Giáo xứ Vinh Hương

Mông Cổ: chuyến đi chiến lược của Đức Phanxicô

Thứ ba - 22/08/2023 20:55
Oulan-Bator, thủ đô của Mông Cổ, nơi Đức Phanxicô sẽ là giáo hoàng đầu tiên đặt chân đến đây
Oulan-Bator, thủ đô của Mông Cổ, nơi Đức Phanxicô sẽ là giáo hoàng đầu tiên đặt chân đến đây


Từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9 năm 2023, Đức Phanxicô sẽ là giáo hoàng đầu tiên đến Mông Cổ. Chuyến đi tuy trước hết là để ngài muốn nói chuyện với người dân Mông Cổ và cộng đồng người công giáo nhỏ địa phương, nhưng chuyến đi đến vùng đất của các Khans, một nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa trước đây nằm giữa Nga và Trung Quốc, cũng là chuyến đi chiến lược của Tòa Thánh.
 

Kể từ khi Bức tường sụp đổ và chấm dứt chế độ tự cung tự cấp của các khối xã hội chủ nghĩa, một trong những trục chính của chính sách ngoại giao của Vatican là cố gắng làm cho tiếng nói của mình được lắng nghe trên vùng đất rộng lớn trải dài từ Balkan đến Đông Nam Á này. Mục tiêu: hỗ trợ các cộng đồng hiện đang trải qua cuộc bách hại, đồng thời khuyến khích việc truyền giáo và rao giảng phúc âm.

Di sản của Đức Gioan Phaolô II, được nhiều nhà quan sát xem là một trong những người tiên phong dẫn đến sự sụp đổ của thế giới cộng sản, đã kích động nhiều nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa trước đây còn nghi ngờ – thúc đẩy họ kiểm soát sự có mặt của Giáo hội công giáo trên lãnh thổ của họ. Đây là trường hợp đặc biệt ở Nga – nơi chưa có giáo hoàng nào có thể đến thăm – và ở Trung Quốc, – nơi Giáo hội nằm dưới sự giám hộ của một Hiệp hội Công giáo Yêu nước, một Hiệp hội được Đảng cộng sản Trung Quốc ủng hộ – ở các mức độ khác nhau, Hiệp hội này cũng có ở Kazakhstan, Việt Nam, Lào và ở cả Mông Cổ.

Tuy nhiên, gần đây Mông Cổ cho thấy họ sẵn sàng thiết lập các mối quan hệ mới với Tòa thánh, bằng chứng là chuyến đi này của Đức Phanxicô. Một trường hợp tương tự là Kazakhstan, nơi ngài đã đến thăm vào tháng 9 năm ngoái. Ở hai quốc gia có biên giới với Nga và Trung Quốc, chính phủ đã thể hiện mong muốn nới lỏng sự kiểm soát của họ với các Giáo hội địa phương – tuy nhiên không trao quyền tự do hoàn toàn cho các nhà truyền giáo và linh mục địa phương.

Một ngoại giao ngoại vi

Chính sách ngoại giao của Tòa Thánh phát triển ở các quốc gia này là chính sách “ngoại vi”, thuật ngữ được Đức Phanxicô thích dùng: đi đến các biên giới của Trung Quốc và Nga, ngài cố gắng đảm bảo với họ, ngài có thể hội nhập, đến với văn hóa châu Á, và ngài không phải là “tuyên úy của phương Tây” như Bắc Kinh và Matxcova lo sợ. Mối quan hệ tốt đẹp với Mông Cổ, Kazakhstan hay Việt Nam, những nước gắn bó chặt chẽ với các nước láng giềng lớn của họ, trong tương lai có thể là khuôn mẫu cho việc nối lại quan hệ với các nước lớn này.

Với Nga, việc này đã thể hiện đặc biệt rõ rệt kể từ năm 2022 và khi chiến tranh bùng nổ ở Ukraine. Trong chuyến bay trên đường từ Kazakhstan về Rôma, Đức Phanxicô nói rằng việc đóng cánh cửa đối thoại với Nga chẳng khác nào đóng “cánh cửa hợp lý duy nhất dẫn đến hòa bình”. Chính sách ngoại giao của ngài luôn bảo vệ cách hành động này – bằng chứng là chuyến đi Matxcova gần đây của hồng y Matteo Maria Zuppi.

Một trung gian có giá trị với Matxcova

Một nhà truyền giáo đã sống ở Mông Cổ 10 năm cho biết, tuy nước Nga có mặt ở Mông Cổ ít hơn so với Trung quốc, nhưng nước Nga được một số dân chúng ở đây yêu thích. Vì thế Oulan-Bator có thể là một trung gian có giá trị cho các cuộc thảo luận với Matxcova.

Với Trung Quốc, khó khăn của Vatican dường như còn lớn hơn, thỏa thuận lịch sử về việc bổ nhiệm giám mục mà hai bên có được từ năm 2018, cho đến nay vẫn chưa thực sự có kết quả – Trung Quốc tiếp tục hành động mà không hỏi ý kiến Tòa thánh. Trong chuyến đi Kazakhstan trước đây, Đức Phanxicô đã cố gắng gặp Tập Cận Bình, người tình cờ có mặt ở Astana cùng lúc với ngài, nhưng không được. Tại Mông Cổ, ngài sẽ tiếp tục đi trên Con đường tơ lụa và cố gắng tiến một bước đến gần Bắc Kinh hơn.

Trong chuyến đi Kazakhstan trước đây, Đức Phanxicô đã cố gắng gặp Tập Cận Bình nhưng không được | © Liên bang Senado/Flickr/CC BY 2.0
 

Mông Cổ từ lâu đã được Tòa thánh xem là cửa ngõ để Giáo hội đến Trung Quốc. Trong bài phát biểu nhân dịp Năm Thánh 2000, hồng y Jozef Tomko, phụ trách các cơ quan truyền giáo, đã hoan nghênh những người đầu tiên được rửa tội ở Mông Cổ, và sau đó ngài tuyên bố: “Cùng lúc, chúng tôi chờ đợi giờ của Trung Quốc vĩ đại.” Cánh cửa này hiện đang khép hờ với các linh mục, dù có các biện pháp kiểm soát quan trọng do hải quan Trung quốc áp đặt.

“Tràng chuỗi hạt trai”

Ở Mông Cổ, Tòa thánh dường như đang đặt một viên đá mới trong vòng bao vây của Trung Quốc. Chúng ta có thể nói đó là chiến lược “tràng chuỗi hạt trai”, liên quan đến chiến lược “chuỗi ngọc trai” do Trung Quốc thiết lập ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.

“Tràng chuỗi hạt trai” này trước tiên được làm bằng những vị trí đầu tiên của các trung tâm truyền thống công giáo trong vùng như Đài Loan và Hồng Kông – nơi mà hồng y được chỉ định Stephen Sau-yan Chow là người trung gian thiết yếu với Bắc Kinh. Tuy nhiên, cựu thuộc địa Anh và nước cộng hòa nhỏ bé Formosa đang bị suy yếu do mong muốn của Bắc Kinh đặt họ hoàn toàn dưới sự kiểm soát trong những năm tới, làm giảm mức độ tự do, biến họ thành nền tảng chiến lược của Giáo hội – đặc biệt để gởi các nhà truyền giáo đến Trung Quốc.

Đối diện với sự suy yếu này của Đài Loan và Hồng Kông, Mông Cổ, cũng như Miến Điện hay Kazakhstan, đại diện cho một hình thức hiện diện công giáo kín đáo mới tại các cửa ngõ của Trung Quốc. Và sự nhiệt thành đáng kể trong quan hệ giữa Vatican và Việt Nam vào mùa hè này – với việc mở rộng quan hệ ngoại giao – là một bước tiến xa hơn theo hướng này.

Hồng y Giorgio Marengo phụ trách 1.400 tín hữu công giáo ở Mông Cổ, nước đa số có người dân theo đạo phật giáo | © Truyền thông Vatican
 

Trong những năm gần đây, Đức Phanxicô có các cố vấn có thể đóng vai trò trung gian hòa giải với Trung Quốc, trước hết là hồng y Phi Luật Tân Luis Antonio Tagle, bộ trưởng bộ Truyền giáo, con của một người Trung Quốc di cư, tham dự vào các nỗ lực nối lại quan hệ với Bắc Kinh qua chính sách ngoại giao do hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin lãnh đạo. Ngoài ra còn có hồng y William Goh, tổng giám mục Singapore, thành viên cộng đồng người Hoa quan trọng của thành phố-Quốc gia này.

Ở Mông Cổ, dù người Trung quốc rất ít, nhưng Đức Phanxicô đã phong hồng y cho nhà truyền giáo còn rất trẻ Giorgio Marengo. Về mặt lãnh thổ, trong Giáo hội, Mông Cổ được liên kết với không gian rộng lớn của Trung Á, làm cho hồng y-bộ trưởng của Oulan-Bator là người tiên phong của Giáo hội trên Con đường Tơ lụa mà Trung Quốc đang cố gắng hồi sinh.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn tin: www.phanxico.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây