Giáo xứ Vinh Hương

Của Thiên Chúa, trả lại Thiên Chúa

Thứ tư - 12/10/2011 20:32

Của Thiên Chúa, trả lại Thiên Chúa

“Của Xê-da, hãy trả lại Xê-da; của Thiên Chúa, hãy trả lại Thiên Chúa.”

 

Những người Pha-ri-sêu và người của Hê-rô-đê hẳn đã theo những quan điểm chính trị khác nhau, nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay họ đồng lòng gài bẫy Đức Giê-su. Điều chân thành duy nhất mà họ có được là đã ngợi khen Người: “Chúng tôi biết Thầy là người chân thật, cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa, Thầy cũng chẳng vị nể ai…”

Nhưng câu họ gài bẫy Chúa rất khéo léo và quỷ quyệt. Nếu trả lời “có”, Chúa sẽ bị quần chúng tránh xa vì đa số đang mong chờ một đấng Mêsia đến đánh đuổi quân thù. Còn nếu nói “không” phe Hê-rô-đê sẽ tố giác Người là kẻ phá rối nguy hiểm chống lại La-mã. Ngày nay cũng thế Giáo Hội thấy mình đương đầu với vấn đề này: Dù Giáo Hội không trực tiếp liên can đến chính trị, Giáo Hội càng không thể thờ ơ, đứng trung lập. Dù Giáo Hội nói có hay không, lên tiếng hoặc làm thinh, Giáo Hội cũng không thể tránh bị xếp vào phe này hay phe khác.

Đức Giê-su không bị mắc lừa quỷ kế của họ. Người xin họ cho xem đồng tiền và khi họ xác nhận hình và hiệu trên đồng tiền là của Xê-da, Người đáp lại bằng một câu nói đã trở thành cách ngôn qua mọi thời đại: “Của Xê-da, hãy trả lại Xê-da; của Thiên Chúa, hãy trả lại Thiên Chúa.”

Tuy nhiên, người ta thường hiểu sai câu trả lời của Chúa và cho rằng Đức Giê-su chủ trương tách biệt đạo đời hay quyền lực chính trị được hoàn toàn tự lập. Như thế có vẻ như Đức Giê-su đòi các môn đệ của người đừng can dự vào các công việc trần thế liên quan đến chính trị. Vì hiểu sai nên trước đây việc thế gian bị coi là một trong “ba thù”: thế gian, ma quỷ và xác thịt và như thế khác nào nói rằng: ki-tô hữu hãy ở yên trong bốn bức tường tu viện hay trong khuôn viên của nhà thờ giáo xứ. Để hiểu đúng, hẳn chúng ta phải đọc lại lời Đức Giáo Hoàng Biển-Đức XVI trong thông điệp Thiên Chúa và Tình Yêu: “Giáo Hội không thể và không được thay thế Nhà Nước, nhưng đồng thời Giáo Hội cũng không thể và không được làm ngơ, đứng bên lề công cuộc đấu tranh cho công bằng, công lý. Giáo Hội phải đóng góp những tranh luận hữu lý và phải làm sống lại nghị lực tâm linh mà nếu không có nó thì công lý – là điều luôn đòi hỏi phải hy sinh – sẽ không thể được thực hiện và phát triển. Một xã hội công bằng phải là thành quả của chính trị, không phải là thành quả của Giáo Hội. Tuy nhiên cổ võ cho công bằng công lý với tâm hồn cởi mở và ước nguyện công ích vẫn là điều mà Giáo Hội hằng quan tâm.”

Chính Đức Giê-su luôn từ chối trở thành một đấng Mêsia xã hội – chính trị mà người ta muốn trao cho Người theo cách hiểu của đa số người Do Thái. Người cũng xác nhận Nước Người không thuộc về thế gian này mà thuộc lãnh vực tinh thần vĩnh cửu (x. Mt 4:8-10; Ga 6: 14-15; Mt 16:21-23) và Người đã nói rõ với Philatô điều ấy: “Tôi là Vua, nhưng nước tôi không thuộc thế gian này ” (Ga 18:36). Tuy nhiên Người vẫn luôn lên án những ai không thực thi công lý, hòa bình và yêu thương trong tương quan với xã hội. Người không vị nể ai chà đạp người khác.

Vậy đối với Ki-tô hữu, trong câu trả lời của Chúa, vế thứ nhất là điều cần thiết, nhưng vế thứ hai là điều quyết định: “Của Thiên Chúa, hãy trả lại Thiên Chúa.” Cả đời sống của Đức Giê-su không ngừng kêu gọi điều đó. Con người xã hội dù thuộc dân tộc, tôn giáo hay chính kiến nào đều đáng được tôn trọng vì số phận thiêng liêng của họ. Thiên Chúa đã trao ban số phận cao cả này cho con người bởi Người đã in hình ảnh thánh thiêng của Người vào mỗi người chúng ta, trong khi Xê-da chỉ in hình và hiệu của ông ta trên những đồng tiền mà nhiều khi rất hôi tanh, dơ bẩn.

Đức Giê-su đã không rơi vào bẫy, nhưng còn bày tỏ sứ mạng cao cả của Người: thiết lập triều đại của Thiên Chúa và qua đó biểu lộ chiều kích cao cả nhất của con người.

Tác giả bài viết: Vĩnh An Hòa

Nguồn tin: ghxhcg.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây