Giáo xứ Vinh Hương

Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo phận Ban Mê Thuột –2024

Thứ tư - 13/11/2024 03:11
Tuần Tĩnh Tâm chính là thời gian các Linh mục tìm nơi thinh lặng để gặp gỡ Chúa.
Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo phận Ban Mê Thuột –2024

Tuần Tĩnh Tâm chính là thời gian các Linh mục tìm nơi thinh lặng để gặp gỡ Chúa. Đó chính là nơi tâm hồn hướng về mầu nhiệm; nơi thanh vắng Thánh để nghe Chúa nói với mình; nơi chỉ chiêm ngắm Chúa, sống thân mật với Chúa; nơi kiểm thảo đời sống, sám hối, ăn năn về những lỗi lầm thiếu sót. Giáo hội coi Nơi Thinh Lặng ấy là một môn học sư phạm, là một môn học thiêng liêng bổ ích. 

Quý Cha tĩnh tâm khởi đầu ngày mới vào lúc 4g30, giờ Kinh Ca ngợi, nguyện ngắm và dâng Thánh lễ đồng tế. Sau điểm tâm sáng, Quý Cha đọc Kinh Giờ Ba và dự buổi Hướng dẫn thiêng liêng, cầu nguyện, Kinh Sách, Viếng Thánh Thể. Sau giờ cơm trưa, nghỉ trưa, Quý Cha tiếp tục dự buổi Hướng dẫn thiêng liêng, Kinh Chiều và Chầu Thánh Thể. Sau Bữa tối, Lần hạt Kinh Mân côi, Kinh Kết, Quý Cha nghỉ đêm.

 


HÌNH ẢNH

Trong tuần tĩnh tâm năm nay, các Linh mục Giáo phận Ban Mê Thuột được Đức Cha Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh, Giám mục Chính tòa Giáo phận Đà Lạt, hướng dẫn thiêng liêng về Chủ đề: Tân Phúc Âm hóa chính con người linh mục.

Nội dung như sau:

BÀI MỞ ĐẦU: TÂN PHÚC ÂM HÓA CHÍNH CON NGƯỜI LINH MỤC
I. DẪN
II. NHỮNG MẪU GƯƠNG TRONG LỊCH SỬ GIÁO HỘI
III. MẪU GƯƠNG ĐỨC CHA CASSAIGNE.
IV. BỐ CỤC CỦA TUẦN TĨNH TÂM.
V. Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA TUẦN TĨNH TÂM

BÀI 1: ĐỔI MỚI TƯ DUY LINH MỤC LÀ TÔNG ĐỒ CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ
1. Tầm quan trọng của đổi mới tư duy về chức thánh linh mục.
2. Nền tảng và nguồn cội của đổi mới tư duy về chức linh mục: Đức Giêsu Kitô và chức tư tế thừa tác.
2.1. Đức Giêsu Kitô: cội nguồn của đổi mới tư duy.
2.2. Tài liệu căn bản: PO 2.
3. Suy tư về chức tư tế thừa tác
4. Phần đáp trả từ phía chúng ta
5. Kết.

BÀI 2: ĐỔI MỚI TỔ CHỨC LINH MỤC LÀ THÀNH PHẦN CỦA HÀNG TƯ TẾ
1. Dẫn. Sống chức linh mục trong tương quan với hàng tư tế của Hội Thánh.
2. Tính tập đoàn của chức Tư Tế thừa tác.
3. Tương quan linh mục - giám mục.
3.1. Tích cực.
3.2. Những tiêu cực trong thực tế.
4. Tương quan giám mục - linh mục.
5. Tương quan giữa các linh mục với nhau.
5.1. Tình huynh đệ linh mục.
5.2. Tình huynh đệ linh mục do bí tích.
5.3. Tình huynh đệ linh mục trong cùng một giáo phận.
5.4. Cả trong những chi tiết của đời sống thường ngày.
5.5. Sự cô đơn trong đời linh mục.
6. Kết: Gương cha thánh Ngân sống tình huynh đệ linh mục cách khiêm tốn tốt đẹp.

BÀI 3: ĐỔI MỚI SỨ MẠNG LINH MỤC LÀ NGƯỜI XÂY DỰNG NHIỆM THỂ.
1. Dẫn: “Tông đồ” là người được sai đi.
2. Chức vụ công việc khác nhau, nhưng chỉ một thừa tác vụ linh mục duy nhất.
3. Không tìm “chỗ ngồi”, nhưng phục vụ.
3.1. Cái nhìn đức tin, không để “ngồi chỗ ngon”.
3.2. Tham gia công cuộc mục vụ của Giáo Hội toàn cầu.
3.3. Phục vụ con người.
3.4. Túi “kẻ liệt” luôn sẵn sàng (V. Gheorghiu).
4. Linh mục cần giáo dân: tôn trọng, bình đẳng.
5. Kết. Trong tư thế lên đường, phục vụ.

BÀI 4: ĐỔI MỚI CÔNG TÁC LINH MỤC LÀ NGƯỜI DÂNG LỄ
1. Dẫn: Cần đổi mới quan niệm về công việc và cách thức làm việc.
2. Tránh thái độ “chăn thuê”, chỉ quan tâm đến mình.
3. Người chăn chiên tốt.
3.1. Quảng đại, khó nghèo.
3.2. Nhiệt thành với Thánh lễ, Thánh Thể.
3.3. Cử hành Thánh lễ, nhiệm vụ chính yếu của linh mục.
3.4. Quyền tế lễ là để phục vụ cho sự hiện diện của Chúa ở trần gian cho đến ngày tận thế.
3.5. Thánh lễ biến đổi chúng ta nên đẹp đẽ.
4. Những áp dụng thực hành
4.1. Đổi mới quan niệm về tầm quan trọng của Thánh lễ.
4.2. Huấn giáo.
5. Kết: Hãy vui tươi khi cử hành các mầu nhiệm thánh kinh.

BÀI 5: ĐỔI MỚI GIẢNG HUẤN LINH MỤC LÀ NGÔN SỨ
1. Dẫn: Các môn đệ được sai đi rao giảng.
2. Chúa Giêsu và các Tông đồ rao giảng.
3. Ý nghĩa và tầm quan trọng của việc rao giảng.
3.1. Thiên Chúa đã sáng tạo và cứu chuộc bằng Lời.
3.1. Lời Chúa trên môi miệng các tiên tri và tông đồ.
4. Các hình thức rao giảng.
4.1. Giảng lễ.
4.2. Huấn giáo.
5. Kết: Hãy chăm đọc và ân cần học hỏi thánh kinh.

BÀI 6: ĐỔI MỚI PHƯỢNG TỰ LINH MỤC LÀ THỪA TÁC VIÊN CỦA CÁC MẦU NHIỆM THÁNH
1. Dẫn: Sắc lệnh về Linh Mục 5.
2. Thiên Chúa là Đấng Thánh và là Đấng thánh hóa.
3. Chúng ta cộng tác vào công việc thánh hóa.
4. Chuẩn bị tâm hồn người đón nhận.
4.1. Giúp cho họ có lòng tin.
4.2. Đòi đổi mới ở nhiều việc.
4.3. Về giải tội tập thể.
5. Kết: Hãy vui tươi khi cử hành các mầu nhiệm thánh.

BÀI 7: ĐỔI MỚI LÃNH ĐẠO LINH MỤC LÀ CHỦ CHĂN
1. Vatican II với quan niệm mới về chức năng vương đế.
2. Chúa Giêsu là vua, nhưng không theo quan niệm của người đương thời.
3. Người tín hữu được chia sẻ quyền làm vua.
4. Vai trò lãnh đạo của chức linh mục.
4.1. “Lãnh đạo” là phục vụ.
4.2. Mẫu gương của chính Đức Giêsu.
4.3. Những từ ngữ “ phục vụ” , “thừa tác vụ”.
4.4. Khái niệm “chăm sóc linh hồn anh em”.
5. Áp dụng cụ thể.
5.1. Không còn quan niệm quyền đạo trên quyền đời - Tôn trọng quyền dân sự.
5.2. Giáo Hội muốn tỏ ra khiêm tốn, bỏ mũ ba tầng.
5.3. Cụ thể: đơn giản lễ nghỉ tiếp đón giám mục.
5.4. Quan niệm quyền lãnh đạo về mặt thiêng liêng -Gương cha Thánh Vianney.

BÀI 8: ĐỔI MỚI NHIỆM SỞ LINH MỤC LÀ NGƯỜI CỦA MỌI NGƯỜI
1. Dẫn: Ơn gọi tông đồ muôn dân (lưu ý của cha Congar).
2. “Nhiệm vụ quốc tế”: với cả thế giới và cho tất cả loài người.
2.1. Khi cầu nguyện, dâng Thánh lễ.
2.2. Khi theo dõi tin tức thế giới với tâm hồn tông đồ.
2.3. Những dịp đặc biệt.
2.4. Tinh thần nhiệt thành từng đỡ quốc tế.
3. Tập nhìn thấy cả thế giới và đáp ứng vô vàn yêu cầu tôn giáo nơi những con người trong giáo xứ.
3.1. Giáo xứ là cả một thế giới.
3.2. Bỏ mẫu tổ chức giáo xứ xưa đi, chỉ biết 99 con chiên lành.
3.3. Nhiều việc lắm, đừng ở không, đừng tự mãn.
4. Chia sẻ gánh nặng mục vụ của Giáo Hội toàn cầu.
4.1. Chia sẻ gánh nặng với ĐTC.
4.2. Chia sẻ gánh nặng với giám mục giáo phận.
5. Tiến đến một mục vụ chung với bốn dấu chỉ.
6. Kết: Tầm mắt và tâm hồn mở rộng trên toàn thế giới.

BÀI 9: ĐỔI MỚI ĐỜI SỐNG LINH MỤC LÀ CON NGƯỜI ĐƯỢC HIỆN THÁNH
1. Đổi mới đời sống: Một điều khẩn thiết.
2. Cùng một ơn gọi nên thánh như giáo dân, nhưng linh mục có nghĩa vụ phải làm gương.
3. Ơn gọi nên thánh mới do bí tích truyền chức.
4. Ơn riêng của chức vụ (grâce d’état): Linh mục nên thánh ngay trong chính nhiệm vụ được trao phó.
5. Những phương tiện nên thánh
5.1. Cầu nguyên, xét mình.
5.2. Ăn chay.
5.3. Khi thành công hay thất bại trong đời mục vụ.
6. Kết: Gương cha thánh Đạt, TĐVN.

BÀI 10: ĐỔI MỚI THẦN TƯỢNG LINH MỤC ĐI THEO ĐỨC GIÊSU KITÔ
1. Dẫn: Ra về mang theo hình ảnh vị Thượng Tế duy nhất để chiêm ngắm mỗi ngày (thư Do Thái).
2. Đức Giêsu không là Thượng Tế trong cuộc sống trần gian.
2.1. Đức Giêsu không là Thượng Tế thuộc dòng Lê-vi.
2.2. Nhưng khi bước lên thập giá, Người trở thành Thượng Tế duy nhất.
3. Thư Do Thái và Đức Kitô Thượng Tế.
3.1. Thư gửi tín hữu Do Thái.
3.2. Hãy đăm nhìn lên Chúa Giêsu.
4. Áp dụng: Hãy nhìn lên Đức Giêsu.
5. Kết. Gương cha Vinh Sơn Liêm muốn đồng hóa với mầu nhiệm thánh giá.

 

BÀI MỞ ĐẦU:
TÂN PHÚC ÂM HÓA CHÍNH CON NGƯỜI LINH MỤC

I. DẪN

- Sứ điệp của Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010 ngay ở những số đầu tiên đã minh định rất rõ ràng sứ mạng của Hội Thánh: “Đại hội giúp chúng tôi xác tín hơn vào sứ mạng của Hội Thánh... Hội Thánh Chúa Kitô có mặt trong lịch sử nhân loại với sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa trong quyền năng của Thánh Thần”.

- Tháng 10 năm 2019, nhân kỷ niệm 100 năm Tông Thư đặc biệt về truyền giáo Maximum illud, ĐTC Phanxicô đã ấn định là “Tháng Truyền giáo Ngoại thường”, với ý mời gọi và khuyến khích toàn thể Hội Thánh, từ giáo phận, giáo xứ, đến từng cá nhân tín hữu ý thức mãnh liệt và dấn thân mạnh mẽ hơn nữa cho việc loan báo Tin Mừng. Một Hội Thánh quyết tâm đi tới mọi biên cương xa xôi nhất cần một sự hoán cải truyền giáo kiên định và kiên trì.

- Chủ đề của THĐGM về Hiệp Hành đã diễn ra trong hai khóa 2023-2024 cũng hướng đến sứ vụ, tức truyền giáo: “Hướng tới một Hội Thánh Hiệp Hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ”.

- Sứ mạng truyền giáo không bao giờ ngưng nghỉ, và giờ đây quy tụ nhau tĩnh tâm, phải chăng anh em linh mục chúng ta không được mời gọi nhập cuộc vào dòng chảy này của toàn thể Giáo Hội, ở chiều sâu, đó là “Tân Phúc Âm hóa chính con người linh mục” của mình từ bên trong và toàn diện.

II. NHỮNG MẪU GƯƠNG TRONG LỊCH SỬ GIÁO HỘI

- Đã có biết bao những gương sáng ngay từ ban đầu và xuyên suốt 20 thế kỷ của những con người đã để cho Phúc Âm thấm nhuần bản thân mình và ra đi làm chứng cho Tin Mừng: từ Đức Maria, các thánh Tông đồ và nhiều tín hữu khác của Giáo Hội Tiên khởi.

- Đặc biệt, Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, nhân Tháng Truyền Giáo Ngoại Thường 10/2019, đã đề ra một danh sách 25 vị khắp năm châu như những gương sáng nổi bật cho việc Phúc Âm hóa bản thân và tha nhân, trong đó có Đức Cha Gioan Cassaigne mà phần mộ đang nằm tại Di Linh, Giáo phận Đà Lạt.

III. MẪU GƯƠNG ĐỨC CHA CASSAIGNE

1. Đức Cha Cassaigne là vị thừa sai thuộc Hội Truyền giáo Paris (MEP), đã cống hiến một đời cho người phong cùi tại Di Linh Lâm Đồng và đang an nghỉ trong ngôi mộ tại trại phong này.

Giáo phận Đà Lạt-Sàigòn-MEP đang cùng cộng tác để bắt đầu công việc điều tra xúc tiến việc phong chân phước cho ngài, mà con đường thích hợp hơn cả là con đường được mệnh danh là “con đường thứ ba”, con đường của “dâng hiến trọn cuộc sống vì tình yêu” (dựa trên Tự sắc của ĐTC Phanxicô 11/7/2017 Maiorem hac dilectionem, Ga 15,3).

2. Xin được gọi lên vài nét dung mạo Đức Cha Cassaigne

- Sinh 1895. Chịu chức linh mục 12/1925. Vừa chịu chức linh mục xong, ngài tình nguyện sang Việt Nam truyền giáo, và đã ở lại, hiến mình, phục vụ cho đến chết và chết tại Việt Nam (ngài đã biết Việt Nam qua việc đọc “Hành trình truyền giáo của Cha Đắc Lộ” và truyện “Một Tâm Hồn” của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu).

- Được Cha Bề trên Tổng Quyền MEP bổ nhiệm và sai đi, ngài đã đáp chuyến tàu D’Artagnan, và cập bến Sàigòn vào tháng 5/1926.
- Vâng lời bề trên, ngài lập tức xuống Cái Mơn học tiếng Việt. Chưa được mấy tháng, lại vâng lời Bề trên ngài tức tốc trở về Sàigòn, để lên Di Linh, một thí điểm truyền giáo trên miền cao nguyên Trung phần mà cư dân toàn là người Thượng thiểu số chưa có đạo. Kể từ đó ngài sống giữa những người thượng như một người anh em, một người thầy, một thầy thuốc, một người cha, một linh mục rất gắn bó, rất yêu thương, và chính tình yêu lạ lùng dành cho những người thượng đã khiến ngài trọn đời sống giữa họ, cống hiến cuộc sống cho họ, và ước ao chết giữa họ nữa.

- Chính lời ngài tâm sự mà những người sống gần thường được nghe: “Đời tôi chỉ có ba ước nguyện: được chịu đựng, chịu đau và chịu chết ở đây, giữa anh chị em dân tộc của tôi” (“tenir, souffrir, et mourir ici, au milieu de mes montagnards”).

- Đến với người dân tộc, ngài lập tức học tiếng dân tộc, tìm hiểu phong tục tập quán của người dân tộc, viết sách giáo lý bằng tiếng dân tộc. Tất cả đều trở thành những tác phẩm đầu tiên loại đó, khiến ngài trở thành ông tổ của công cuộc truyền giáo cho người dân tộc vùng Cao nguyên Di Linh-Langbiang.

- Hoa trái truyền giáo sớm được Chúa ban. Ngài đến Di Linh đầu năm 1927, thì đến cuối năm vào chiều 07/12/1927 áp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, ngài đã rửa tội cho người dân tộc đầu tiên là bà Maria Ka Trut, một bệnh nhân phong cùi từng được ngài giúp đỡ. Việc rửa tội cho bà vào chiều áp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm năm ấy đã mở đầu và đánh dấu gần 100 năm công cuộc truyền giáo cho người dân tộc trên vùng đất cao nguyên Lâm Đồng nói chung và cho giáo phận Đà Lạt nói riêng.

- 14 năm sau, được bổ nhiệm làm giám mục Sàigòn, ngài chọn khẩu hiệu “Bác ái và yêu thương”, và tâm sự: “Người ta sẽ thay đổi y phục và chỗ ở của tôi, nhưng chẳng ai thay được con người chất phác của tôi”. Quả thật, về làm giám mục Sàigòn, ngài vẫn thường đi xe đạp hoặc xe vespa thăm các khu nghèo.

- Lại 14 năm sau, khi phát hiện chính mình bị phong cùi, ngài viết cho cha Bề trên Tổng quyền MEP: “Xin cho phép tôi đệ đơn từ chức lên Tòa Thánh, và được rút lui về trại phong Di Linh, bên cạnh những con cái mà tôi yêu thương nhất”.

- Trước khi chết vào năm 1973, ngài tâm sự với người nữ tu chăm sóc ngài: “Việt Nam chính là quê hương thứ hai của cha. Các con đừng lo, khi về với Chúa, cha sẽ vẫn ở với các con”.

- Phải chăng chúng ta có thể nói đến một trái tim tinh tế, nhạy cảm; nhạy cảm trước tiếng kêu gào thảm thiết xin cứu giúp của đoàn người cùi mà chính ngài chứng kiến nơi vùng rừng sâu một ngày cuối thu 1928, để rồi ngay sau đó thành lập trại phong; nhạy cảm để mỗi lần phải thuyết trình hay phải kể lại tình trạng khốn khổ của những đứa con phong cùi xấu số, ngài lại không cầm được nước mắt và mô tả như thể chính ngài đã từng trải: “Họ sẽ chết dần chết mòn một cách thảm khốc, sẽ gục ngã ở một xó kẹt nào đó rồi chết vì đói lạnh, mà chẳng ai hay biết...”.

- Không những nhạy cảm, mà còn có thể nói đến một trái tim “si mê” không, yêu đến nỗi không muốn rời? Từ nhiệm chức vụ giám mục Sàigòn, ngài có thể về Pháp. Thế nhưng, ước nguyện của ngài lại là trở lại Đi Linh này để được sống và được chết giữa các con cái phong cùi của ngài, nơi ngài vừa làm cha sở, thầy giảng, giám đốc, y tá, chăm sóc các bệnh nhân cùi với sự cộng tác của các Sơ Nữ Tử Bác Ái, như một quyết tâm nên một với các con cái cùi hủi của ngài. “Au milieu de mes Montagnards”, giữa các con cái người dân tộc của tôi”.

- Chính “đức ái mục tử” đến “si mê” mà ngài dành cho anh chị em dân tộc phong cùi trên vùng đất Di Linh cho đến hơi thở cuối cùng đánh động chúng ta, và hướng tầm nhìn của chúng ta đến những công cuộc truyền giáo mênh mông, những vùng xa, vùng “ngoại vi” cả theo nghĩa địa lý lẫn hiện sinh, như lời Đức Giêsu tha thiết gợi lên: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này”... Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông” (Lc 10,2-9).

- Phải chăng con người, tấm lòng và cả cuộc sống trọn vẹn hiến dâng của ĐC Cassaigne cho những anh chị em dân tộc phong cùi xấu số, không là một cách thức thực hiện tuyệt vời những lời trên của Chúa Giêsu? Và đã để lại một tấm gương và một sức đẩy cho công cuộc truyền giáo qua những việc bác ái yêu thương phục vụ?

IV. BỐ CỤC CỦA TUẦN TĨNH TÂM:

- Với chủ đề “Tân Phúc âm hóa chính con người linh mục”, chúng ta sẽ đề cập nhiều đề tài khác nhau dưới ánh sáng của công cuộc Tân Phúc Âm Hóa đã được ĐTC Gioan Phaolô II đề ra tại Đại Hội Celam 19: “Tin Mừng vẫn là một, Chúa Kitô vẫn là một, nhưng cần một nhiệt huyết mới, một phương pháp mới, và một diễn tả mới”, mà sâu thẳm nhất và nền tảng nhất là cần một con người mới, hay như ĐTC Phanxicô trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng “định hình rõ nét một phong cách Phúc Âm hóa mà tôi xin anh em thể hiện trong mọi hoạt động của anh em” (số 18), để thấm nhiễm và lan tỏa Tin Mừng, khiến người thời nay có thể hiểu và đón nhận Tin Mừng.

- Với chủ đề “Tân Phúc Âm Hóa chính con người linh mục”, chúng ta sẽ đề cập những đề tài sau:

1) Đổi mới tư duy về chức thánh linh mục → Linh mục là tông đồ của Chúa Giêsu Kitô.

2) Đổi mới tổ chức → Linh mục là thành viên trong hàng tư tế, sống tương quan với Giám mục, và với các anh em linh mục khác trong tình huynh đệ linh mục.

3) Đổi mới sứ mạng → Linh mục là người xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô, sống tương quan với giáo dân.

4) Đổi mới công tác → Linh mục là người dâng lễ.

5) Đổi mới giáo huấn → Linh mục với chức vụ ngôn sứ.

6) Đổi mới phụng tự → Linh mục là thừa tác viên của mầu nhiệm thánh.

7) Đổi mới lãnh đạo →  Linh mục là chủ chăn, người lãnh đạo: phục vụ, trong khiêm tốn.

8) Đổi mới nhiệm sở → Linh mục là người của mọi người, để tiến đến một mục vụ chung, mở rộng trên toàn thế giới.

9) Đổi mới đời sống → Linh mục là con người được hiển thánh, được mời gọi nên thánh.

10) Đổi mới thần tượng → Linh mục là người đi theo Đức Giêsu Kitô Thượng tế, đồng hóa mình với mầu nhiệm thánh giá.

V. Ý NGHĨA VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA TUẦN TĨNH TÂM:

- Tuần tĩnh tâm nhằm khơi thắm lại hồng ân chức thánh linh mục Thiên Chúa đã ban cho chúng ta qua việc đặt tay; đổi mới, Tân Phúc Âm hóa chính con người linh mục của mình (2 Tm 1,6).

- Qua chức thánh, chúng ta đóng vai trò là một nhân tố thiết yếu trong công cuộc đổi mới toàn thể vũ trụ đã được thực hiện bởi Đức Kitô Phục sinh trong quyền lực Chúa Thánh Thần. Chỉ cần nêu lên một việc mà linh mục thường làm ngay khi mặt trời chưa mọc, đó là việc dâng thánh lễ, hiện tại hóa mầu nhiệm Đức Giêsu Tử nạn- Phục sinh để ban sự sống mới, và vai trò của linh mục trong việc cử hành này quan trọng như thế nào.

- Tuần tĩnh tâm này bao gồm nhiều việc khác nhau đã được ghi trong chương trình. Chúng ta cố gắng đem hết tinh thần để thi hành, từ việc dâng lễ, cầu nguyện, nghe giảng, trao đổi cho đến việc ăn uống nghỉ ngơi, vì như lời thánh Phaolô nói, việc nào cũng có thể làm sáng danh Chúa (1 Cr 10,31).

- Nhưng mọi việc ây sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có sự giúp đỡ và dẫn dắt của Chúa Thánh Thần; - mà Thánh Thần đã đến cộng tác với những con người theo lệnh Chúa phải ra đi đổi mới thế gian, khi họ họp nhau cùng cầu nguyện với Đức Mẹ (Cv 1,14), đấng đã nhận lời trối của Chúa Cứu Thế để chăm sóc người môn đệ Chúa thương (Ga 19,25-27). Chúng ta hãy xin Đức Mẹ đến giữa chúng ta trong những ngày này. - Chúng ta cũng xin 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam, cách riêng 37 thánh linh mục Việt Nam, đến chia sẻ với chúng ta tinh thần và sức mạnh các ngài đã nhận được để đặt nền tảng cho Hội Thánh tại Đất Nước chúng ta, trong niềm tin mạnh mẽ là quê hương này sẽ được đổi mới và hạnh phúc, nếu Phúc Âm được lan rộng, nếu các thế hệ đi sau có nhiều linh mục và tín hữu tốt.

- Xin các ngài đến giúp đỡ chúng ta một cách đặc biệt trong tuần tĩnh tâm này.

https://gpbanmethuot.net/

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây