Giáo xứ Vinh Hương

Khiếp sợ trước tiếng Chúa gọi

Thứ năm - 09/09/2021 21:49
Khiếp sợ trước tiếng Chúa gọi

Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa có sáng kiến chọn gọi những ai Ngài muốn để cộng tác cách riêng với Ngài. Mỗi người được Chúa kêu gọi trong một hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều có một điểm chung là thái độ khiếp sợ và “khó chịu” của những kẻ được gọi.

Khiếp sợ! Theo Thánh Kinh, đó chính là thái độ thường gặp nhất nơi những người nghe tiếng gọi của Thiên Chúa. Chẳng hạn, sự ngạc nhiên pha lẫn sợ hãi của Môsê khi được Chúa gọi và trao cho một sứ mạng rất nặng nề từ tiếng nói phát ra từ bụi gai đang cháy (Xh 3,1-22). Thái độ miễn cưỡng của Giêrêmia khi được Chúa sai đi nói với dân Ít-ra-en, ông nại đến lý do: “con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói” (Gr 1,6). Sự bối rối của Giuse – vị hôn phu của Đức Maria – khi thấy các dự phóng của mình bị đảo lộn hoàn toàn do sự xuất hiện của Đức Giêsu. Hay sự bàng hoàng của Saolô, đã hoán cải trước tiếng gọi của Đấng Phục Sinh khi đang trên đường đi Đamát (Cv 9,1-8).

Trong thực tế, vào một lúc nào đó trong hành trình theo đuổi một ơn gọi, có thể sớm hay muộn, chúng ta cũng nghe thấy mình thốt lên, hay thậm chí phải thốt lên: “Sao? Con sao?… Không thể được!” Đó là lúc người ấy nhận ra sự bất cân xứng giữa những khả năng mình cần phải có để sống cho phù hợp với tiếng Chúa gọi và những khả năng mình thực sự đang có, nhất là khi người ấy được mời gọi đi vào một “bước chuyển quan trọng” như gia nhập Tập viện, tuyên khấn lần đầu, khấn trọn hay chịu chức linh mục.

 Sự ngạc nhiên và xúc động trước sự sung sướng do mình được Chúa lựa chọn nhanh chóng được thay thế bằng phản ứng kinh hãi, mạnh mẽ như phản ứng của Giêrêmia bởi lúc ấy kẻ được gọi đi vào thực tế, buộc lòng phải nhìn nhận những giới hạn và yếu đuối của mình. Anh cũng nhanh chóng nhận ra có một thực tế hết sức li kì đang ẩn đằng sau câu nói đơn giản: “Chúa gọi bạn theo bước Người sát hơn để phục vụ Người.”

Anh thấy mình có khuyết điểm này điểm yếu nọ mà mình không tài nào xóa hết được, đang khi chúng làm hại rất nhiều cho ơn gọi. Hoặc mình không có đức tính này phẩm chất kia, mà người ta thường kỳ vọng nơi mình để chu toàn công tác sắp được giao phó. Anh ghi nhận sự thật đó một cách rất đau lòng. Anh mất hết hậu thuẫn và bỗng chốc cảm thấy bất lực hay hầu như không trông thấy được gì nữa. Anh muốn thoái thác và chạy trốn. Tắt một lời, đó là một sự thật khó chịu, thậm chí hết sức khó chịu.

Nhưng đó cũng là một kinh nghiệm rất bổ ích. Thật vậy, đó là dịp anh khiêm tốn để cho Chúa hướng dẫn mình, như Ngài đã dắt Saolô đến với Khanania (Cv 9,8-18), đến với một anh em hay chị em trong Giáo Hội. Người anh em hay chị em này sẽ lấy “cái vảy ra khỏi mắt ta” (Cv 9,18), sẽ giúp ta nhìn sự việc dưới ánh sáng của cách lý luận duy nhất có thể soi sáng trí khôn mình: lý luận của Tin Mừng. Không phải dựa vào quyền năng hay tài năng, mà là dựa vào sự điên rồ của Thập giá. Thánh Phaolô đã diễn tả điều này một cách tuyệt vời như sau: “Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cr 1,27). “Kho tàng [đức Tin] ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi.” (2Cr 4,7).

Những lời lẽ ấy nhiều người đã thuộc lòng nhưng vẫn luôn mới mẻ, vẫn giữ được sức khuynh đảo mỗi lần chúng ta buộc lòng phải nhìn nhận sự thật ấy, trong cuộc đời mình hay trong cuộc đời những người đến tham vấn mình. Thật bất ngờ khi khám phá ra rằng xuyên qua những yếu đuối của bản thân, Ngôi Lời Thiên Chúa đã đưa vào đó một chút quyền năng giải thoát của Ngài, một cách hoàn toàn tự nguyện! Cũng thật bất ngờ khi phát hiện thấy xuyên qua những lời tâm sự ấy, một người có ảnh hưởng Tin Mừng rất lớn và được biết bao người biết tới, trong thực tế lại là người hết sức yếu đuối, thậm chí còn đang rung rinh chao đảo! Nhờ những lúc kinh hãi ấy, ta mới nhận ra rõ hơn cái sự thật mà ta đã phải khó khăn lắm mới chấp nhận: mọi sự Thiên Chúa ban cho đều là ân huệ, tức là hoàn toàn cho không, biếu không.

Điều quan trong là vượt qua sự tự ti về những bất toàn và giới hạn của bản thân để mở ra với sức năng động sáng tạo của ân sủng, xuôi theo tác động của Thần Khí và để Chúa tự do sử dụng.

Mừng lễ thánh Phêrô Claver (09/09)!

Mừng 13 anh em Tân Khấn sinh tuyên khấn lần đầu.

Hải Âu

Nguồn tin: www.dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây