Đời sống người tín hữu kitô luôn đứng trước thử thách và các cám dỗ, luôn đứng trước cuộc chiến thiêng liêng. Trong bài giáo lý về tính tốt tính xấu, Đức Phanxicô đưa ra mười thái độ căn bản giúp chúng ta lựa chọn điều tốt và tránh điều xấu.
Chủ đề các buổi tiếp kiến chung của Đức Phanxicô trong 20 buổi tiếp kiến những tháng vừa qua là tính tốt tính xấu: “Đời sống người tín hữu kitô là đời sống liên tục thử thách, liên tục đấu tranh. Chúng ta tất cả đều có các cám dỗ và chúng ta cần học cách đối phó với những cám dỗ này. Vì thế việc nhận biết tính tốt tính xấu trong cuộc sống là điều cần thiết để phân biệt thiện ác, để chọn điều tốt, tránh điều xấu.”
Tính xấu ăn sâu vào con người, đó là loại cỏ dại khó diệt trừ. Theo truyền thống, có 7 mối tội đầu: kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, giận dữ, mê ăn uống, ghét người, làm biếng.
Và Giáo hội có bốn nhân đức để chống các tính hư tật xấu này: khôn ngoan, công bằng, dũng cảm và tiết độ, Đức Phanxicô thêm vào đức khiêm nhường. Các nhân đức này gọi là nhân đức chính vì giúp chúng ta trụ vững trong cuộc sống. Chúng có từ cổ xưa, trước kitô giáo, và kitô giáo nêu bật, làm phong phú, thanh lọc và hội nhập vào đức tin.
Chúng ta trông cậy vào sự trợ giúp đặc biệt của Chúa Thánh Thần để phát triển ba nhân đức đối thần khác: đức tin, đức cậy, đức ái. Các nhân đức này được gọi là nhân đức thần học, vì chúng được tiếp nhận và sống trong tương quan với Thiên Chúa.
1. Là người bảo vệ tâm hồn mình
Đức Phanxicô kêu gọi chúng ta hiểu những gì đang xảy ra trong tâm hồn vì chúng ta tất cả đều có tội: “Một chút cái nhìn nội tâm sẽ giúp ích cho tâm hồn chúng ta, hiểu từng suy nghĩ, từng ước muốn nảy sinh trong tâm trí, chúng ta sẽ hành động như người bảo vệ khôn ngoan, xét mình để hiểu xem chúng đến từ đâu: từ Chúa hay từ kẻ thù của Chúa.”
Nếu nó đến từ Thiên Chúa, chúng ta đón nhận vì đó là khởi đầu của hạnh phúc, nhưng nếu từ kẻ thù thì chúng ta phải loại nó, dù mới đầu rất nhỏ bé nhưng một khi nó bén rễ, chúng ta sẽ thấy mình trong cây cổ thụ của thói hư tật xấu.
2. Thận trọng khôn ngoan
Người khôn ngoan, dựa vào trí thông minh, vào khôn ngoan, vào tự do nội tâm để hướng hành động về điều tốt đẹp. Đức Phanxicô nêu lên: “Người khôn ngoan là người sáng tạo: lý luận, đánh giá, tìm cách hiểu sự phức tạp của thực tế và không để mình bị cảm xúc, lười biếng, áp lực, ảo tưởng chi phối.”
Thận trọng là người có tầm nhìn xa, một khi chúng ta có mục tiêu cần phải đạt, chúng ta phải dành cho mình mọi phương tiện để đạt được mục tiêu đó.
3. Tránh nóng nảy, vội vàng
Kiên nhẫn không phải là một đức tính tự nhiên. Đức Phanxicô lưu ý: “Thật khó để giữ bình tĩnh, kiểm soát bản năng, kiềm chế tật xấu, làm dịu các cuộc cãi vã xung đột trong gia đình, nơi làm việc, trong cộng đồng (…), chịu đựng những người khó chịu.”
Để trau dồi tính kiên nhẫn, ngài khuyên chúng ta hướng về Thiên Chúa, Đấng kiên nhẫn: “Thiên Chúa chờ đợi, Ngài không vội tiêu diệt sự ác trước thời điểm, để không bị mất gì.”
Nhẫn nại là “chịu đựng những gì mình phải chịu đựng, là đặc điểm đầu tiên của mọi tình yêu vĩ đại, là biết lấy điều thiện đáp trả cái ác, không tự nhốt mình trong cơn giận dữ”.
4. Đối xử công bằng với mọi người
Công lý là đạo đức xã hội hoàn hảo, là mối quan hệ giữa con người với nhau một cách công bằng. Giả định mọi người đều được đối xử theo phẩm giá của mình, trả lại cho Thiên Chúa và người anh em những gì thuộc về họ. Tôn trọng pháp luật và phản đối sự thống trị của kẻ mạnh với kẻ yếu.
Ở mức độ cá nhân, đó là thái độ thẳng thắn, tử tế, tôn trọng, biết ơn, niềm nở, trung thực. Người chính trực biết trọng lời nói, biết xin lỗi. Họ không quan tâm đến lợi ích cá nhân, nhưng lợi ích của toàn xã hội. Họ tránh vu khống, làm chứng gian, lừa đảo, cho vay cắt cổ, nhạo báng, không trung thực.
5. Rèn luyện lòng dũng cảm
Sức mạnh tâm hồn, lòng dũng cảm là trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta vững vàng kiên định tìm điều tốt. Về mặt cá nhân, hướng về nội tâm giúp chúng ta chống lại những thế lực làm chúng ta tê liệt như lo lắng, đau khổ, tội lỗi, sợ hãi, giúp chúng ta vượt qua thử thách của cuộc sống.
Về mặt tập thể, lòng dũng cảm mang lại sức mạnh để chúng ta phản ứng và nói “không” với bất công, chiến tranh, bạo lực, nô lệ, áp bức người nghèo. Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Chúa Giêsu không phải là một Thiên Chúa vô can. Người tín hữu kitô không can đảm, không cố hết sức làm điều tốt, không muốn làm phiền ai, là người vô dụng.”
6. Tìm biện pháp phù hợp
Tiết độ là “sức mạnh của bản thân giúp chúng ta chống lại thói bốc đồng và đam mê, đó là đức tính đúng mực, giúp chúng ta hưởng được những điều tốt đẹp của cuộc sống: tình bạn, sự tin tưởng, sự ngạc nhiên…”.
Người ôn hòa biết “cân đo lời nói cho khéo”. Họ là món quà của cân bằng, giữ đúng biện pháp, đúng cách, khẳng định những nguyên tắc tuyệt đối, khẳng định những giá trị không thể thương lượng, hiểu người và đồng cảm.
Ôn hòa trái ngược với các hình thức “háu”, háu từ thực phẩm đến hàng hóa; biến người khác thành đối tượng để chiếm hữu họ.
7. Rèn luyện tính khiêm tốn
Theo Đức Phanxicô, đức tính khiêm nhường là nền tảng của đời sống người tín hữu kitô, là cửa ngõ để đi vào mọi nhân đức, đưa mọi thứ trở về chỗ đúng đắn của nó, chấp nhận sự nhỏ bé, những giới hạn, những bất toàn của chúng ta. Khiêm nhường có nguồn gốc từ tiếng la-tinh là “đất”, khiêm tốn giúp chúng ta giữ đôi chân của mình trên mặt đất.
Đức Trinh Nữ Maria là gương mẫu của đức khiêm nhường, sức mạnh của Mẹ là tính khiêm nhường, làm cho Mẹ trở thành người bất khả chiến bại. Những thử thách Mẹ gặp không bao giờ làm cho đức khiêm nhường của Mẹ bị lung lay, khiêm nhường là đức tính vững chắc của Mẹ.
Khiêm tốn đối lập với vinh quang hão, muốn mình là trọng tâm vũ trụ, đối tượng của mọi khen ngợi và mọi tình yêu, là xu hướng công cụ hóa các mối quan hệ để mình thống trị người khác.
Khiêm tốn hoàn toàn trái ngược với tội kiêu ngạo cực đoan, phù phiếm. Người kiêu ngạo luôn phán xét và khinh thường người khác.
8. Phó thác vào Chúa
Đức tin là nhân đức đối thần đầu tiên vì đức tin chỉ có thể sống được nhờ ơn Chúa. Đó là hành vi qua đó con người tự mình phó mình cho Chúa.
Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Đức tin không phải là chấp nhận một văn hóa với những giá trị đi kèm, nhưng đón nhận và trân trọng mối liên kết giữa mình và Thiên Chúa; giữa cái tôi và khuôn mặt nhân từ của Chúa Giêsu.”
Đó là ơn chúng ta phải xin mỗi ngày để đức tin luôn đổi mới trong chúng ta. Đức tin là sức mạnh không chỉ của con người, nhưng đức tin làm ơn Chúa ở trong chúng ta, mở tâm trí chúng ta với mầu nhiệm Thiên Chúa.
Ngược với đức tin không phải là lý trí, không phải là thông minh, nhưng là sợ hãi. Chúa Giêsu nói với các môn đệ khi họ sợ hãi trước cơn bảo trên biển hồ: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” (Mc 4:40).
Đức tin bị đe dọa vì biếng nhác, vì thiếu quan tâm thiêng liêng làm chúng ta “cảm thấy ghê tởm mọi thứ” đặc biệt trước mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Nó làm chúng ta uể oải biếng nhác thiêng liêng. Để vượt lên chướng ngại này, chúng ta phải kiên nhẫn chấp nhận sự nghèo khó của đức tin.
Người tín hữu kitô ý thức mình chỉ có một “phần nhỏ” đức tin. Đó là lý do vì sao Đức Phanxicô nói, “noi gương các môn đệ, chúng ta lặp lại: Lạy Chúa, xin tăng đức tin cho chúng con!” (x. Lc 17:5).
9. Đừng nhường bước trước bi quan
Hy vọng là nhân đức đối thần thứ hai, là “ơn trực tiếp của Chúa” vì không do công trạng chúng ta. Nó làm cho chúng ta “khát khao nước trời và sự sống đời đời, đặt tin tưởng vào lời hứa của Chúa Kitô dù có điều gì xảy ra nhưng với ơn của Chúa Thánh Thần, chúng ta đều có thể làm được. Niềm hy vọng giúp chúng ta đối diện với hiện tại khó khăn, cộng hưởng với kiên nhẫn, khả năng chờ đợi này giúp chúng ta vượt qua những đêm đen tối nhất”.
Đức Phanxicô nói: “Nếu thiếu hy vọng, tất cả các nhân đức khác có nguy cơ sụp đổ và kết thúc trong tro bụi.”
Kẻ thù của hy vọng là bi quan, nản lòng, buồn bã, các căn bệnh của tâm hồn. Buồn bã chán nản là nỗi phiền muộn liên miên làm con người không thể cảm nhận được niềm vui trong cuộc sống của mình, đôi khi đẩy con người chìm trong nỗi đau vô tận. Trước nỗi buồn này, Đức Phanxicô nhắc lại, Chúa Kitô mang lại niềm vui phục sinh. Đức tin xua tan sợ hãi, và sự phục sinh của Chúa Kitô xóa tan nỗi buồn như lăn hòn đá ra khỏi mồ.
10. Dám đón nhận tình yêu táo bạo
Tình yêu còn được gọi là đức mến, nhân đức đối thần thứ ba, là công việc của Chúa Thánh Thần trong chúng ta; đức ái đến từ Thiên Chúa và kết hợp chúng ta với Ngài. Ngài mời gọi chúng ta mến Chúa, là bằng hữu với Ngài, yêu người anh em như Ngài đã yêu, khơi dậy trong chúng ta mong muốn chia sẻ tình bằng hữu với Chúa xung quanh chúng ta. Bác ái “khác với tình yêu đơn thuần” vì đức ái không thể thực hiện được nếu không sống trong Chúa.
Đó là tình yêu đi ngược với thái độ thông thường của chúng ta. Đức Phanxicô nói: “Tình yêu vì Chúa Kitô, thúc đẩy chúng ta đến nơi mà chúng ta không thể đến: đến với người nghèo, với những người không biết ơn, không yêu chúng ta, để chúng ta có thể yêu thương và tha thứ cho kẻ thù chúng ta.
“Đó là một tình yêu táo bạo đến mức gần như không thể, nhưng đó là điều duy nhất còn lại của chúng ta.” Đó là lý do vì sao Thánh Phaolô trong bài ca nổi tiếng về tình yêu, đã nói: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” (1 Cor 13:13).
Marta An Nguyễn dịch
Nguồn tin: www.phanxico.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn