Giáo xứ Vinh Hương

Linh mục Việt Nam tiếp bước các vị thừa sai hải ngoại

Thứ năm - 16/12/2021 22:14
Linh mục Việt Nam tiếp bước các vị thừa sai hải ngoại
Một phụ nữ Hmong và con mình trên nương rẫy ở tỉnh Lào Cai, miền Bắc Việt Nam, nơi các nhà truyền giáo Công giáo địa phương đang nỗ lực giúp đỡ mọi người và phục hưng đức tin. (Ảnh: UCA News)

Sau khi các nhà truyền giáo ngoại quốc bị trục xuất năm 1975, Giáo hội Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ nguồn gốc địa phương.

Tại vùng đồi núi phía Bắc Việt Nam, Cha Giuse Nguyễn Tiến Liên bắt đầu ngày mới lúc 4 giờ sáng và kết thúc lúc nửa đêm.
 
Người đàn ông 42 tuổi được bổ nhiệm đến giáo xứ Mai Liên vào năm 2017, một năm sau khi chịu chức linh mục. Ngài đến huyện Mai Sơn thuộc tỉnh Sơn La với tư cách là linh mục tiên khởi của giáo xứ mới thành lập, trực thuộc Giáo phận Hưng Hóa. Truyền giáo cho dân làng dân tộc thiểu số "là ưu tiên hàng đầu của tôi. Tôi muốn mang tình yêu của Chúa đến với họ để họ được hưởng lòng thương xót của Ngài", cha nói.

Các linh mục địa phương như cha Liên phụ trách các giáo xứ Công giáo và giáo điểm ở tất cả 27 giáo phận Việt Nam, nơi mà các nhà truyền giáo Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã đem đức tin đến vào thế kỷ 16. Công việc truyền giáo phải chịu đựng gánh nặng là tình trạng thiếu linh mục và cơ sở hạ tầng ở khoảng 10 giáo phận ở miền Bắc Việt Nam, nơi mà các Kitô hữu phải chạy trốn trong Chiến tranh Việt Nam (1954-75). Tuy nhiên, hiện nay các linh mục bản xứ đang hăng hái tham gia vào các công cuộc truyền giáo, đặc biệt là ở miền Bắc.

Cha Liên cho biết, dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La "sống trong cảnh khốn cùng và gặp nhiều khó khăn" như thiếu lương thực và cơ sở vật chất cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Hầu hết các dân tộc đều có gia đình đông con và họ theo truyền thống canh tác các loại cây trồng như lúa và ngô trên các vùng đồi núi nên thiếu lương thực quanh năm.

Tỉnh Sơn La là nơi sinh sống của nhiều tộc dân như Kinh và các dân tộc thiểu số như Hmông, Dao, Mường, Thái, Tày và các dân tộc khác.

 
Người dân làng quê miền Bắc Việt Nam trong trang phục truyền thống dự lễ kỷ niệm 125 năm thành lập giáo phận Hưng Hóa tại Tòa Giám mục, tháng 12 năm 2020. (Ảnh: UCA News)
Người dân làng quê miền Bắc Việt Nam trong trang phục truyền thống
dự lễ kỷ niệm 125 năm thành lập giáo phận Hưng Hóa tại Tòa Giám mục,
tháng 12 năm 2020. (Ảnh: UCA News)

Máu của các nhà truyền giáo

Cha Liên thường xuyên đến thăm mục vụ dân làng Hmong. Ngài đã xây dựng 13 nhà nguyện trong các làng của họ và thậm chí còn giúp sửa chữa những ngôi nhà bị hư hại do thiên tai. Một nhóm từ thiện của giáo xứ cũng cung cấp thực phẩm tại bốn bệnh viện công hàng tuần.

"Mặc dù cũng sống với những phương tiện hạn chế, chúng tôi cố gắng cống hiến nhiều nhất có thể cho những người cần giúp đỡ. Chúng tôi mong muốn có những đóng góp cho sự phát triển xã hội". Vị linh mục cho biết ngài rất vui mừng trước kết quả. "Hơn 700 người, hầu hết là dân làng Hmong, ở vùng nông thôn hẻo lánh này đã theo đạo Công giáo trong suốt 4 năm qua. Cảm ơn Chúa". Hiện giáo xứ có 1.600 tín hữu.

Cha Liên tổ chức các khóa học giáo lý mùa hè cho người dân địa phương tại nhà thờ. Khoảng 100 người dân làng Hmong tham gia khóa học kéo dài một tháng hồi tháng 3 năm ngoái. Họ được cung cấp tiền ăn, ở và đi lại. Cha nói: "Chúng tôi cố gắng hết sức để đem đạo Công giáo đến với những người khác trong khu vực này như một cách để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của chúng tôi đối với các nhà truyền giáo đã giới thiệu đức tin cho các nhóm dân tộc địa phương vào đầu thế kỷ 20". Cha cho biết ngài được truyền cảm hứng từ các vị thừa sai ngoại quốc, những người đã thu phục được trái tim của các dân tộc bằng cách sống giữa họ, tiếp thu ngôn ngữ và văn hóa dân tộc và chăm sóc nhu cầu vật chất và tinh thần của họ. Các ngài đi thăm mục vụ đến từng ngôi làng xa xôi và nuôi dưỡng mối quan hệ hài hòa với dân làng.

Giáo xứ Công giáo đầu tiên trong khu vực, sau này là Giáo phận Hưng Hoá, được thành lập vào thế kỷ 19 khi các nhà truyền giáo thuộc Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris (MEP) thành lập giáo xứ Sa Pa có trụ sở tại thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Ban đầu nhằm mục đích chăm sóc mục vụ cho khách du lịch Pháp và sau đó bao gồm cả dân làng Hmong sống trong những ngôi nhà lá, trồng trọt và chăn nuôi để kiếm sống.
 
Năm nhà truyền giáo phục vụ giáo xứ cho đến năm 1948, khi người cuối cùng, Cha Jean Pierre Ydiart Alhor, bị chặt đầu bên trong nhà thờ. Thi hài của ngài được an táng gần mộ của Giám mục Paul Marie Ramond bên cạnh nhà thờ. Đức cha Ramond, cũng là thừa sai của MEP, đã lãnh đạo Giáo phận Hưng Hóa từ khi thành lập năm 1895 cho đến khi về hưu năm 1938. Ngài sống những năm cuối đời ở Sa Pa và mất năm 1944.

 
Hình 3
Người Hmông lãnh nhận bí tích rửa tội tại Nhà thờ Hầu Thào năm 2020.
(Ảnh được cung cấp)

Đức tin Công giáo hồi sinh sau chiến tranh
 
Các cơ sở của Giáo Hội gồm tòa giám mục do các thừa sai xây dựng đã bị phá hủy trong những trận chiến ác liệt giữa quân đội Pháp và lực lượng kháng chiến từ năm 1946-1954. Nhiều người Công giáo di cư vào miền Nam, trong khi những người còn lại phải chịu sự đàn áp tôn giáo và sống đức tin của họ một cách bí mật mà không có linh mục trong suốt 5 thập kỷ. Nhiều cơ sở vật chất bị tịch thu hoặc đổ nát.
 
Giáo xứ không có hoạt động tôn giáo. Sau đó, khi chiến tranh kết thúc, nhiều người trong số họ trở về và bắt đầu sống trong khuôn viên nhà thờ. Nhà thờ và nhà xứ được dùng làm trường học và nhà kho. Nhà thờ đá xây dựng từ năm 1926 đã bị hư hỏng nặng trong chiến tranh.
 
Ba linh mục đã đến thăm mục vụ tại địa phương từ năm 1998 đến năm 2006, khi Cha Phêrô Phạm Thanh Bình được bổ nhiệm làm chánh xứ. Ngài là một trong số hàng chục chủng sinh bản xứ được gửi học tại các chủng viện ở thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1992 đến 1998. Cha được thụ phong linh mục tám năm sau đó sau khi vượt qua những trở ngại do chính sách của chính phủ gây ra.

Người Công giáo địa phương đã chạy tán loạn. Họ không được học giáo lý và cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng. "Tôi nghiên cứu lịch sử giáo xứ và thường xuyên đến thăm các làng sùng đạo, học ngôn ngữ, tôn trọng văn hóa của họ, cố gắng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của họ", linh mục 50 tuổi nhớ lại.
 
Người Kinh chủ yếu cư trú tại thị trấn và đời sống khá hơn bằng cách cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch bao gồm kinh doanh nhà hàng và khách sạn. Người Hmong sống ở các bản làng hẻo lánh trên đồi núi, xa nhà thờ. Họ có gia đình đông con và chúng phải rời trường học sớm để phụ giúp gia đình, nhiều trường hợp kết hôn sớm ở tuổi thiếu niên. Họ sống trong cảnh nghèo khổ, thiếu ăn, thiếu mặc và những nhu cầu cơ bản khác để tồn tại. Họ vay tiền từ các linh mục để chi trả cho những trường hợp khẩn cấp. Người Hmông rất thích các lễ hội văn hóa như Gầu Táo, được tổ chức vào tháng Giêng âm lịch hay Chợ Tình vào mỗi cuối tuần.

 
Hình 4
Cha Phêrô Phạm Thanh Bình tiếp đón du khách tại nhà xứ Sapa. (Ảnh cung cấp)

Sự ra đời của MEP ở Việt Nam

Nhà thờ Sapa đã là một trung tâm của những hoạt động như vậy. Vào cuối tuần trước nhà thờ, những đôi bạn trẻ trong trang phục truyền thống sẽ hát, chơi nhạc cụ và nhảy múa, thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước quan tâm đến phong tục, tập quán, ẩm thực và các sản phẩm thủ công đặc trưng của dân tộc họ.

Cha Bình, một người thông thạo tiếng Hmông, cho biết ngài đã thành lập một nhà trẻ và một nhà trọ để giúp các em học sinh dân tộc theo đuổi việc học trung học. Điều này đã giúp gieo mầm ơn gọi trong giới trẻ. Giáo xứ đã sản sinh ra một linh mục và hai nữ tu là người dân tộc Hmông. Cha cho biết giáo xứ mất cả chục năm để giúp đỡ những gia đình sống trong khuôn viên nhà thờ di dời đi nơi khác. Một tòa nhà mục vụ mới đã được hoàn thành vào đầu tháng 10 để đáp ứng nhu cầu tôn giáo của người dân địa phương và cung cấp chỗ ở cho các linh mục nghỉ hưu.

Linh mục Trưởng ban Dân tộc của Giáo phận Hưng Hóa, cho biết ngài cố gắng xây dựng và nâng cấp các nhà thờ cũ, trùng tu các nhà xứ cũ và phát triển hội đoàn Công giáo. Vị linh mục cho biết huyện Sapa hiện nay là nơi sinh sống của 4.300 giáo dân trên tổng số 66.000 người, trải khắp bốn giáo xứ, hàng chục cộng đoàn và giáo điểm. Đó là mức tăng trưởng hơn 400 phần trăm trong 15 năm. Năm 2006, huyện chỉ có khoảng 1.000 giáo dân.

Nhà truyền giáo bản xứ, phụ trách giáo xứ Lào Cai - Lai Châu, cũng đã dành 10 năm để chăm sóc mục vụ cho các cộng đoàn Công giáo ở các tỉnh lân cận là Điện Biên và Lai Châu. Ngài đã mất một tuần đi khoảng 1.000 km để đến thăm họ. Các linh mục thường trú chỉ được gửi đến các giáo xứ này từ năm 2016. "Tôi được truyền cảm hứng để làm việc giữa những người dân tộc thiểu số từ tấm gương sáng của các nhà truyền giáo ngoại quốc, những người đã hy sinh mạng sống mình vì họ, bảo tồn văn hóa của họ, cải thiện cuộc sống và phục vụ nhu cầu của họ", cha nói.

Năm 1658, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII bổ nhiệm hai linh mục người Pháp là François Pallu và Pierre Lambert de la Motte làm đại diện tông tòa tại Việt Nam và miền nam Trung Quốc. Một năm sau, hai giáo phận được thành lập tại Việt Nam và các vị thừa sai này được nâng lên hàng giám mục. Giám mục Pallu phụ trách Đàng Ngoài mới (Tonkin) bao gồm miền bắc Việt Nam, Lào và một phần của Trung Quốc, trong khi Giám mục De la Motte lãnh đạo Đàng Trong (Nam Kỳ) bao gồm miền nam Việt Nam và một phần của Trung Quốc.

Hai vị Giám mục cùng với những người khác thành lập Hội Thừa Sai Paris (MEP) để gửi thừa sai đến làm việc tại Châu Á. Họ cũng bắt đầu đào tạo thừa sai cho khu vực ngay từ năm 1659.

Năm 1662, Giám mục De la Motte và hai linh mục cập bến thủ đô Ayutthaya lúc bấy giờ của Thái Lan, tiếp theo là Giám mục Pallu và bốn linh mục khác hai năm sau đó.

Năm 1668, Đức Cha de la Motte phong chức linh mục Việt Nam đầu tiên là Giuse Trang tại Thái Lan. Cha Trang lúc đó 29 tuổi. Ba linh mục khác từ Việt Nam được thụ phong trong cùng năm đó, đánh dấu một mốc quan trọng trong sự phát triển của Giáo Hội tại Việt Nam.

 
Hình 5
Giám mục Jean Cassaigne (1895-1973) và người Công giáo K'hor
nhân dịp lễ tấn phong Giám mục tại Sài Gòn, ngày 24 tháng 6 năm 1941.
Nhà truyền giáo người Pháp đã sống giữa những người phong cùi trong 32 năm và mất năm 1973 tại Di Linh. (Ảnh tư liệu)

Niềm tin hồi sinh trên vùng đồi núi

Nhiều thành viên MEP được giao nhiệm vụ đào tạo giáo sĩ địa phương, chăm sóc mục vụ cho người Công giáo và đưa đạo Công giáo đến với địa phương, đặc biệt là các nhóm dân tộc ở vùng sâu vùng xa. Họ cũng thành lập một số dòng tu để hoạt động giữa người dân địa phương. Các nhà truyền giáo Công giáo đã đóng góp vào văn hóa và văn học địa phương khi họ dịch Kinh Thánh sang tiếng Hmong và soạn sách kinh bằng tiếng Hmong.

Một nữ giáo dân người Hmông ở giáo xứ Phình Hồ, tỉnh Yên Bái cho biết nhiều người dân trong làng đã được cố linh mục người Pháp Paul Doussoux Hien rửa tội, ngài là người thành lập các giáo xứ Phình Hồ và Đồng Lư cho dân làng Hmong vào đầu những năm 1900. Bà cho biết họ đã trông coi nhà thờ và tập hợp người dân địa phương để cầu nguyện hàng ngày trong nhiều thập kỷ mà không có linh mục. Họ dạy Kinh Thánh, thánh ca, kinh nguyện và giáo lý cho những người từ nơi khác đến. Những người này sau khi hoàn thành khóa học đã trở lại để dẫn dắt các buổi cầu nguyện trong làng của họ.

Kết quả là, "những hạt giống Công giáo đã được các thế hệ người dân tộc chuyển giao", bà nói. Giáo xứ Phình Hồ của bà không có linh mục cho đến năm 2013, khi các linh mục từ Hội Dòng Truyền giáo được cử đến. "Bây giờ chúng tôi cố gắng hết sức để bảo tồn di sản đức tin từ các vị thừa sai và tổ tiên của chúng tôi, bất chấp những khó khăn nghiêm trọng".

Giáo xứ Phình Hồ, nơi người đầu tiên được rửa tội năm 1917, phục vụ 2.700 tín hữu từ các huyện Trạm Tấu và Văn Chấn. Nhà thờ bằng gỗ của họ được xây dựng từ những năm 1940.

Linh mục Phêrô Nguyễn Trường Giang, Phó Ủy ban Dân tộc, Giáo phận Hưng Hóa, cho biết đầu năm nay, một cuốn sách kinh được soạn bằng chữ Hmông. Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giáo phận Hưng Hóa, đã chấp thuận để thay cho các sách kinh cũ viết bằng chữ Quốc ngữ đã lỗi thời.

 
Linh mục Phêrô Nguyễn Trường Giang (trái) cùng dân làng Hmông
đón Giám mục Phê-rô Nguyễn Văn Viên và các du khách tại Nhà thờ Lao Chải năm 2020. (Ảnh: UCA News)

Một kỷ nguyên mới bắt đầu

Cha Giang là người thông thạo tiếng dân tộc, cho biết khoảng 90 linh mục, nữ tu, giáo lý viên và giáo dân từ tỉnh Lào Cai đã được đào tạo để đọc kinh bằng tiếng Hmông và sử dụng nó trong phụng vụ. Cha nói: "Chúng tôi hy vọng cuốn sách mới sẽ giúp người Công giáo Hmong hiểu những gì họ đọc và sống theo đức tin của mình".

Ba tỉnh Tây Bắc là Điện Biên, Lai Châu và Sơn La, nơi sinh sống của hai chục dân tộc, đã nối lại các hoạt động tôn giáo vào những năm 2000. Hiện Giáo phận có 12 giáo xứ, hàng chục giáo họ và điểm truyền giáo với 15.000 giáo dân. Người Công giáo địa phương luôn giữ mối quan hệ tốt đẹp với đồng bào theo đạo khác, với chính quyền và thường xuyên đóng góp vào việc cải thiện đời sống của người dân. Cha cho biết, một số giáo xứ như của ngài vẫn đang chờ sự chấp thuận của chính phủ. "Chúng tôi hy vọng giáo xứ của chúng tôi sẽ sớm được công nhận để có điều kiện thuận lợi hơn trong đời sống đức tin của mình", cha nói.

Vị truyền giáo ngoại quốc cuối cùng tại Việt Nam, Cha Jean-Baptiste Etcharren (MEP), mới qua đời vào ngày 21 tháng 9 ở tuổi 89. Chính quyền đã buộc tất cả các nhà truyền giáo ngoại quốc phải rời khỏi đất nước hồi năm 1975 sau khi lên nắm quyền vào cuối cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng Cha Etcharren, một người tự xưng là người yêu Việt Nam, đã trở lại Huế từ năm 2010 sau khi chính phủ nới lỏng một số quy định từ năm 1991. Hiện Cha được an táng cùng với 37 thành viên MEP khác tại nghĩa trang cũ trong khuôn viên Đại Chủng viện Huế. Giờ đây, Cha được yên nghỉ nơi vùng đất mà Cha yêu quý đến cùng. Một ngôi sao của Giáo hội Việt Nam đã vụt tắt", linh mục Antôn Dương Quỳnh, Tổng đại diện Giáo phận, nói trong thánh lễ an táng.

Cha Etcharren, nguyên Bề trên Tổng quyền MEP, được phép trở lại theo lời mời của Đức Tổng Giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể của Giáo phận Huế lúc bấy giờ. Cái chết của ngài đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên truyền giáo hải ngoại tại Việt Nam nhưng cũng báo hiệu một khởi đầu của kỷ nguyên khác, trong đó các giáo sĩ địa phương đang quản lý Giáo hội của chính họ.

 
Đức cha Eugène Marie Joseph Allys Lý (1852-1936) và anh em dòng Thánh Tâm do chính ngài thành lập năm 1927. Ngài là một trong số tám giám mục MEP lãnh đạo Giáo phận Huế từ năm 1850 đến năm 1960. (Ảnh tư liệu)

Đại chủng viện mới ở Thái Bình

7 triệu người Công giáo ở Việt Nam chiếm 7% dân số và họ sống trải dài trên 2.228 giáo xứ. Khoảng 2.668 linh mục địa phương như Cha Liên chăm sóc các nhu cầu mục vụ của họ.

Vào tháng 9, Giáo phận Thái Bình ở miền Bắc thông báo đã được chính phủ chấp thuận cho phép thành lập một đại chủng viện.

Cha Tôma Đoàn Xuân Thỏa, trưởng ban cố vấn của giáo phận, cho biết chủng viện sẽ nhận chủng sinh không chỉ từ giáo phận nhà mà từ các giáo phận và hội dòng khác. Đại chủng viện sẽ có đủ cơ sở vật chất cung ứng cho khoảng 300 sinh viên.

Giáo hội Việt Nam hiện đang điều hành 11 đại chủng viện với 2.824 chủng sinh từ 27 giáo phận. Mỗi năm, hàng trăm tân linh mục ra trường sẽ tiếp bước truyền giáo như Cha Liên, những người vất vả trên vùng đồng bằng cũng như miền đồi núi Việt Nam.

 
Cha Jean-Baptiste Etcharren rửa tội cho trẻ sơ sinh ở Quảng Bình trước khi rời Việt Nam năm 1975. (Ảnh tư liệu)

Nguồn: UCANEWS 08.12.2021

Tác giả bài viết: Huuchanh VH dịch

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây