Vào tháng 2 năm nay, Đức Thánh Cha đã thành lập 10 nhóm nghiên cứu để đào sâu về mặt thần học và giáo luật về các chủ đề trên.
Các đại diện của 10 nhóm trên đã trình bày công việc đã thực hiện và các chương trình trong tương lai, những điều sẽ tạo ra một cuộc đối thoại liên tục (ngược lại với những người đưa ra giả thuyết về một hành trình “song song” với Thượng Hội Đồng) giữa các nghị phụ và các nghị mẫu của Thượng Hội Đồng và chính các nhóm. Các “câu trả lời” sẽ phải được chuyển đến Đức Thánh Cha vào năm 2025.
Chế độ đa thê
Một trong những vấn đề gai góc là chế độ đa thê ở nhiều quốc gia Châu Phi. Đức Hồng Y Fridolin Ambongo người Congo, Tổng Giám mục Kinshasa và chủ tịch SECAM (Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar) đã trình bày qua video một báo cáo với cảm hứng từ câu hỏi: làm thế nào để đồng hành mục vụ với “những người đã theo đức tin Kitô giáo trong tình trạng đa thê” hoặc “những người đã được rửa tội sống trong chế độ đa thê sau khi theo đạo”.
Giáo hội tự hỏi làm thế nào để tương tác với những người đàn ông có tới mười vợ, và phải lưu ý đến các con cái của họ, khó khăn về kinh tế, mối quan hệ tình cảm và các vấn đề khác. Đức Hồng y Ambongo giải thích rằng Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar muốn phân tích trong bốn điểm các hình thức của hiện tượng, động cơ và giáo lý. Các Giám mục cho rằng chế độ đa thê “không phải là sự kết hợp lý tưởng mà Chúa mong muốn”. Tuy nhiên, ngày nay điều đó chưa đủ: chúng ta cần “sự gần gũi”, “sự lắng nghe tích cực” và “sự hỗ trợ”. Công việc do một nhóm chuyên gia thực hiện sẽ được tập hợp thành một tài liệu.
Vấn đề nữ phó tế
Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng Y Victor Manuel Fernández, tập trung trọng tâm vào “vấn đề cấp bách về sự tham gia của phụ nữ vào đời sống và sự lãnh đạo của Giáo hội”. Trong lĩnh vực này có vấn đề nữ phó tế, công việc của hai Ủy ban do Đức Thánh Cha thành lập. Đức Hồng y nói: “Chúng tôi nhận biết quan điểm công khai của Đức Thánh Cha, coi vấn đề này vẫn chưa chín muồi. Trong suy nghĩ của Đức Thánh Cha, vẫn còn những vấn đề khác cần được khám phá và giải quyết trước khi vội vàng nói về khả năng có thể có chức phó tế cho một số phụ nữ”.
Theo Đức Hồng y, có nguy hiểm là chức phó tế trở thành “một loại an ủi đối với một số phụ nữ”, trong khi “vấn đề mang tính quyết định hơn là việc tham gia vào Giáo hội vẫn bị bỏ qua”. Ngài nói thêm, trong mọi trường hợp, Bộ Giáo lý Đức tin tiếp tục “công việc phân tích sâu sắc” bằng cách đan xen việc phân tích về những phụ nữ trong lịch sử Giáo hội “đã thực thi quyền bính thực sự” (Matilda of Canossa, Hildegard thành Bingen, Jean d'Arc, Têrêsa Avila, Mama Antula, Dorothy Day), với sự lắng nghe những phụ nữ ngày nay nắm giữ vai trò lãnh đạo trong Giáo hội ngay cả ở những vùng đất xa xôi như Indonesia và Châu Phi. Vì vậy, Đức Hồng y tuyên bố, vấn đề về chức phó tế dành cho phụ nữ “được giảm xuống một quy mô nhỏ hơn” và “chúng tôi cố gắng mở rộng không gian cho sự hiện diện quyết định hơn của phụ nữ”.
Vatican News
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn