Giáo xứ Vinh Hương

Các tín hữu thời kỳ đầu cử hành thánh lễ như thế nào?

Thứ hai - 11/03/2024 20:34
Các tín hữu thời kỳ đầu cử hành thánh lễ như thế nào?


Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài là người Do Thái, và chịu nhiều ảnh hưởng của văn hoá Do Thái giáo. Tin Mừng đã nhiều lần thuật lại việc Chúa Giêsu vào Hội đường để giảng dạy. Ngài cũng giữ các ngày lễ theo truyền thống Do Thái. Vì thế, sẽ không có gì ngạc nhiên khi những hoạt động phụng vụ sơ khởi của Giáo Hội chịu nhiều ảnh hưởng, hay có thể nói là kế thừa từ truyền thống Do Thái.

Phụng vụ vào thời các tông đồ mang tính “tại gia” nhiều. Người ta dâng những gì mình có và chia sẻ với nhau. Ngôi nhà riêng, hay những nơi được các Kitô hữu xây để dành cho phụng vụ được gọi là domus ecclesiae, trở thành biểu tượng hiếu khách, đặc biệt dành cho những người lạ, người nghèo trong cộng đoàn.

Các Kitô hữu đầu tiên không có một nền phụng vụ rõ ràng. Các tín hữu vây quanh các tông đồ, đọc Kinh Thánh Cựu Ước, nghe các Tông Đồ kể lại những kinh nghiệm đã có với Chúa Giêsu, rồi những lời giảng dạy. Như thế, các hoạt động phụng vụ dù vẫn mang âm hưởng của Do Tháo giáo nhưng có chút khác biệt. Cái khác biệt đó là loan truyền hành vi cứu độ của Chúa Giêsu: phép rửa nhân danh Chúa Giêsu, bẻ bánh và cử hành bữa ăn của Chúa, đặt tay để ban ơn Thánh Thần, xức dầu người bệnh. Hình thức của những điều này rất đơn sơ. Buổi cử hành thánh lễ đầu tiên được gọi là lễ bẻ bánh, lúc đó chưa dùng rượu. Lúc đó chưa có cơ cấu, phẩm trật rõ ràng như bây giờ.

Nhờ vào một số tài liệu cổ tìm thấy mà chúng ta biết được một vài nét liên quan đến phụng vụ thời bấy giờ. Nổi tiếng nhất là tác phẩm Didache (được xem là “học thuyết của các Tông Đồ”), được viết vào khoảng giữa hoặc cuối thế kỷ II và được khám phá vào năm 1863 cho ta biết những thông tin quan trọng liên quan đến phụng vụ từ năm 80-130. Tài liệu này có 16 chương, trong đó từ chương 7 trở đi nói về phụng vụ, và chương 14 mô tả cho chúng ta biết về thánh lễ vào ngày của Chúa, với nghi thức thú tội và hoà giải trước đó (để có thể dâng lễ vật với một con tim tinh tuyền); chương 15 khuyến khích giáo hội năng tụ họp với nhau vì lợi ích thiêng liêng của các tín hữu, đồng thời, cũng nói đến thừa tác vụ của giám mục và phó tế; chương 16 khuyến khích các Kitô hữu dấn thân vào việc cử hành phụng vụ vì ơn cứu độ cho linh hồn.

Cuốn Hộ Giáo đầu tiên (Prima Apologia) là chứng từ đầu tiên mà chúng ta có được nói đến cấu trúc thánh lễ ngày Chúa Nhật, do thánh Giustino để lại (từ chương 65-67). Tác phẩm này được viết vào khoảng năm 150. Theo tài liệu này, chúng ta biết rằng ngày mà các tín hữu tụ họp lại với nhau được gọi là “ngày mặt trời”. Sau khi đã quy tụ, họ cùng nhau đọc Công Vụ Tông Đồ và các sách Ngôn sứ (trong Kinh Thánh Do Thái). Sau khi đọc xong, chủ tế sẽ giảng. Nội dung bài giảng là khuyến khích cộng đoàn noi theo những mẫu gương tốt đẹp. Tiếp đến, cộng đoàn đứng dậy và bắt đầu dâng những lời nguyện. Sau đó là trao hôn bình an, rồi dâng lễ vật: bánh, rượu và nước. Vị chủ tế dâng một lời nguyện tạ ơn tự phát (vì chưa có sách lễ). Kết thúc lời nguyện, giáo dân cùng thưa “Amen”. Tiếp đến là cho rước lễ (tài liệu không nói đến từ bẻ bánh nữa). Các phó tế có nhiệm vụ mang bánh đến cho những người thuộc về cộng đoàn nhưng không thể đến dự. Cuối cùng, ai muốn và có thể thì được mời gọi để dâng cúng chút của cải để giúp cho những người gặp khó khăn trong cộng đoàn như cô nhi, quả phụ, bệnh nhân, người nghèo, người tù đày.

Một tác phẩm khác là cuốn Truyền Thống các Tông Đồ (Traditio apostolica), không biết ai là tác giả, cũng không biết được chính xác được viết khi nào nhưng có thể vào khoảng đầu thế kỷ III, cũng cho chúng ta một vài thông tin. Tài liệu được chia làm ba phần. Phần một nói về việc thụ phong Giám Mục, linh mục, phó tế, cũng như việc chỉ định cha giải tội, phụ phó tế, chức đọc sách, xác nhận goá phụ và nghi thức thánh hiến trinh nữ. Phần hai nói về một số kỷ luật dành cho giáo dân. Ai (người lớn) muốn được rửa tội phải trải qua ba năm dự tòng. Ba năm này là để thử thách lòng khao khát, thẩm tra, học tập, ăn chay, hãm mình… Phần ba nói đến chuyện ăn chay, thăm người bệnh, gặp gỡ thường kỳ của giáo chức, việc chôn cất, thời gian cố định cho việc cầu nguyện hằng ngày.

Cuối cùng là cuốn Giáo huấn của các Tông đồ (Didascalia Apostolorum). Có lẽ được viết vào khoảng năm 380, một tài liệu nói về các giám mục, đặc biệt liên quan đến những vấn đề phụng vụ. Trong đó, nhấn mạnh đến tính hiếu khách. Giám Mục phải đi thăm mục vụ giáo phận của mình, phải giảng, cử hành thánh lễ hoặc ít là “đồng tế” với các giám mục khách. Giám mục phải dành một sự hiếu khách đặc biệt cho những người nghèo. Khi có ai đó vào nhà thờ trễ, các phó tế phải sắp xếp chỗ ngồi cho người đó. Nếu một khách lạ nào đó vào nhà thờ để tham dự thánh lễ, đặc biệt là người nghèo, người già, tàn tật… thì Giám Mục phải đứng dậy, giúp người đó tìm chỗ ngồi. Nếu không có chỗ, vị Giám Mục phải dành cho người đó chỗ của mình, còn mình thì ngồi dưới nền đất.

Bất kỳ một tôn giáo nào cũng có một nền phụng vụ riêng. Phụng vụ là nơi diễn tả tương quan giữa con người với thần minh của họ. Nền phụng vụ Kitô giáo thời kỳ này cũng bắt đầu hình thành, dựa trên những yếu tố căn bản của Do Thái giáo. Điểm khác biệt là giờ đây, các Kitô hữu không còn hướng lòng về một Ya-vê cao vút trên cõi cao xanh, nhưng hướng về Chúa Giêsu Kitô, vị Thiên Chúa làm người, đã chết và đã phục sinh vinh hiển. Tương quan giữa mình với Chúa Giêsu được thể hiện qua tình yêu thương dành cho các anh chị em khác trong cộng đoàn và lòng hiếu khách dành cho các ngoại kiều. Cấu trúc phụng tự, vì chưa rõ ràng và không có một nền tảng thần học, nên vẫn còn dựa trên tính tự phát, chủ yếu xuất phát từ tâm tình (đặc biệt là các lời nguyện). Mỗi cộng đoàn Kitô hữu là một cộng đoàn yêu thương, sống bằng tình bác ái và trong niềm hy vọng.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Nguồn tin: www.dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây