Giáo xứ Vinh Hương

Làm chủ thiên nhiên sinh thái trong từng việc một, từng đơn vị một...

Thứ ba - 05/07/2022 21:39
Làm chủ thiên nhiên sinh thái trong từng việc một, từng đơn vị một...


Trong tầm nhìn của Laudato Si’

Theo Thông điệp Laudato Si’, sinh thái học Kitô giáo góp phần trả lời thẳng thắn cho câu hỏi rất cụ thể: “Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên”. Thật vậy, để xây dựng một môi trường sinh thái như Đấng Tạo Hóa muốn, để chuyển lại một thế giới tốt đẹp hơn cho con em chúng ta, các bậc phụ huynh hẳn cần phải nỗ lực cộng tác với nhau nhiều hơn nữa trong việc xây dựng một “căn nhà chung”; con người cần can thiệp tích cực, tái tạo, vượt thắng, và tái chọn lựa những điều thiện hảo cho môi trường sinh thái. Nếu thực sự muốn khái quát hóa vấn đề này cho cuộc sống đương đại, nhân loại phải trực diện giải đáp những câu hỏi rất căn bản sau đây: (1) Con người xuất hiện trên trần thế này để làm gì? (2) Nhân loại hoạt động và tranh đấu với mục đích nào (người ta sống để ăn hay ăn để sống, hay cả hai)? và (3) Tại sao trái đất lại cần phải được con người tôn trọng? Trong thực tế, Thông điệp Laudato Si’ đã đưa ra một số đáp án định hướng và khá cụ thể.

 

Những câu trả lời thiết thực của Laudato Si được  thể hiện cách đặc biệt qua sáu chương: (1) Những gì đang xảy ra cho căn nhà của chúng ta (17 - 61); (2) Tin mừng về tạo dựng (62 - 100); (3) Căn cội sự khủng hoảng sinh thái do con người gây ra (101 - 136); (4) Sinh thái học toàn diện (137 - 162); (5) Những đường hướng tiếp cận và hành động (163 - 201); (6) Giáo dục và linh đạo về sinh thái học (202 - 245). Tất cả là để “Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung”. Bởi lẽ, một trong những trọng tâm của Laudato Si’ là nhấn mạnh, là đề cao một nền sinh thái học toàn diện như một mô hình công lý: “Hội nhập chỗ đứng đặc biệt của con người trong thế giới này và tương quan của con người với thực tại xung quanh”.

Nền sinh thái học toàn diện cũng đòi một bệ phóng sinh thái học thích ứng về các cơ chế: “Nếu mọi sự đều có liên hệ với nhau, thì tình trạng sức khỏe của các cơ chế trong một xã hội cũng có những ảnh hưởng đối với môi trường và tới chất lượng đời sống con người: “Những gì làm thương tổn tình liên đới và tình thân hữu của dân chúng cũng đều gây hại cho môi trường”. Đó cũng chính là những điểm nhấn, những nét sinh thái học ứng dụng trong đời sống hằng ngày. Nghĩa là, được tạo dựng và đến trong trần thế này, nhân loại mang vào mình sứ mệnh làm phát triển công trình tạo thành; con người phải nỗ lực làm thăng tiến toàn diện phẩm chất cuộc sống cách cụ thể.

Sinh thái trong từng việc một, từng đơn vị một

Với định hướng “Sinh thái trong từng việc một, từng đơn vị một…”, sứ mệnh làm chủ thiên nhiên muốn nhắm đến từng hoạt động vì môi trường với hiệu quả thật trong từng việc một. Bởi lẽ thành công của một dự án luôn bao gồm cả lý thuyết đúng, khả thi và thực hành tốt, hiệu quả. Cả hai phải ăn khớp với nhau theo đúng cách. Quả thực, một dự án sẽ mang lại thành công tối hậu khi hậu phương được chuẩn bị “thật kiên cường vững chắc” và tiền tuyến tiến bước “thật vững chắc kiên cường”. Những nỗ lực góp phần bảo vệ môi trường sinh thái - từ nhãn quan của Tin - Cậy - Mến Công giáo - cũng thực sự cần một cơ sở lý luận thần học vững chắc và một ứng dụng mục vụ thực tiễn. Cả hai đương nhiên phải ăn ý hài hòa, phát triển song hành với nhau và được hiện thực hóa cách cụ thể, linh hoạt, kiên trì.
 

Cơ sở lý luận đến từ Thánh Kinh, Thánh truyền, Giáo huấn của Giáo hội, tạo lập thế vững vàng của “kiềng ba chân”. Ứng dụng mục vụ xuất phát từ lý luận vững chắc nói trên sẽ thành công khi các chủ thể thi hành là những người “miệng nói tay làm”, không “cao sang bàn giấy”, kiên trì dấn thân phục vụ tha nhân… và nêu gương sáng bằng những việc làm cụ thể. Chẳng vậy mà ta có nhận định của Tyler Wittman về lập trường tạo dựng mà Thánh Tôma Aquinô đưa ra như chuỗi nhân quả làm hình thành vũ trụ mà Đấng Tạo Hóa muốn: bởi thượng trí và ý muốn của mình (Lời và Tình Yêu), Thiên Chúa sáng tạo muôn loài muôn vật. Khi tất cả được áp dụng một cách linh hoạt để làm theo thánh ý Chúa, con người cũng có thể đưa ra một cách lý luận về ý nghĩa của khẩu hiệu “Lao động là vinh quang”, mà ý nghĩa đích thực xuất phát từ chương trình tạo dựng của Đức Chúa Trời.

Cho nên, khi vui mừng tiếp nhận câu nói “Lao động là vinh quang” thì thật ra, đó không phải chỉ là khẩu hiệu suông, càng không phải chỉ vì một vĩ nhân danh tiếng nào đó đã nói, đã khéo léo vận dụng và đề cao; song tiên vàn là bởi vì: Thiên Chúa đã (1) trao quyền cho con người “làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”; dạy con người phải “… sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất…”; và (3) thực sự muốn con người “làm chủ thiên nhiên…”. Chính vì vậy mà chúng ta càng tự tin thiết lập dự án “sinh thái trong từng việc một, từng đơn vị một…”. Rõ ràng, tình yêu của nhân loại dành cho môi trường sinh thái - với muôn loài thụ tạo được chính Chúa dựng nên - cần phải được diễn tả bằng những việc làm cụ thể, không được dừng lại ở những “tuyên bố dõng dạc”, “khẩu hiệu”, hay chỉ thuần túy là những cảm xúc mà không hề “có hành động xứng hợp” nào đáng kể. Vì thế, với định hướng “Sinh thái trong từng việc một, từng đơn vị một…”, đề tài cho dự án khả thi với phương pháp khả dụng này cần phải được tiến hành thật công phu, và thực hiện cách chu đáo.

Để hiện thực hóa dự án “Sinh thái trong từng việc một, từng đơn vị một…” tại giáo xứ (nhà thờ, nhà xứ, giáo họ, giáo khu, liên gia, gia đình), theo bậc sống của mình, các thành viên của dự án khả thi này được trù định phải tích cực tham gia bằng một phương pháp khả dụng, nếu muốn dự án thành công. Nghĩa là, ai nấy đều phải quyết tâm cao - các vị hữu trách chính của đề tài phải nêu gương sống thật tâm huyết đối với dự án - với nỗ lực thực hiện dự án sao cho đồng bộ trong mọi lãnh vực liên quan và kiên trì tạo lập thành thói quen cho từng cá nhân, tạo lập thành tập quán cho từng gia đình, từng liên gia, từng giáo khu, từng giáo họ của từng giáo xứ.

(Lược đăng tham luận của linh mục Giuse Tạ Huy Hoàng tại hội thảo Tôn giáo với vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái: Lý luận và thực tiễn, ngày 24.6.2022, do trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Ðại học Quốc gia TPHCM tổ chức)

Nguồn tin: www.cgvdt.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây