Trong tuần qua, khi gặp gỡ các đại diện của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (ACN) đến thăm Thánh Địa, để bày tỏ tình liên đới với các Kitô hữu địa phương và xem xét các dự án nhằm giúp đỡ Giáo hội trong khu vực, Đức Hồng Y Pizzaballa giải thích: “Tình hình quá phân cực đến nỗi nếu bạn gần gũi với người Palestine, người Israel cảm thấy bị phản bội, và ngược lại. Khi tôi nói về sự đau khổ của Gaza, người Công giáo Do Thái nói với tôi về những khu vực đã phải chịu đựng trong các cuộc tấn công ngày 7/10, và ở phía bên kia, người Palestine chỉ nghĩ đến Gaza. Mọi người đều muốn độc quyền về sự đau khổ”.
Lưu ý Tòa Thượng phụ Công giáo Latinh của Giêrusalem bao gồm cả những người Công giáo Do Thái đang phục vụ trong quân đội ở Gaza, cũng như những người Công giáo bị đánh bom ở Gaza, Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng Giáo hội phải tránh bị cuốn vào cuộc xung đột và phải có sự hiện diện mang tính xây dựng. Ngài nói: “Chúng ta phải bỏ lại chính trị phía sau, chúng ta phải gặp gỡ và cùng nhau cầu nguyện. Bây giờ các vết thương đang chảy máu, đây không phải là lúc để nói về chính trị. Nhận ra sự đau khổ của người khác không đơn giản khi mình đang đau khổ”.
Theo Đức Hồng Y Pizzaballa, giải pháp không phải là một sự trung lập giả tạo, nhưng điều quan trọng là không để Giáo hội bị cuốn vào cuộc xung đột. Chúng ta không thể trở thành một phần của cuộc đụng độ chính trị, quân sự hoặc đối đầu. Chúng ta phải là một sự hiện diện mang tính xây dựng, nhưng không đơn giản để tìm ra con đường đúng.
Ngài còn cho biết Tòa Thượng phụ đang làm những gì có thể để giúp đỡ cộng đoàn Kitô hữu nhỏ bé ở Gaza, nhưng tình hình quá bất ổn nên vô cùng khó khăn. Có thể mất vài tuần để nhận được viện trợ vào khu vực, và việc thực hiện các kế hoạch dài hạn cũng không dễ.
Vatican News
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn