hình, Cha Michał quyết định tiếp tục đảm nhiệm sứ vụ mục tử của ngài cho đến cùng. Ngài nói với những người thông báo cho ngài về mối đe dọa: “Tôi sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình vì đàn chiên”.
Đêm ngày 11, rạng sáng ngày 12/5/1946, một nhóm phiến quân cộng sản đã thi hành án tử hình. Những lời cuối cùng cha nói khi bị dẫn ra khỏi nhà xứ vào khu rừng gần đó, được em gái của ngài nghe thấy là: “Lạy Cha, xin cho ý Cha được thực hiện!”.
Tiến trình tuyên phong chân phước
Tình hình chính trị thời hậu chiến ở Ba Lan không cho phép nhanh chóng mở tiến trình phong thánh. Những biểu hiện phân biệt đối xử và thậm chí bách hại Giáo hội trong nước cũng như đàn áp những người tuyên xưng đức tin Kitô giáo kéo dài cho đến cuối thập niên 1980. Trong những năm 1986-1987, Đức Cha Julian Groblicki, phụ tá giáo phận Krakow, được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II khuyến khích, đã bắt đầu thu thập các tài liệu và chứng từ liên quan đến cuộc tử đạo của Cha Michał Rapacz.
Vào ngày 23/1/1993, Đức Hồng Y Franciszek Macharski, Tổng Giám mục Krakow, đã yêu cầu Bộ Phong Thánh cho phép thực hiện tiến trình và vào ngày 10/3/1993, Bộ Phong Thánh đã tuyên bố án phong chân phước cho Cha Michał Rapacz không có gì ngăn trở. Án phong chân phước cấp giáo phận Krakow kết thúc vào ngày 9/11 cùng năm 1993. Hồ sơ án phong đã được chuyển đến Roma. Tuy nhiên, những thiếu sót về mặt hình thức và yếu tố cốt yếu đã không cho phép công việc tiếp tục. Cuộc điều tra của giáo phận phải được hoàn thành.
Vào ngày 29/9/2005, Đức Hồng y Stanisław Dziwisz, Tổng Giám mục Krakow, đã tiếp tục án phong chân phước cho Cha Michał Rapacz. Vào ngày 30/6/2017, Tổng giám mục đương nhiệm Marek Jędraszewski đã kết thúc án phong chân phước cấp giáo phận. Hồ sơ đã được chuyển về Bộ Phong Thánh ở Roma và vào ngày 16/3/2018, Bộ đã xác nhận tính hợp lệ của tiến trình cấp giáo phận.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng các tài liệu được thu thập, các cơ quan riêng lẻ của Bộ Phong Thánh, tức là hội đồng các cố vấn lịch sử, hội đồng các cố vấn thần học và cuối cùng là công nghị thông thường gồm các Hồng y và Giám mục, đã bày tỏ những ý kiến tích cực, nhìn nhận rằng cuộc tử đạo của Cha Michał Rapacz là do lòng căm thù đức tin của những người cộng sản. Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác nhận điều này trong một sắc lệnh được ký ngày 24/1 năm nay. (Oss. Rom. 14/06/2024)
Thánh lễ tuyên phong chân phước
Chủ sự Thánh lễ phong chân phước cho Cha Michał Rapacz vào sáng ngày 15/6/2024, Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Phong Thánh nói: “Việc truyền bá tình yêu đối với Chúa Kitô, đối với cha, là liều thuốc giải độc duy nhất hiệu quả đối với chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa duy vật và tất cả những thế giới quan đe dọa phẩm giá con người”. Ngài định nghĩa việc phong chân phước cho Cha Michał là “Một dấu hiệu an ủi từ Thiên Chúa, trong một thời điểm vẫn còn bị tổn thương bởi bạo lực và chiến tranh ở nhiều nơi trên thế giới và cũng không xa nơi này lắm”. Ngài nói rằng từ đây tỏa ra một thông điệp về “niềm hy vọng và sự an ủi tỏa trên toàn thể đất nước Ba Lan và toàn thế giới”.
Bí tích Thánh Thể như một “bí tích của lòng thương xót”
Trong bài giảng, Đức Hồng y Semeraro tập trung vào ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể như một “bí tích của lòng thương xót”. Ngài nhắc lại, theo Đức Thánh Cha Phanxicô, đó “không phải là phần thưởng cho người tốt, nhưng là sức mạnh cho người yếu đuối, cho tội nhân. Đó là sự tha thứ, đó là lương thực giúp chúng ta bước đi”. Từ quan điểm này, ngài nói tiếp, “được nuôi dưỡng bởi Bánh Thánh Thể, chúng ta cũng có thể thưa tiếng xin vâng của mình, đó là cam kết thực hiện và sống những lựa chọn triệt để, can đảm, thậm chí không thoải mái. Thưa vâng bằng cách đáp lại sự dữ bằng sự thiện, trở thành những người xây dựng hòa bình và theo đuổi những lý tưởng về tiêu chuẩn cao của đời sống Kitô hữu mà các vị thánh, với chứng tá của các ngài, đã chỉ cho chúng ta thấy”, bằng cách đặt mình “phục vụ cách quảng đại” những người rốt cùng, những người nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người nhỏ bé nhất và không có khả năng tự vệ nhất”.
Cha Michał Rapacz là gương mẫu của lòng yêu mến Thánh Thể
Tổng trưởng Bộ Phong Thánh đã đưa ra một hình mẫu để noi theo, chính là Cha Michał Rapacz. Đối với cha, “Bí tích Thánh Thể là nền tảng cho cuộc đời cha với tư cách là một người của Thiên Chúa”. Đức Hồng y nói: “Việc truyền bá tình yêu của Chúa Kitô hiện diện trong Bánh Thánh Thể đối với ngài là liều thuốc giải độc hiệu quả duy nhất cho chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa duy vật và tất cả những tầm nhìn về thế giới đe dọa phẩm giá con người”. Và chính “từ lễ tế của Chúa Giêsu trên bàn thờ” mà cha “đã rút ra được tình yêu vĩ đại nhất, tình yêu không bị tê liệt trước hận thù, bạo lực và mọi thứ gây sợ hãi”. Đức Hồng y nói thêm, là một mục tử của những tâm hồn bắt nguồn từ lòng bác ái, Cha Michał đã giữ vững một quyết tâm: “Tôi sẵn sàng hiến mạng sống vì đàn chiên của mình”.
Đáp lại lời mời gọi nên thánh
Theo nghĩa này, Đức Hồng Y mời gọi giới trẻ hãy nhìn vị linh mục tử đạo như một “lời khuyến khích đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu bằng tất cả bản thân mình”, vì trong cuộc đời ngài, Cha Rapacz “đã lớn lên với sự khôn ngoan lớn nhất: đó là biết cách phân định có thể trao tặng hoàn toàn bản thân cho ai”, nhận thức được thực tế rằng “đáp lại ơn gọi Kitô hữu một cách quảng đại là luôn đáp lại lời mời gọi nên thánh mà Thiên Chúa ngỏ với mọi người nam nữ”.
Mời gọi tất cả các linh mục hãy tin vào sức mạnh của Bí tích Thánh Thể
Tổng trưởng Bộ Phong Thánh nhắc lại “nhu cầu thiêng liêng” đã thúc đẩy vị tân chân phước, thúc giục ngài mỗi đêm vào nhà thờ và phủ phục dưới đất, theo hình thánh giá, trước Nhà Tạm Thánh Thể, để chuyển cầu “cho các gia đình và mọi người trong cộng đoàn của ngài”. Do đó, Đức Hồng y Semeraro nói thêm, Cha Michał Rapacz “dạy rằng Bí tích Thánh Thể không chỉ là nguồn gốc của sự tốt lành, mà còn là sự viên mãn của nó, bởi vì nơi đó, sự bất an của con người, sự tìm kiếm của họ, tất cả những gì họ cần tìm được nơi ẩn náu. Chầu Thánh Thể cũng có nghĩa là trao lại cho Chúa Giêsu chính chúng ta và mọi điều con người cần để cảm nghiệm sức mạnh giải phóng và biến đổi của Người”.
Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh rằng vị tân chân phước người Ba Lan đưa ra lời mời gọi tất cả các linh mục hãy “tin vào sức mạnh của Bí tích Thánh Thể, sức mạnh duy nhất mà qua đó mỗi người chúng ta có thể trở thành, như ngài, một chứng nhân trung thành và quảng đại của Tin Mừng cho đến hiến mạng sống”.
Các vị tử đạo: nhân chứng của niềm hy vọng
Cuối cùng, hướng đến Năm Thánh sắp đến, tập trung vào khẩu hiệu “Những người Hành hương Hy vọng”, ngài định nghĩa nó như là “một trải nghiệm về niềm hy vọng đích thực, một trải nghiệm rộng lớn như cả thế giới”, mà lời chứng thuyết phục nhất được đưa ra chính xác bởi các vị tử đạo, những người, “vững vàng trong niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh, đã có thể từ bỏ chính cuộc sống trên trái đất này để không phản bội Chúa của họ” (Spes non confundit, 20).
Trong Thánh lễ, hộp đựng thánh tích của Cha Michał Rapacz đã được rước đến bàn thờ, gồm một phần hài cốt của vị tân chân phước, thu được trong quá trình khai quật hài cốt của ngài vào tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, theo quyết định của Đức Tổng Giám mục Marek Jędraszewski, Tổng Giám mục Krakow, phần hài cốt còn lại của Cha Rapacz được lưu giữ tại bàn thờ phụ của nhà thờ giáo xứ Płoki, nơi sẽ là nơi tôn kính chính của vị tân chân phước.
Vatican News
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn