Giáo xứ Vinh Hương

Môn đệ Chúa “khiêu vũ giữa bầy sói”

Thứ sáu - 05/07/2019 00:03
- Suy niệm Chúa nhật XIV Thường niên


Chúa Giêsu cũng có 3 vòng, xin đừng méo mó hiểu sai! Ðây là 3 vòng liên kết đàng hoàng: vòng trong là 12 tông đồ, vòng giữa là 72 môn đệ, vòng ngoài là những tín hữu thời Giáo hội sơ khai (500 người trên Núi Cây Dầu tiễn Chúa về trời; 120 người trong Nhà Tiệc Ly đón nhận Chúa Thánh Thần;  3.000 người tân tòng sau bài giảng đầu tiên của thánh Phêrô).

Trở lại hai con số: 12 tông đồ biểu thị sự hoàn toàn, gợi lên việc lãnh đạo 12 chi tộc Israel; 72 môn đệ tương ứng với 72 dân tộc ghi trong sách Sáng thế (chương 10 bản LXX). Số 72 là 9 nút may mắn và là con số mở: thợ gặt ít thì phải mời thêm, rao giảng không phải chỉ cho dân Do Thái mà cho muôn dân muôn nước (Ad gentes).

Ðức Giêsu sai từng hai người đi chung và cộng tác với nhau, để nói lên rằng lời chứng của họ về Ðức Giêsu và ơn cứu độ của Người là chứng thật, vì “Lề luật có chép rằng lời chứng của hai người là chứng thật” (Ga 8,17), và sứ vụ này cần phải được chia sẻ, không còn là của riêng cá nhân, nhưng là sứ vụ của cộng đoàn.

Ngày nay người ta thường nói về “tình hình nhiệm vụ mới”. Chúa Giêsu đã đi trước thời đại: làm việc có kế hoạch từng bước từng bước: quan sát, chạnh lòng thương, tìm cách giải quyết, cuối cùng đúc kết kinh nghiệm.

Tình hình: thật nhiêu khê, mà Chúa Giêsu nhìn thấy rõ. Xét về dân sự: đoàn chiên đông đảo với lúa chín đầy đồng mà không cho đầy bụng, thành đói kém và bơ vơ vật vờ. Xét về nhân sự, ít quá và ít quan tâm: 12 ông mỏi tay phát bánh và cá cho khoảng mười lăm ngàn người thì thật là quá tải. Bao người ăn không ngồi rồi, hoặc là muốn làm mà không ai nhờ, như trong dụ ngôn thợ làm vườn nho : “Ông nói: sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết? Họ đáp: vì không ai mướn chúng tôi” (Mt 20,6-7).

Nhiệm vụ mới Chúa muốn đề ra là đồng trách nhiệm, phải biết chỗ nào cần thì phải xin chủ ruộng điều người đến, chứ không phải ngồi đợi mệnh lệnh. Chủ ruộng cho phép người thợ được chủ động đóng góp ý kiến và sáng kiến. Tất nhiên Chúa Giêsu có quyền phán quyết như Chúa xác nhận: “Anh em đừng bắt ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một người chỉ đạo là Ðức Kitô” (Mt 23,10).

Vì là người chỉ đạo nên có quyền ra chỉ thị truyền giáo đột phá, làm nhiều người phải ngỡ ngàng. Khi tuyển chọn chiêu mộ thì thường phải chiêu dụ: điều kiện làm việc thoải mái, lương bổng hậu hĩ, tương lai bảo đảm… Còn với Chúa Giêsu chỉ có 3 không: không túi tiền, không bao bị, không giày dép. Thực ra Chúa chẳng có cái gì để chu cấp cho các ông, vì Chúa thực sự là người vô sản chính danh: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Nhưng chính vì không có gì để mất, nên mới tự nhiên có tất cả: được đón tiếp, được bồi dưỡng và được phủi chân nữa!

Chúa truyền lệnh: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3): phải chăng Chúa tính bỏ mặc các môn đệ tay không giữa trận địa, hơn cả hoàn cảnh “đem con bỏ chợ”? Tiểu thuyết “Dances with wolves” (Khiêu vũ giữa bầy sói) của nhà văn Michael Blake, chuyển thành bộ phim nổi tiếng do đạo diễn Kevin Costner thực hiện: có thể lý giải một phần kế hoạch của Thiên Chúa.

Chuyện phim như sau: Dunbar là trung úy quân đội Hoa Kỳ vào thời nội chiến (1860 - 1863) đi tới biên giới để tìm một đồn quân sự, rồi được bộ lạc người da đỏ Sioux cưu mang, vui đùa nhảy múa với họ. Ngày qua ngày, Dunbar dần trở thành một thành viên của bộ lạc Sioux. Anh quên hẳn cuộc sống hiện đại mà trước kia anh đã từng sống. Nhưng khi quân đội Fort Sedgewick đặt chân đến vùng đất này và tìm ra anh, Dunbar phải đứng trước những sự lựa chọn nghiệt ngã.

Viên trung úy kia đã biết vận dụng tài trí để nhập cuộc và như muốn “Xin chọn nơi này làm quê hương”. Ngôi Hai Thiên Chúa đã đi tiên phong: đã liều mình xuống để nhập thể và nhập thế ở cùng chúng ta. Người Kitô hữu không còn phải khiêu vũ giữa bầy sói (như ở thời kỳ bách hại), mà là “với niềm hân hoan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng” (Kinh Tiền tụng Phục Sinh): “Vui mừng vì tên anh em được trên trời”, “Chung vui vì tìm thấy con chiên lạc, đồng bạc mất” (Lc 15, 6.9), “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32). Ðể được phấn khởi vui mừng như vậy, chúng ta phải thi hành lệnh cuối cùng của Chúa Giêsu “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19), một cách thực tế là “Sống đức tin giữa lòng dân tộc” (Thư chung 1980).

Tác giả bài viết: Lm Giuse Phạm Bá Lãm, chánh xứ Hòa Hưng

Nguồn tin: www.cgvdt.vn

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây