Giáo xứ Vinh Hương

Câu chuyện đầu tiên về cầu nguyện trong Kinh Thánh dạy chúng ta điều gì?

Thứ ba - 15/03/2022 22:45
Câu chuyện đầu tiên về cầu nguyện trong Kinh Thánh dạy chúng ta điều gì?
CÂU CHUYỆN ĐẦU TIÊN VỀ CẦU NGUYỆN TRONG KINH THÁNH DẠY CHÚNG TA ĐIỀU GÌ?

 Cầu nguyện, hoặc một điều gì đó tương tự, bắt đầu từ rất sớm trong lịch sử Kinh Thánh.

Sách Sáng thế 4, 26 cho thấy rằng, khi nguyên tổ Adam và Eva vẫn còn sống và tiếp tục sinh con, thì “người ta bắt đầu kêu cầu danh Ðức Chúa”— một câu nói tuy mơ hồ nhưng cũng có thể được hiểu là đề cập đến sự cầu nguyện.

Từ cầu nguyện trong tiếng Hebrew, không xuất hiện cho đến một thời gian sau, trong sách Sáng thế 20, 7. Lời được Thiên Chúa phán trong một giấc mơ với Abimelech, vua Gơra, người đã sai đến bắt bà Sara, thúc giục nhà vua đưa trả bà Sara về với ông Abraham, để ông Abraham cầu nguyện cho nhà vua. Sau khi bà Sara trở về, ông Abraham đã thực hiện điều này là cầu nguyện cho Abimelech như được diễn tả trong St 20, 17-18.

Nhưng mãi đến sau này, chúng ta mới có sự mô tả đầu tiên về việc một người thực sự đang cầu nguyện. Điều đáng ngạc nhiên là từ này không được sử dụng quá thường xuyên trong bối cảnh câu chuyện của tổ phụ Abraham. Trong sách Xuất hành, chúng ta nhận thấy điều gì đó được mô tả trong lời tường thuật ngắn gọn của Môsê về cách ông cầu bầu cho dân Israel trong sách Đệ nhị luật chương 9. Nhưng đây không phải là sự cầu nguyện theo nghĩa thông thường — vì lúc này Môse đang ở trong cuộc gặp gỡ thần bí với Thiên Chúa trên Núi Sinai. Phải đến phần mở đầu của sách Samuel, chúng ta mới có được sự diễn tả đầy đủ về một người Israel cổ đại đang cầu nguyện.

Bà An-na đứng dậy sau khi họ đã ăn uống tại Si-lô. Tư tế Ê-li đang ngồi trên ghế ở cửa đền thờ Ðức Chúa. Tâm hồn cay đắng, bà cầu nguyện với Ðức Chúa và khóc nức nở. Bà khấn hứa rằng: "Lạy Ðức Chúa các đạo binh, nếu Ngài đoái nhìn đến nỗi khổ cực của nữ tỳ Ngài đây, nếu Ngài nhớ đến con và không quên nữ tỳ Ngài, nếu Ngài cho nữ tỳ Ngài một mụn con trai, thì con sẽ dâng nó cho Ðức Chúa mọi ngày đời nó, và dao cạo sẽ không đụng tới đầu nó." Vì bà cứ cầu nguyện lâu trước nhan Ðức Chúa, nên ông Ê-li để ý đến miệng bà. Bà An-na thầm thĩ trong lòng: chỉ có môi bà mấp máy, không nghe thấy tiếng bà. Ông Ê-li nghĩ rằng bà say rượu. Ông Ê-li bảo bà: "Bà còn say đến bao giờ? Hãy lo dã rượu đi!" Bà An-na trả lời rằng: "Không, thưa ngài, tôi chỉ là một người đàn bà tâm thần đau khổ. Tôi đã không uống rượu và đồ uống có men, tôi chỉ thổ lộ tâm can trước nhan Ðức Chúa. Xin đừng coi nữ tỳ ngài đây là đứa vô lại: chỉ vì quá lo âu phiền muộn mà tôi đã nói cho đến bây giờ." Ông Ê-li trả lời rằng: "Bà hãy đi về bình an. Xin Thiên Chúa của Ít-ra-en ban cho bà điều bà đã xin Người!" Bà thưa: "Ước chi nữ tỳ của ngài đây được đẹp lòng ngài!" Rồi người đàn bà ra đi; bà dùng bữa và nét mặt bà không còn như trước nữa (1Sm 1, 9-18).

Trong Cựu ước, đây là một thời điểm then chốt. Bà Anna sẽ trở thành mẹ của Samuel, vị ngôn sứ giám sát quá trình chuyển biến của Israel thành một quốc gia có vua, đầu tiên là Saulô, sau đó là Đavít. Theo cách nói tiên trưng, đây cũng là một điểm cực kỳ quan trọng, vì Samuel báo trước về Chúa Kitô, khiến bà Anna trở thành tiền thân của Đức Maria. Thực ra, toàn bộ khung cảnh cũng là một kiểu nói tiên trưng của Cựu ước về biến cố Truyền tin.

Bối cảnh lịch sử và thần học cho thấy rằng đây là một bước ngoặt. Cũng có một thực tế đơn giản rằng đây là câu chuyện có thật đầu tiên về sự cầu nguyện trong Kinh thánh. Điều ngạc nhiên hơn nữa là các nhà chú giải Do Thái trong kinh Talmud coi lời cầu nguyện của bà Anna như một khuôn mẫu cho mọi lời cầu nguyện.

Vậy thì câu chuyện này dạy chúng ta điều gì về cách cầu nguyện? Chúng ta có thể tóm tắt 10 điều:

1. Giá trị của việc ăn chay.

Trước đoạn văn Kinh Thánh nói về việc bà Anna cầu nguyện trên đây, chúng ta thấy trong bữa ăn, bà Anna đều khóc và không chịu ăn. Và rồi, sau một trong những bữa ăn như thế, bà cầu nguyện. Mặc dù bà Anna không cố ý ăn chay nhưng điều đáng chú ý là bà đã cầu nguyện khi bụng đói. Cơn đói thể xác dường như đi đôi với sự đói khát thiêng liêng.

2. Tính cấp thiết của việc cầu nguyện.

Có một âm điệu tinh tế về tính cấp thiết của việc cầu nguyện trong toàn bộ câu chuyện này. Thời điểm cầu nguyện của bà Anna có vẻ hơi tự phát: hàng năm, bà đều cùng chồng và người vợ lẽ của ông đến Shiloh để tế lễ, và lần nào người vợ lẽ của ông cũng “cứ chọc tức bà” vì bà không có con. Lần này có vẻ khác: bà Anna dường như đã hết sức chịu đựng, và trong khoảnh khắc khủng hoảng đó, đã bà đã kêu cầu lên Chúa.

3. Cầu nguyện trước sự hiện diện của Thiên Chúa.

Nếu bạn đọc tác phẩm kinh điển của Thánh Phanxicô de Sales, Giới thiệu về Đời sống Đạo đức, thì những hướng dẫn về cầu nguyện của ngài luôn bao gồm quy định rằng người ta phải chuẩn bị cho việc cầu nguyện đó là đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Đây chính là những gì chúng ta thấy bà Anna đang làm, bà đến cầu nguyện tại lều tạm, vốn là tiền thân của đền thờ.

4. Cầu nguyện như sự hiến tế.

Ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa, đối với lịch sử sau này của Israel cổ đại, có nghĩa là ở gần bàn thờ, nơi hiến tế. Đối với các nhà giải thích luật Do Thái, điều này hợp pháp hóa mối tương quan giữa việc cầu nguyện và sự hiến tế. Điều này rất quan trọng đối với Do Thái giáo thời hậu-đền thờ, khi người ta phải phát triển đời sống tâm linh trong điều kiện không có hệ thống lễ tế.

Đối với chúng ta cũng vậy, câu chuyện này củng cố mối liên kết giữa việc cầu nguyện và sự hiến tế. Quả thực, cầu nguyện thực sự là một hình thức hiến tế — hiến tế ý muốn của mình. Đây là cốt lõi của lời cầu nguyện cơ bản nhất của Kitô giáo: Xin cho ý Cha được thể hiện. Đối với chúng ta, hình mẫu tối thượng là Đức Kitô. Lời cầu nguyện khổ nạn của Người đã kết thúc với lời khẳng định rằng “Không phải ý con mà là ý Cha được thực hiện”.

5. Vai trò của người trung gian

Điều khá thú vị là khoảnh khắc cầu nguyện nội tâm sâu sắc này hoàn toàn không phải là chuyện riêng tư. Bản văn ghi rằng thầy cả Êli cũng hiện diện như một nhân chứng cho sự việc này. Tuy nhiên, dù thầy cả Êli ở đó ngay từ đầu nhưng mãi đến phần sau của câu chuyện ông mới can dự vào. Ở đây, có lẽ, chúng ta có được bài học rằng lời cầu nguyện được tăng thêm thay vì bị suy giảm thông qua sự tham gia của những người khác – các linh mục, các thánh, và những người trung gian khác.

6. Chân thành và cởi mở về mặt cảm xúc.

Bà Anna khóc nức nở, thổ lộ tâm tình cách chân thành trước mặt Chúa. Khi cầu nguyện với Chúa không có nghĩa là chúng ta khép mình lại, trái lại, hãy mang những cay đắng, nước mắt, đau khổ để trao cho Ngài. Cầu nguyện không phải là sự giao tiếp mang tính giao dịch mà là sự hiệp thông thực sự.

7. Lời cầu nguyện xuất phát từ trái tim

Lời cầu nguyện tha thiết của bà Anna trước nhan Thiên Chúa được xuất phát từ chính trái tim dễ bị tổn thương của bà. Điều này được thể hiện bởi một chi tiết: bà Anna lặng lẽ cầu nguyện, mấp máy môi nhưng không phát ra âm thanh nào.
Như Thánh Augustinô đã diễn tả trong một lá thư về cầu nguyện, “Trong hầu hết các trường hợp, cầu nguyện cốt ở những tiếng than van hơn là bằng lời nói, khát khao trong nước mắt hơn là bằng từ ngữ. Thiên Chúa đặt những giọt nước mắt của chúng ta trước mắt Ngài, và những tiếng rên rỉ của chúng ta không bị che khuất khỏi nhan Ngài, Đấng đã tạo ra mọi vật bằng lời nói, và không cần đến lời nói của con người”.

8. Cầu nguyện trong thâm tâm và sự diễn tả bên ngoài.

Mặc dù tâm tình chủ yếu diễn ra trong thâm tâm nhưng những cử chỉ bên ngoài cũng là điều cần thiết và không thể bỏ qua. Khi cầu nguyện, dù là trong thinh lặng, nhưng bà Anna vẫn mấp máy môi. Rõ ràng là bà đang khóc. Việc cầu nguyện lay chuyển cả thể xác và tâm hồn của chúng ta.

9. Phụng sự Chúa.

Như nhà văn Holly Pavlov đã lưu ý, trong khi bà Anna đang cầu xin Thiên Chúa điều gì đó, chắc hẳn điều mà bà thực sự nài xin đó là bà có cơ hội để phụng sự Thiên Chúa cách trọn vẹn hơn qua việc làm mẹ của Samuel, người mà bà hứa sẽ dâng hiến cho Ngài.

Đối với bà Anna, có một đứa con là biểu hiện tối thượng của mối tương quan giữa bà với Thiên Chúa. Để, với tư cách là một người mẹ, bà cảm thấy rằng mình có thể phụng sự Thiên Chúa một cách tốt nhất. Vì vậy, nỗi cay đắng của bà là nỗi xót xa thiêng liêng, một biểu hiện của sự thiệt thòi về phương diện tâm linh. Và rồi, lời cầu nguyện này không chỉ đơn thuần là về nhu cầu của chính bà, mà còn về khả năng để bà phụng sự Thiên Chúa”. (x. Holly Pavlov, Mirrors of Our Lives: Reflections of Women in Tanach)

10. Cơn say tỉnh táo.

Thoạt đầu, đây có vẻ như là một sự hiểu lầm và thầy cả Êli tỏ ra vụng về và thiếu tinh tế. Nhưng có điều gì đó sâu sắc hơn đang diễn ra ở đây. Chúng ta hãy nhớ lại rằng, vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ được đầy tràn Chúa Thánh Thần đến nỗi người ngoài cuộc đã chẳng tưởng là các ngài bị say rượu đó sao? Theo một cách nào đó, khi một người chìm sâu vào trạng thái ngây ngất của cầu nguyện, họ sẽ trở nên như người bị say và không biết gì khác nữa. Đối với Thánh giáo phụ Grêgôriô thành Nyssa, trạng thái nghịch lý vừa chếnh choáng nhưng không say này là một đặc tính quan trọng của đời sống thiêng liêng, đặc biệt trong ngữ cảnh của các bí tích. Ngài chỉ đơn giản gọi đó là “cơn say tỉnh táo”.
Stephen Beale
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (14.3.2022)

Nguồn tin: www.hdgmvietnam.com

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây