Giáo xứ Vinh Hương

Tình huynh đệ và lòng thương xót, ý nghĩa cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô tới Indonesia

Thứ sáu - 14/06/2024 21:15
Tình huynh đệ và lòng thương xót, ý nghĩa cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô tới Indonesia
Đức cha Paskalis Bruno Syukur, Giám mục Bogor, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Indonesia, nói rằng tầm quan trọng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tới Indonesia sẽ được đánh dấu bằng “tình huynh đệ và lòng thương xót”, và đó cũng sẽ là nét chủ đạo cho sự hiện diện của ngài tại quần đảo châu Á.

 

Đức cha giải thích, cộng đoàn Công giáo Indonesia, các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, yêu mến Đức Thánh Cha và xem ngài như một khuôn mặt làm chứng cho tình huynh đệ, lòng thương xót và đức tin mạnh mẽ vào Chúa Giêsu.

Trước những kỳ vọng của toàn thể Indonesia, một quốc gia có 275 triệu dân, đối với chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, ngài nhấn mạnh: “Mong muốn và hy vọng của chúng tôi là sự xuất hiện của Đức Thánh Cha sẽ truyền cảm hứng cho cả nước bảo đảm và duy trì thịnh vượng và hòa bình”.

Về chủ đề tình huynh đệ, Đức cha Syukur giải thích: “Trong nhiều dịp và trong suốt triều Giáo hoàng, Đức Thánh Cha đã ưu tiên tình huynh đệ nhân loại, tập trung vào phẩm giá con người không phân biệt sắc tộc, văn hóa và tôn giáo: thông điệp ‘Fratelli tutti’ của ngài đào sâu và giải thích cách tiếp cận này”.

Đức cha Tổng Thư ký nhấn mạnh: “Tại quốc gia Indonesia rộng lớn và đa nguyên, điều này đặc biệt rõ ràng trong kinh nghiệm chung sống giữa các nhóm văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ khác nhau, cũng như trong sự chung sống hòa bình và đối thoại giữa các tín đồ của các tôn giáo trong một quốc gia đa số Hồi giáo”.

Ngài nói: “Đức Thánh Cha thường ca ngợi Indonesia vì sự chung sống của đa dạng sắc tộc và văn hóa, được thể hiện trong khẩu hiệu quốc gia ‘Thống nhất trong đa dạng’. Việc ngài đến Indonesia sẽ là một cơ hội để củng cố tinh thần huynh đệ và sự đa nguyên, đôi khi có thể suy yếu do các khu vực, các vấn đề xã hội và chính trị khác nhau. Chúng tôi tin rằng sự hiện diện của Đức Thánh Cha sẽ được các tín hữu của các cộng đoàn tôn giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, Phật giáo và Ấn giáo đánh giá cao. Đức Thánh Cha là một nhân cách truyền cảm hứng cho sự hiệp nhất, sự đón nhận và tình yêu thương dành cho người khác, người thúc đẩy đối thoại và hội nhập, một người của hòa bình và hy vọng, đón nhận mọi người”.

Theo nghĩa này, theo Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Indonesia, Đức Thánh Cha cũng có thể khuyến khích xã hội Indonesia sống theo chủ đề lớn thứ hai: lòng thương xót người khác. Ngài đến để nói với mọi người rằng Chúa Kitô hiện diện nơi những người nhỏ bé và yếu đuối. Giáo hội địa phương muốn nhân cơ hội này đề nghị với tất cả các cộng đoàn Công giáo ở Indonesia, ở các khu vực, canh tân tinh thần nhân ái đối với những người nhỏ bé, cộng đoàn nghèo, vùng sâu vùng xa, hướng tới những người thiếu thốn, đau khổ và yếu đuối. Giáo hội được kêu gọi đi ra ngoài và đến với người nghèo và người đau khổ bằng sự phong phú và niềm vui của Tin Mừng.

Đức cha tin tưởng vào lòng đạo đức của các công dân Indonesia. Đức Thánh Cha là người có sức lôi cuốn trên toàn thế giới, một nhà lãnh đạo tôn giáo, một người của Thiên Chúa, và do đó sự hiện diện của ngài sẽ củng cố đức tin của người dân.

Cuối cùng, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha trong năm 2024, sẽ đánh dấu 100 năm Hội đồng Giám mục Indonesia được thiết lập, bắt đầu con đường hiệp thông và hiệp hành trong Giáo hội Indonesia trên lãnh thổ của một quần đảo rộng lớn nằm rải rác trên 17.000 hòn đảo. Và các Giám mục nói rằng đây sẽ là một sự chuẩn bị hiệu quả để sống Năm Thánh 2025 dưới dấu chỉ của niềm hy vọng được canh tân.

Vatican News

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây