Giáo xứ Vinh Hương

Phục sinh 2024: lời kêu gọi hòa bình đầy đau đớn của Đức Phanxicô cho Gaza, Ukraine, Haiti

Chủ nhật - 31/03/2024 18:23
Ngày chúa nhật 31 tháng 3, Đức Phanxicô chủ sự thánh lễ Phục sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô, Rôma.
Ngày chúa nhật 31 tháng 3, Đức Phanxicô chủ sự thánh lễ Phục sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô, Rôma.


Trong phép lành Urbi et Orbi (Cho thành phố Rôma và cho Thế giới) ngày chúa nhật lễ Phục sinh, Đức Phanxicô đặc biệt kêu gọi “một trao đổi chung tất cả các tù nhân giữa Nga và Ukraine”.

Sáng nay Vatican tắm trong ánh sáng trắng. Trong nhiều ngày, gió mang theo cát từ sa mạc Sahara đã phủ bầu trời Rôma. Lời kêu gọi hòa bình của Đức Phanxicô cho một thế giới đang bị chiến tranh tàn phá, từ cửa sổ nổi tiếng của Đền thờ Thánh Phêrô có thể so sánh với những tia nắng khó xuyên qua dưới ánh sáng trắng.

Trong phẩm phục màu trắng, Đức Phanxicô ngồi xe lăn cử hành thánh lễ dưới bầu trời u ám lộng gió. Như hàng năm, bàn thờ được trang trí muôn màu với các bông hoa Hà Lan. Giáo dân đông nghẹt dự thánh lễ. Ngày thứ bảy, ngài cử hành Đêm Vọng Phục Sinh không tỏ ra mệt mỏi dù buổi lễ kéo dài hai tiếng rưỡi với 6.000 giáo dân trong nhà thờ. Đặc biệt là ngài giảng bài giảng dài 10 phút bằng tiếng Ý mà không gặp khó khăn gì đặc biệt. Dù phải mổ ruôt kết, một ca mổ lớn năm 2023, nhưng, Đức Phanxicô, người không bao giờ nghỉ hè, vẫn tiếp tục nhịp làm việc bận rộn ở Vatican, mỗi buổi sáng, ngài có thể tiếp khoảng 10 người khách.

Đức Phanxicô xin Thiên Chúa ban hòa bình, hòa giải, tình huynh đệ cho thế giới: “Chúng ta đừng nhượng bộ trước logic của vũ khí và tái vũ trang. Những tảng đá quá nặng dập tắt niềm hy vọng của nhân loại, đó là chiến tranh, khủng hoảng nhân đạo, vi phạm nhân quyền và nạn buôn bán người.”

Trao đổi tù binh

Trước khoảng 30.000 giáo dân đến dự thánh lễ ở Quảng trường và cùng phụ cận, Đức Phanxicô kêu gọi: “Tôi kêu gọi một cuộc trao đổi chung cho tất cả các tù nhân Nga và Ukraine.” Từ đầu cuộc chiến, Vatican đã tích cực tham gia trong việc trao đổi tù binh giữa hai nước. Trong một số trường hợp, ngài đã chuyển danh sách Ukraine cho đại sứ Nga tại Tòa thánh. Nhưng kể từ đó, sáng kiến này đã bị đình trệ vì mọi nỗ lực gần đây nhằm giải thoát trẻ em Ukraine bị cưỡng bức bắt qua Nga đều thất bại.

Ngài xin Chúa mở “một lối đi không thể có được của con người”, đó là hòa bình, ngài nói về số phận của Gaza: “Một lần nữa, tôi kêu gọi tiếp cận viện trợ nhân đạo cho Gaza, nhanh chóng thả các con tin bị bắt ngày 7 tháng 10, cũng như lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza. Đề cập đến số phận của một dân tộc “hiện đang kiệt sức, đặc biệt là trẻ em”, những người mà ngài nhận tin hàng ngày khi ngài điện thoại cho các giáo xứ ở Gaza, ngài đau lòng về sự  tàn phá, hậu quả của một cuộc chiến luôn là sự vô lý và thất bại.

Con đường dẫn đến hòa bình giữa chiến tranh

Đức Phanxicô lên tiếng: “Chúa Giêsu Kitô đã phục sinh và chỉ có Ngài mới có khả năng lăn đi những tảng đá chặn đường dẫn đến sự sống. Ngài mở ra cho chúng ta một lối đi bất khả thi với con người, bởi vì chỉ một mình Ngài, Đấng xóa tội trần gian và tha thứ tội lỗi cho chúng ta mới làm được. Nếu không có sự tha thứ của Chúa thì hòn đá này không thể bị dời đi. Nếu không được tha tội, chúng ta không thể thoát khỏi sự khép kín, khỏi thành kiến, khỏi nghi ngờ lẫn nhau, khỏi những giả định luôn tha thứ cho mình và buộc tội người khác. Chỉ có Chúa Kitô phục sinh, khi tha tội cho chúng ta mới mở đường cho một thế giới được đổi mới.”

Ngài giải thích: “Ngay cả ngày nay, những tảng đá nặng nề, quá nặng nề đã đóng chặt hy vọng của nhân loại: hòn đá chiến tranh, hòn đá khủng hoảng nhân đạo, hòn đá vi phạm nhân quyền, hòn đá buôn người, và những hòn đá khác.” Nhưng với Đức Phanxicô, chính qua ngôi mộ trống này mà một con đường mới mở ra, con đường không ai khác ngoài Thiên Chúa có thể mở ra: con đường sự sống giữa cái chết, con đường hòa bình giữa chiến tranh, con đường hòa giải giữa hận thù, con đường huynh đệ giữa hận thù. Chỉ có Ngài mới mở ra những cánh cửa cuộc sống cho chúng ta, những cánh cửa mà chúng ta liên tục đóng lại với những cuộc chiến lan rộng khắp thế giới.”

Trong số những biểu hiện của điều mà ngài thường gọi là “cuộc chiến thế giới thứ ba từng mảnh”, Đức Phanxicô đề cập đến Syria, đất nước trong 13 năm qua đã chịu đựng một cuộc chiến kéo dài và tàn khốc, và Lebanon, hy vọng những đất nước này có thể trở thành mảnh đất của gặp gỡ, chung sống và đa nguyên”. Ngoài ra, ngài còn đề cập đến Tây Balkan, Armenia, Azerbaijan đến số phận của người Rohingya ở Miến Điện và các cuộc xung đột khác ở châu Phi.

Người di cư và trẻ sơ sinh

Ngài không giới hạn tiếng kêu báo động của ngài trong các cuộc xung đột vũ trang, ngài xin Chúa chiếu ánh sáng trên người di cư, những người gặp khó khăn trong thời kinh tế khó khăn, các trẻ em không còn nhìn được ánh sáng, những em bé không được sinh ra vì bị phá thai.

Sau những lo ngại về sức khỏe khi ngài không đi đàng Thánh giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, hôm nay ngài đã đứng dậy từ xe lăn, trong buổi lễ, khi phải đổi ghế, ngài vừa đi vừa chống gậy. Sau thánh lễ, ngài đi một vòng Quảng trường trong 15 phút. Một cuộc gặp cho những ai mong chờ ngài từ chức trong những tuần tới. Một thông điệp rõ ràng tới thành phố và thế giới.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây