Giáo xứ Vinh Hương

Khổ vì yêu

Thứ năm - 26/05/2022 20:47
Khổ vì yêu
Một nhà tu đức đã nói: Thiên Chúa trở nên khổ sở vì yêu con người, việc chăm sóc con người làm cho Người bận tâm và bận rộn hơn cả”. Bạn có tin như vậy không?- Tôi tin như vậy, và để dễ hiểu vấn đề hơn, chúng ta hãy quan sát cách những người mẹ yêu những đứa con mình.

Chúng ta đã từng nghe những câu chuyện thương tâm về những người mẹ già trong các viện dưỡng lão, dù được chăm lo đầy đủ mọi nhu cầu, nhưng các cụ vẫn đượm nét u buồn, cứ ngồi nhìn ra cổng … mong chờ con cái đến thăm, có những đứa con đã bỏ rơi cụ từ lâu. Có bà mẹ đã hy sinh cả đôi mắt cho con mình được lành lặn, sau đó bị con trai hắt hủi vì sự mù lòa của bà làm con xấu hổ, bà vẫn âm thầm chịu sự lạnh nhạt đó. Tôi nhận ra hai đặc điểm của tình mẹ: người con dù hỗn láo với mẹ đến đâu, vẫn được mẹ yêu thương, vì đó là con bà; một người mẹ có đến 10 đứa con, được 8 đứa năng lui tới, thì lòng bà vẫn khổ tâm vì hai đứa vắng mặt. Bà không mong 2 đứa này cho quà và báo hiếu, bà chỉ khổ vì tình yêu bao la mình dành cho con - mà đứa con lại bất cần.

Những ai có cha mẹ hay con cái ở xa sẽ hiểu được sự mong chờ này, không những trong những dịp lễ tết mà chỉ cần vài tuần không có liên lạc với con cái, cha mẹ thực sự cảm thấy sự tra tấn tinh thần: con mình thế nào, có khỏe không, có bình an không. Nhà tâm lý khuyên rằng: Trong cuộc đời, khi gặp một người không tốt, ta hy vọng sẽ gặp người khác cư xử tốt, và hãy nhớ tới những người cư xử tốt với mình để sống cho vui vẻ. Thế nhưng, người mẹ không thể cư xử như vậy, bà khổ tâm vì tình mẫu tử - bà nhớ những đứa con lâu ngày không gặp. Nhưng sự thường con cái lại không hiểu được tình mẹ, chúng bận tâm đến việc mẹ cư xử không đúng! Sự ruồng rẫy của con cái là một sự tra tấn tinh thần cho cha mẹ, từng ngày, và đó là tội bất hiếu – lỗi điều răn thứ tư.

Thiên Chúa còn tốt hơn bất cứ người cha mẹ trần gian này, Ngài là Tình Yêu và Ngài khổ tâm vì những đứa con xa nhà, sống trong tội, sống lạnh nhạt, vì tình yêu của Ngài là một tình yêu trao ban. Có nhiều bài hát nói rằng: yêu là đau khổ - còn đau khổ là còn yêu, tại sao vậy? – Hai người nam nữ khổ vì tình yêu của họ bị trắc trở, và chưa trọn vẹn: họ ao ước được hòa quyện trong nhau, được chăm sóc nhau (vị tha); nhưng sự đau khổ của họ còn pha lẫn chút tự ái và ao ước chiếm đoạt (vị kỷ). Tình yêu Giê su thì không thế, tình yêu của Ngài chỉ muốn trao ban, nhưng lại bị con người từ chối; Ngài tự hủy và hy sinh cả mạng sống để con người được sống sung mãn ở đời này và đời sau, nhưng con người lại cứ mê lầm; mục tiêu cao nhất và bận tâm của Ngài là sự sống của linh hồn thế mà con người thường chạy đến với Chúa để mong có phép lạ - mà không chịu thay đổi cuộc sống. Hai chữ “Ta khát” trên thập giá đã thúc đẩy nhiều tâm hồn dâng hiến cuộc đời để dấn thân truyền giáo và đáp đền tình yêu bao la của Chúa, để làm Chúa bớt khổ và làm giãn cơn khát tình của Chúa.

Trong kinh dọn mình rước lễ có một câu rất hay: “Lạy ơn Đức Chúa Giê su, con là kẻ yếu đuối mọi đàng, chẳng biết dọn mình thế nào cho được chịu Mình Thánh Đức Chúa Giê su cho nên, vậy con cậy lòng lành vô cùng Chúa con, thêm ơn sức mạnh cho con cho được chịu ơn cực trọng này cho bằng lòng Chúa con”. Câu cuối này nói lên sự khao khát của Chúa là muốn kết hợp với con người, được trở nên thần lương nuôi sống linh hồn con người; sự thăm viếng của Chúa sẽ xóa sạch những vết bẩn (tội nhẹ), và tăng cường sức mạnh giúp linh hồn chống trả các cơn cám dỗ. Có câu chuyện kể về một người tù. Anh bị giam trong phòng, tuy không bị đánh đập và không khổ vì những điều kiện vật chất, nhưng mang một nỗi khổ tinh thần: mong chờ người yêu đến thăm vào mỗi ngày chúa nhật. Đến ngày đó, từ sáng anh đã thấy vui trong lòng, và khi cổng mở - khi người yêu xuất hiện thì niềm vui của anh không thể tả được; thế nhưng, khoảng một giờ sau, khi người yêu ra về, thì anh lại buồn khi phải chờ đến tuần sau. Người tù đó là Chúa Giê su, Ngài mong chờ các tâm hồn đến viếng thăm để múc lấy nguồn thánh sủng, đừng đợi đến Chúa nhật mới thăm Ngài – tốt hơn là nên đi lễ hằng ngày nữa, và cũng đừng quên chuyện trò với Ngài thường xuyên – vì Ngài ngự ngay trong lòng bạn đó.

Nhiều phóng sự về các cô gái vàng của bóng nữ VN cho ta biết hoàn cảnh sống rất chật vật của nhiều gia đình nữ vận động viên: gia cảnh nghèo nên chọn nghề đá bóng, nhờ thu nhập ‘còm’ cũng giúp gia đình xây được căn nhà hoặc chữa bệnh, luôn nghĩ về gia đình để nỗ lực tập luyện và thi đấu. Còn bạn và tôi, những Kitô hữu, động lực chính để ta sống vui tươi và thăng tiến là tình yêu Giê su: Hãy lấy tình yêu đáp đền tình yêu, hãy đem sự sống đáp đền sự sống (Á thánh Anre Phú Yên).

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây