Giáo xứ Vinh Hương

Công vệc trong vườn nho thế giới ngày nay: Tôn trọng phẩm giá và quyền sống con người

Thứ hai - 02/09/2019 21:09
Bài huấn luyện hàng tháng của Ủy ban Giáo Dân - Tháng 09.2019 - HẦN HUẤN GIÁO - Phần IV: GIÁO DÂN TRONG CHIẾU KÍCH RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO THẾ GIỚI


“Chính anh em là muối cho đời; nhưng nếu muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó thành vô dụng, thì chỉ việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp mà thôi.” (Mt 5:13)

Trong vười nho thế giới, mỗi thời đại đều lộ ra những lãnh vực mà muối Tin Mừng cấp thiết cần phải ướp cho nó mặn trở lại; và đó là những lãnh vực mà Hội Yha1nh nhất thiết cần phát hiện ra. Ngày nay hơn bao giờ hết, thế giới đang đứng trước nạn nhân mãn chưa từng có qua việc gia tăng dân số cấp số nhân, đàng khác mức sống văn minh tiến bộ cộng với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật càng làm cho con người có khuynh hướng sống ích kỷ và hưởng thụ; chính các yếu tố này là nguyên nhân làm cho phẩn giá con người bị coi nhẹ, nhiều lãnh vực của quyền sống bị chà đạp. Đây chính là tiếng gào kêu gọi Hội Thánh, nhất là qua các Ki-tô hữu giáo dân, mau mắn ướp cho thế giới được mặn lại, trước nguy cơ nó ngày càng trở nên nhạt hơn.
 
1/ Tôn trọng nhân phẩm
 
Đứng trước thực trạng thế giới hiện nay, với các biểu hiện đa diện của nó, Hội Thánh đã nhận ra nhiệm vụ cấp bách mà mình, thông qua vai trò tích cực của các Ki-tô hữu giáo dân, phải thực hiện để ướp đời cho mặn lại. Tông Huấn Người Ki-tô hữu Giáo Dân đã mạnh mẽ xác định như sau: “Khám phá và giúp khám phá ra phẩm giá không thể bị xúc phạm của mọi nhân vị, đó là nhiệm vụ chủ yếu và, theo một nghĩa nào đó, là nhiệm vụ trung tâm và liên kết công việc phục vụ mà Hội Thánh và Ki-tô hữu giáo dân được mời gọi để phục vụ gia đình nhân loại ngày nay.” (CFL số 37)
 
Về mặt học thuyết, Tin Mừng soi sáng cho ta biết tầm cao trọng vô song của phẩm giá con người; nhân phẩm vượt lên trên mọi hình thái cuộc sống bên ngoài, cho dầu chúng có những giá trị của riêng chúng. Con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, đã được cứu chuộc bằng Máu Chúa Ki-tô, luôn được mời gọi trở về với địa vị cao quí của mình là làm con Thiên Chúa và là đền thờ Chúa Thánh Thần. Về sự cao trọng của phẩm giá con người, Tông Huấn đã viết như sau: “Trong các thụ tạo hữu hình, chỉ có con người là “một ngôi vị, là chủ thể có ý thức và tự do’; do đó, con người là trung tâm và là đỉnh cao của mọi thụ tạo trên trời dưới đất” (CFL số 37)
 
Thế nhưng, su thế hiện nay của thế giới nói chung đang thách thức và đe dọa phẩm giá con người cách nghiêm trọng về mọi mặt, thậm chí ngay cả chính sự hiện hữu, tức ngay từ mạng sống của con người. Người ta nhân danh đủ điều, nhất là nhân danh các giá trị vật chất và ý thức hệ, để phủ nhận việc tôn trọng nhân phẩm; thậm chí đôi khi giáng nó xuống hàng thứ yếu, sau cả các giá trị vật chất. Như thế tức là người ta có khuynh hướng đối sử với con người như đối với một đồ vật không hơn không kém, thậm chí còn tệ hơn; và đó chính là nguồn gốc của cơ man nào là bất công đang xảy ra trong thế giới loài người hôm nay.
 
2/ Nhân quyền
 
Quyền sống của con người bao gồm nhiều quyền khác nhau như quyền cư trú, quyền lao động, quyền được giáo dục, quyền đi lại,quyền diễn đạt tư tưởng, quyền tự do tín ngưỡng v.v., nhưng quan trọng hơn hết là quyền được sống. Ta gọi cách chung những quyền này là nhân quyền căn bản và phổ quát, vì chúng được dành cho mọi người, bất luận họ mạnh khỏe hay đau yếu, lành mạnh hay khuyết tật, sang hay hèn, thông minh hay dốt nát…Hơn nữa các quyền này hiện hữu song song với sự hiện hữu của chính con người, từ lúc được đầu thai cho tới khi nhắm mắt… Tóm lại, các quyền này nhằm bảo vệ cho mỗi người được sống và sống cách xứng hợp với nhân phẩm. Tất cả các quyền phổ quát này phải được mọi người tôn trọng.  Tông Huấn Người Ki-tô hữu Giáo Dân, dựa trên tư tưởng Công Đồng Va-ti-can II (xem GS số 27, số 40…) đã xác định như sau: “Đó là những quyền tự nhiên, phổ quát và không thể bị xúc phạm. Bất kỳ ai, dù là cá nhân hay tập thể, dù là người có quyền hay nhà nước, cũng không thể sửa đổi những luật đó, càng không thể hủy bỏ chúng, vì những quyền đó bắt nguồn từ chính Thiên Chúa.” (CFL số 38)
 
Trong thế giới ngày nay, nhân quyền là một đề tài lớn và đang được cộng đồng quốc tế quan tâm. Tuy nhiên vì những khác biệt căn bản về văn hóa cũng như về tín ngưỡng, về ý thức hệ cũng như quyền lợi kinh tế…, mà người ta chưa hoàn toàn thống nhất được với nhau về ý nghĩa và nội dung của chúng. Hội Thánh về phần mình, vì được Tin Mừng soi dẫn, đã cống hiến cho thế giới một cái nhìn xác đáng về các quyền này. Gần đây, điều này đã được diễn đạt cách khúc triết hơn trong tổng luận về ‘Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội’. Trong số các quyền con người này, thiết tưởng ta nên đặc biệt nhấn mạnh trên các quyền lợi sau đây:
 
a/ Tôn trọng mạng sống

Để được cả thế giới, mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì” (Mc 8:36)

Hơn bao giờ hết, ngày nay trên thế giới, thái độ đối với mạng sống con người ngày càng bị giảm sút; mạng sống con người bị coi thường, thậm chí bị chà đạp và loại bỏ không thương tiếc. Người ta viện ra đủ lý lẽ để biện minh cho hành động vô tâm và vô nhận này… nhưng chung qui đều do tính ích kỷ cá nhân hay tập thể mà ra. Hội Thánh không bao giờ chấp nhận những vi phạm tới mạng sống dưới bất kì hình thức nào, như “giết người, diệt chủng, phá thai, tự tử hay chọn được chết êm dịu; mọi hình thức xâm phạm sự toàn vẹn thân thể con người, như loại bỏ một phần cơ thể, tra tấn thể lý cũng như tinh thần, gây áp lực tâm lý không cần thiết; mọi hình thức xúc phạm nhân phẩm như sống trong các điều kiện phi nhân, vô cớ giam cầm, lưu đầy, nô lệ, mãi dâm, buôn người nhất là trẻ em và phụ nữ, các điều kiện lao động quá hạ đẳng, khi con người bị đối xử như một công cụ thay vì như một nhân vị tự do và trách nhiệm…” (GS số 37) Những hành vi trên và những điều tương tự chắc chắn là tội ác: chúng đầu độc xã hội loài người; và chúng hủy hoại những ai đang áp dụng chúng, còn hơn cả hủy hoại những ai là nạn nhân của chúng. Chung qui, chúng xúc phạm cách sâu xa tới đấng Hóa Công.
 
Giáo dân sẽ là những người tiền phong trong việc bảo vệ mạng sống, nhất là những ai mang trọng trách làm cha mẹ. Trong lãnh vực này, các khoa học gia, các nhân viên ngành y, các nhà lập pháp hay các chính trị gia… có một vai trò hết sức quan trọng. Cách chung các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã từng lên tiếng nhắc nhở: “Các Ki-tô hữu phải làm chủ khoa học, chứ không được làm nô lệ cho nó!”
 
b/ Cổ vũ tự do tín ngưỡng

Sự tôn trọng phẩm giá con người đương nhiên đòi phải nhìn nhận và tôn trọng chiều kích tâm linh của mỗi người, vì… “tự do lương tâm và tự do tôn giáo là một trong những quyền có giá trị cao quí nhất trong đời sống của từng cá nhân, cũng như đòi hỏi sâu xa của các tập thể con người. Đây là một quyền không thể thiếu để bảo đảm thiện ích của từng con người và toàn xã hội.” (CFL số 39)
 
Ki-tô hữu chúng ta nại tới quyền tự do tín ngưỡng để sống và làm chứng cho Tin Mừng ở những nơi chúng ta sinh sống và làm việc. Nhưng chúng ta cũng không quên tôn trọng các tôn giáo khác, cũng như quyền tự do tín ngưỡng của những con người và dân tộc khác với chúng ta. Chúng ta kêu gọi tự do tôn giáo phải được tôn trọng, nhất là trong các thể chế có khuynh hướng lạm dụng hay cấm đoán, hoặc hạn chế quyền căn bản này. Chúng ta đồng thời cũng cổ súy việc chung sống và đối thoại, nhất là đối thoại liên tôn để, một khi quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo được thực thi cách chân chính, đời sống con người và xã hội nhân loại sẽ được thăng hoa cách bền vững.
 
3/ Vai trò của gia đình và giáo dục
 
Nhân phẩm và các quyền con người đã được đấng Tạo Hóa khắc ghi sâu đậm trong tâm khảm mỗi người; tuy nhiên, do thiếu thốn về hiểu biết và nhận thức, chúng chưa thật sự được nhìn nhận và tôn trọng ngay trong nhiều xã hội và dân nước hiện nay. Dưới tác động của ánh sáng Tin Mừng, nhiều dân nước thấm nhuần tinh thần Tin Mừng đã dần gây ảnh hưởng trên cộng đồng nhân loại, và tạo được một nhận thức nào đó trước các quyền cơ bản của con người. Chúng ta vui mừng vì nhiều tổ chức lớn của thế giới, điển hình như Liên Hợp Quốc, đã được thành lập trên cơ sở quyền con người. Su thế của thế giới là cam kết cùng nhau phát huy và bảo vệ nhân quyền trong các quốc gia thành viên của mình; tuy nhiên, con đường còn gặp nhiều chông gai, vì nhận thức còn gặp nhiều trở ngại vì thiếu nhận thức nơi nhiều thành viên. Ki-tô hữu chúng ta mơ ước sẽ sớm có được nhiều chính quyền quan tâm tới việc dạy dỗ và vun trồng các quyền con người nơi công dân mình, đồng thời thiết lập những chính sách phù hợp, hầu phát huy nó cách cụ thể trong đời sống xã hội.
 
Tuy nhiên để làm tốt việc này, môi trường giáo dục và đào tạo tốt nhất để các quyền con người được phát huy tối ưu lại chính là gia đình. Gia đình chính là tế bào cơ bản của mọi xã hội. Đó là cái nôi của cuộc sống và tình yêu, nơi mà từng cá thể được ‘sinh ra’ và ‘lớn lên’ (xem CFL số 40). Chính tại nơi đây mà con người nhận biết các giá trị đích thực của mình và gìn giữ chúng. Điều này càng đúng hơn nhất là tại những nơi nào và khi nào phẩm giá con người bị đe dọa và bị chà đạp cách nghiêm trọng. Vì lẽ đó, các gia đình Công Giáo cần phải để cho ánh sáng Tin Mừng soi chiếu, hầu tạo cho việc giáo dục con cái phát huy được các phẩn giá cao đẹp của con người toàn diện - vừa trở thành công dân tích cực của thế giới trần gian, lại vừa là con cái cao đẹp  của Nước Cha trên trời.
 
Và như thế, vai trò của người Ki-tô hữu Giáo Dân là không thể chối cãi; vì nhờ họ, muối Tin Mừng mới ướp mặn lại được thế giới hôm nay, sao cho nhân phẩm và các quyền con người được tôi trong.


Câu hỏi gợi ý:

- Bạn có biết các quyền cơ bản của con người theo như Hiến Chương Liên Hợp Quốc đề ra không, và điển hình là những quyền gì?

- Làm cách nào bạn phát huy những quyền này trong gia đình mình? tỷ dụ như quyền ‘tôn trọng phát biểu ý kiến riêng’.
 
Gioan Nguyễn Văn Ty SBD

 

Nguồn tin: www.conggiao.info

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây